Tin mới

Về làng Chăm những ngày Katê

(Mặt trận) -Lễ Katê được coi là một trong những lễ hội quan trọng và lớn nhất của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận thậm chí người ta còn gọi là “Tết” Katê, Tết của dân tộc Chăm. Lễ hội Katê hàng năm được tổ chức vào ngày 1/7 lịch Chăm (tức tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch). Thông thường, người Chăm tổ chức lễ hội suốt mấy ngày trước và sau Katê nhằm mục đích tưởng nhớ và ôn lại công đức của ông bà, tổ tiên. Đồng thời cũng là dịp vui chơi giải trí, giao lưu cộng đồng sau một năm lao động vất vả.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Đồng bào Chăm Bình Thuận chuẩn bị lễ vật Tại tháp Pô Sah Inư

Nghi lễ độc đáo trên đất tháp

Đất tháp-người ta vẫn hay gọi như vậy khi nói về các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Bởi lẽ nơi đây là vùng đất còn lưu giữ dấu ấn của nền văn hoá Chăm Pa, một thời rực rỡ. Đó là hệ thống đền tháp, cùng nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo, những lễ hội đặc trưng của người Chăm còn lưu giữ đến ngày nay. Ở đây có cộng đồng người Chăm đông đúc với những hoạt động văn hoá đặc thù.

Sẽ thật thú vị, nếu ai một lần đến với miền đất tháp trong mùa lễ hội, nhìn bóng tháp Chăm trầm mặc trong chiều tím biếc, theo chân các thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống duyên dáng đội lễ vật đến các đền tháp để dâng cúng thần linh. Và ở đó, các bạn sẽ được thấy các lễ rước sắc phục, cân đai, áo mão để mặc cho các vị thần; lễ mở cửa tháp; lễ tắm tượng thần, tượng vua chúa; lễ dâng trầm; múa lễ dân gian. Sau đó, các gia đình dâng vật phẩm cúng thần linh, vua chúa để cầu mong an lành, hạnh phúc.

 Đồng bào Chăm chuẩn bị lễ vật để dâng cúng thần linh

Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn, Trụ trì tháp Pô Klong Garai (Ninh Thuận) cho biết: Lễ hội Katê truyền thống được xem là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chăm Bàlamôn. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ các vị thần linh và dâng lễ vật cúng ông bà tổ tiên với lòng thành kính cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an, gia đình thịnh vượng. 

Các lễ vật chính trong lễ hội Katê tại đền tháp sẽ bao gồm: 1 con dê, 3 con gà để làm lễ tẩy uế trong tháp, 5 mâm cơm với canh và thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng, thêm 3 ổ bánh gạo cùng hoa quả. Ngoài ra, người dân còn chuẩn bị thêm rượu, trứng, xôi chè, trầu cau... Đây là phần lễ vật mang lên cúng trên các tháp còn phía dưới chân tháp sẽ là hàng trăm mâm lễ khác nhau do những người dự lễ thành tâm chuẩn bị.

Sau phần lễ, phần hội được diễn ra ở tất cả các làng Chăm theo đạo Bàlamôn, với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc Chăm. Dân tộc Chăm có kho tàng văn hóa, dân ca, dân vũ rất đặc sắc, phong phú. Khi tiếng trống Ghinăng, Paranưng, kèn Saranai tấu lên, cùng lúc các thiếu nữ Chăm duyên dáng, mặn mà trong trang phục truyền thống cất lên những làn điệu dân ca nguyên sơ, cao vút, thăm thẳm làm say đắm lòng người.

Một khi đã hoà cùng lễ hội thì cho dù, bạn là người ngoại đạo với âm nhạc đi chăng nữa thì cũng không thể làm ngơ trước những điệu múa dân gian nhẹ nhàng, uyển chuyển và đầy ắp ngôn từ, từ các động tác của vụ công. Một điều thú vị nữa là người Chăm rất hiếu khách. Sau một đêm đắm chìm trong nghệ thuật truyền thống dân tộc, bạn có thể ghé vào bất cứ một gia đình nào để chúc mừng và cùng vui Katê với gia chủ. Ở đó, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống, nghe những câu chuyện tâm tình, trong phút chốc bạn quên mình là khách để đến khi ra về vẫn còn lưu luyến bước chân đi.

 Các thiếu nữ Chăm duyên dáng trong vũ điệu dân gian tại tháp Pô Klong Garai

Làng Chăm vui hội Katê

Năm nay, lễ hội Katê được tổ chức từ ngày 13-15/10. Nhưng vì đây là lễ hội quan trọng nhất nên mọi thứ đều phải tươm tất, chỉn chu để tưởng nhớ công ơn tổ tiên và cầu mong mưa thuận gió hoà, sản xuất nông nghiệp bội thu. Vì thế, vài ngày trước khi Katê bắt đầu, tại các làng Chăm, không khí chuẩn bị lễ hội đã nhộn nhịp hẳn lên.

Ninh Thuận là tỉnh có đông đồng bào Chăm sinh sống tập trung tại 35 thôn, khu phố trên địa bàn 13 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố với 19.239 hộ, 85.343 khẩu. Tại huyện Ninh Phước, nơi đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn sinh sống nhiều nhất. UBND huyện chỉ đạo tổ chức hoạt động đón mừng Lễ hội Katê bắt đầu từ ngày 11/10 với hội thao dân gian gồm các hoạt động: Đội nước, đẩy gậy, kéo co kết hợp Hội thi văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc Chăm truyền thống diễn ra tại làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp.

