(Mặt trận) - So với năm 2015, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được nâng lên, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được cải thiện. Tuy nhiên so với mặt bằng chung, tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) của đồng bào DTTS vẫn còn rất nhiều khó khăn. Điều đó đã được thể hiện rõ ràng, cụ thể, sinh động qua Kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2019. Hội nghị công bố Kết quả diễn ra ngày 03/7/2020, tại Hà Nội, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn; Lê Sơn Hải; đồng chí Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; đồng chí Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); các đồng chí Phó Cục trưởng Tổng cục Thống kê; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT, Tổng cục Thống kê; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; các bộ, ngành cơ quan Trung ương; các tổ chức quốc tế; các cơ quan thông tấn báo chí.
Thực hiện Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS, ngày 01/10/2019, UBDT đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS lần thứ hai. Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS cung cấp toàn diện thông tin về KT-XH của vùng DTTS; dân số và các đặc trưng nhân khẩu học của đồng bào DTTS; điều kiện nhà ở, sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần của hộ DTTS.
Kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2019 cho thấy: Trên phạm vi cả nước, có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi, chiếm 49,0% tổng số xã của toàn quốc. Các xã vùng DTTS phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (87,3%), thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tại 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2019, 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS đã được tiếp cận điện. Trong đó, tỷ lệ thôn được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm tới 97,2%, tăng 4,2 điểm phần trăm so với năm 2015. Gần 90% các thôn thuộc vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, cao hơn gần 17 điểm phần trăm so với năm 2015. Hầu hết các xã vùng DTTS đã có trạm y tế, chiếm 99,5%, tương đương với kết quả điều tra năm 2015. Tỷ lệ đi học chung cấp tiểu học của người DTTS là 100,5%, cấp THCS là 85,8% và THPT là 50,7%. So với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người DTTS đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở cấp THPT với tỷ lệ đi học chung ở cấp này tăng 8,9 điểm phần trăm… Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng DTTS là 35,5%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với năm 2015; cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%).
Tính đến thời điểm ngày 01/4/2019, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Tuổi thọ trung bình của 53 DTTS là 70,7 tuổi, thấp hơn mức chung của cả nước (73,6 tuổi). Gần như toàn bộ các hộ DTTS đã có nhà ở (đạt 99,2%). Cả nước vẫn còn 20,8% hộ DTTS đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Ti vi đã trở thành một loại thiết bị sinh hoạt phổ biến của các hộ DTTS với 81,5% hộ DTTS sử dụng. Tỷ lệ hộ DTTS có sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng là 92,5%, tăng 17,1 điểm phần trăm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop) là 10,3%, tăng 2,6 điểm phần trăm so với năm 2015…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS là cuộc điều tra rất quan trọng, được điều hành bởi các nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm của Tổng cục Thống kê. Kết quả điều tra cung cấp toàn diện thông tin về dân số và phân bố dân cư; thực trạng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế; thực trạng đói nghèo; tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; y tế và vệ sinh môi trường nông thôn; về cán bộ, đảng viên; di cư tự do; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn… của vùng DTTS và miền núi.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, kết quả điều tra cho thấy, trong 5 năm qua, Đảng và Nhà nước (trực tiếp là Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ) các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đặc biệt, dành nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh ở vùng DTTS và miền núi đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, so với chính mình thì vùng DTTS và miền núi đã có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt.
Kết quả cuộc điều tra này là căn cứ có tính pháp lý để đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2015 - 2020 và Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020; chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, chuẩn bị văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. “Kết quả hôm nay là những số liệu cơ bản, có tính tổng hợp để nghiên cứu sâu hơn cần phân tích, tiếp cận trên nhiều khía cạnh khác nhau để sử dụng có hiệu quả nhất”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Theo Báo Dân tộc