 Đồng bào Chăm vui hội Katê

Từ ngày 12/10, các làng Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như bóng đá nam, nữ, múa sân tại làng Hữu Đức, Hậu Sanh, Hiếu Lễ, Bàu Trúc kết hợp hội thi nặn gốm, trình diễn dệt thổ cẩm. Giỗ tổ nghề gốm Bàu Trúc diễn ra tại đền thờ Pô Klong Chanh vào sáng ngày 18/10/2023.

Ở làng Chăm những ngày diễn ra Lễ hội Katê, dọc theo những con đường thôn xóm đông vui nhộn nhịp. Buổi tối, ngoài sân làng, đèn cao áp sáng trưng phục vụ cho đêm văn nghệ, thanh niên nam nữ rộn ràng, uyển chuyển trong các điệu múa, theo tiếng kèn Saranai và tiếng trống Paranưng rộn ràng.

Chúng tôi về làng Chăm Hữu Đức, gặp ông La Văn Điểm, Bí thư Chi bộ thôn Tân Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Katê làng Chăm Hữu Đức vào đúng dịp Katê. Ông Điểm cho biết: Để chuẩn bị cho lễ hội, địa phương huy động gần 400 người là diễn viên quần chúng và nhạc công tham gia chương trình múa sân lễ đón mừng Katê và nghi thức rước y trang của nữ thần Pônư Inưga diễn ra vào trưa ngày 13/10. Tối 13/10, Đoàn ca múa nhạc tỉnh Ninh Thuận phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc đón mừng Katê.

Sáng ngày 14/10, tổ chức Lễ rước y trang tháp Pô Klong Garai, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tháp Pô Rômê và đền Pô Inư Nưgar, Phước Hữu (Ninh Phước). Các vị chức sắc Bàlamôn làm lễ tắm tượng thần, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, thôn xóm bình yên. Các nghệ nhân dân gian biểu diễn chương trình dân ca dân vũ đặc sắc do các thiếu nữ Chăm biểu diễn tại các đền tháp. Sau nghi lễ Katê đền tháp là Katê làng và Katê gia đình.

Chia tay Hữu Đức, chúng tôi về làng Chăm Bàu Trúc trong không khí rộn ràng chuẩn bị mừng đón Katê của người dân làng nghề gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Các hộ gia đình chế tác nhiều sản phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm quà lưu niệm của du khách đến thăm Bàu Trúc vui đón Lễ hội Katê. Năm nay diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao phong phú phục vụ đời sống tinh thần cho người dân địa phương và du khách đến tham quan Lễ hội. Đồng bào Chăm các địa phương mừng đón Lễ hội Katê 2023 diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm, an toàn.

Rời làng Chăm Ninh Thuận, chúng tôi suôi theo Quốc lộ 1A, đi về những làng Chăm Bình Thuận để cùng vui hội Katê. Khi chúng tôi đến nhà chị Lư Nguyễn Thị Phương Ái ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình đã thấy mọi người đang chộn rộn chuẩn bị cho Lễ hội Katê. Mỗi người mỗi việc, từ người già, đến người trẻ đều chung tay từ việc nhẹ đến việc nặng.

 Lễ rước Y trang của đồng bào Chăm Bình Thuận

Gần đó, gia đình ông Văn Vĩnh Lạc cũng đầy ắp tiếng cười nói, các thành viên trong gia đình quây quần đón tết truyền thống của đồng bào mình. Theo ông Lạc, người Chăm rất coi trọng quan hệ huyết thống, họ hàng, cũng như đời sống tình cảm của gia đình. Vì vậy Katê là dịp để thăm viếng nhau giữa những người thân tộc, bạn bè, tương tự như không khí Tết nguyên đán. Dịp này đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn cũng háo hức, nô nức cho một năm mới tạ ơn ông bà, tổ tiên, tạ ơn các thần linh đã giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Tại đền Pô Nít, xã Phan Hiệp, mọi người cùng gặp tề tựu về đây để thực hiện nghi lễ và vui hội Katê. Bà Nguyễn Thị Xí cho biết: Năm nay, các bà, các bác thống nhất làm đủ các loại bánh để cúng tổ tiên, riêng bánh gừng là 15 kg, mệt nhưng rất vui. Ngày tết là ngày sum họp, ngày đoàn tụ nên người nào đi xa cũng tới ngày này, tụ họp về bên gia đình và bà con.

Tại tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, từ sáng sớm ngày diễn ra lễ chính, đồng bào Chăm từ các xã, huyện trong tỉnh Bình Thuận đã mang lễ vật lên sân tháp Pô Sah Inư để chuẩn bị cho các hoạt động của lễ Katê.

Ngay sau phần khai mạc, Lễ hội Katê bước vào nghi thức quan trọng nhất là Lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư. Dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, lễ rước y trang của nữ thần diễn ra nghiêm trang nhưng không kém phần đặc sắc. Bên cạnh vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của ngôi tháp Pô Sah Inư, những chàng trai, cô gái người Chăm nhịp nhàng, uyển chuyển trong điệu múa, tiếng trống Paranưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt. Tiếp sau đó là các nghi thức của phần lễ như: mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính…

Phần hội của Lễ hội Katê năm nay không kém phần sôi nổi với các hội thi và các trò chơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như: thi trưng bày và trang trí lễ vật trên Thôn la; thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, thi thổi kèn saranai, biểu diễn âm nhạc dân gian…

Lễ hội Katê năm nay đã khép lại nhưng trong lòng mọi người, âm vang ngày hội vẫn còn. Những vũ điệu dân gian, làn điệu dân ca Chăm, tiếng trống Ghinăng quyện cùng tiếng kèn Saranai vẫn theo mãi  bước ta đi...

Thành Nhân

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản