|
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Khê trao đổi việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo với các linh mục ở giáo xứ Ngô Xá. |
Đồng thuận cho mục tiêu chung
Huyện Thanh Thủy có sáu giáo xứ, 21 giáo họ với trên 22.000 giáo dân, chiếm khoảng 25% dân số toàn huyện tập trung chủ yếu ở các xã: Hoàng Xá, Sơn Thủy, Bảo Yên, Xuân Lộc và thị trấn Thanh Thủy. Nhiều năm nay, hoạt động của đạo Công giáo trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, thuần tuý, không xảy ra các vấn đề bức xúc, gây chia rẽ mất đoàn kết liên quan đến tôn giáo. Các chức sắc, chức việc, giáo dân tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đến nay, đời sống kinh tế của bà con giáo dân tương đối phát triển. Thu nhập bình quân ở xã Công giáo toàn tòng Sơn Thủy đạt 45 triệu đồng/người/năm, Hoàng Xá đạt 40,1 triệu đồng/người/năm, Xuân Lộc 48,1 triệu đồng/người/năm,… Tỉ lệ hộ nghèo ở các xã có đông đồng bào Công giáo đến nay cũng đã giảm rõ rệt: Hoàng Xá giảm còn 2,39%, Xuân Lộc còn 2,02%, Sơn Thủy 3,12%,... Chất lượng y tế, văn hoá, giáo dục ngày càng nâng cao. Các xã đều đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018 và đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu.Để đạt được những kết quả đó, huyện Thanh Thủy xác định quan tâm đến công tác tôn giáo, tăng cường đoàn kết lương - giáo là vấn đề quan trọng, trong đó vận động quần chúng là nhiệm vụ trọng tâm.
Đồng chí Nguyễn Văn Cường- Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy cho biết: “Việc vận động không chỉ bằng lời nói mà bằng hoạt động cụ thể, đó là quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, xây dựng thiết chế văn hoá đồng bộ, khang trang. Các cơ sở tôn giáo trên địa bàn cũng đã được tạo điều kiện trùng tu, tôn tạo nhà thờ, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình phục vụ hoạt động tôn giáo. Nhờ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần trong đồng bào Công giáo. Đến nay, 90% diện tích đất của các cơ sở tôn giáo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thông qua việc tiếp xúc với các chức sắc tôn giáo trong những ngày lễ trọng của đạo Công giáo, lãnh đạo Huyện ủy đã cùng với các chức sắc trao đổi cởi mở, chân thành về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, từ đó tạo sự hài hoà, gắn kết, không phân biệt giữa lương - giáo”.
Nhằm kịp thời nắm bắt, xử lý những vấn đề phát sinh trong hoạt động của đồng bào Công giáo, huyện Thanh Thủy đã quan tâm bố trí cán bộ làm công tác tôn giáo, trong đó Ban Dân vận là cơ quan thường trực. Các xã thành lập Ban chỉ đạo công tác dân tộc, tôn giáo, trong đó đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban thực hiện tham mưu, giúp cấp ủy nắm tình hình nhân dân, tín đồ tôn giáo, tình hình hoạt động của các tôn giáo, đạo lạ, đạo mới… Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo cũng được quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, Phòng Nội vụ đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tổ chức ba lớp bồi dưỡng kiến thức về chính sách, pháp luật, tuyên truyền phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo cho 343 lượt cán bộ, công chức huyện, xã, các chức sắc, chức việc, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn.Từ những cách làm trên của huyện Thanh Thủy đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân trong đồng bào có đạo, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường thêm sức mạnh của hệ thống chính trị.
Khơi nguồn sức mạnh toàn dân
Đoàn kết lương - giáo là một trong những tư tưởng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy các giá trị quý báu của tư tưởng Hồ Chí Minh, những năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam tỉnh Phú Thọ đã bám sát tôn chỉ mục đích, đường hướng hoạt động, hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước hướng về các xứ và họ đạo, trở thành cầu nối giữa đồng bào Công giáo với Đảng, chính quyền. Phong trào thi đua của đồng bào có đạo đã được phát triển rộng khắp và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực, tự giác tham gia của các tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng. 5 năm qua, bà con giáo dân đã tự nguyện hiến hàng trăm nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hoá khu dân cư; tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cùng Nhà nước chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng trường lớp học; tích cực tham gia phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài. Công tác chăm lo bảo vệ sức khỏe vùng đồng bào Công giáo được chú trọng quan tâm. Nhiều xứ, họ đạo duy trì hoạt động của Ủy ban bác ái - xã hội Caritas Việt Nam kêu gọi các linh mục, tu sĩ và nhân viên y tế thường xuyên giúp đỡ các gia đình ốm đau khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người già, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình dân số-Kế hoạch hoá gia đình được triển khai rộng khắp ở các địa bàn vùng Công giáo, nội dung được cụ thể hoá thành tiêu chí đánh giá gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, xứ, họ đạo văn hoá.
Ông Lê Kiêm Toàn - Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam tỉnh cho biết: Những năm qua, cộng đồng Công giáo trên địa bàn tỉnh luôn tin tưởng, tuân thủ, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của giáo hội; tích cực tham gia hoạt động xã hội nhân đạo, xây dựng chính quyền, phong trào đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn bình yên xứ đạo và khu dân cư. Đáng chú ý, UBĐKCG Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và cả hệ thống chính trị ở cơ sở tuyên truyền ngăn chặn không để các phần tử lợi dụng tôn giáo kích động giáo dân tụ tập gây mất an ninh trật tự và du nhập các tà tạp đạo như “Hội thánh Đức chúa trời”, Pháp luân công...
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có hai tôn giáo chính: Phật giáo và Công giáo. Trong đó, đạo Công giáo có 45 giáo xứ với 138 họ giáo thuộc hai giáo phận Hưng Hóa và Bắc Ninh với tổng số trên 133.000 giáo dân, 62 linh mục thường trú và làm mục vụ tại 129 nhà thờ, nhà nguyện. Qua nắm bắt của các cơ quan chức năng, tình hình tư tưởng trong đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh ổn định, không có những vấn đề phức tạp và điểm nóng. Bà con giáo dân ở các xứ và họ đạo luôn đoàn kết, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Để đạt được kết quả này, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong tham mưu cho cấp ủy cùng cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; quan tâm giải quyết những nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân. Đồng thời thường xuyên quan tâm chăm lo, động viên, hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; quán triệt và triển khai thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng gắn liền với đẩy mạnh các CVĐ, phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đồng bào có đạo ý thức tự giác vươn lên trong lao động sản xuất, thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo.
Phát huy vai trò là cầu nối giữa đồng bào giáo dân trong tỉnh với cấp ủy Đảng, chính quyền, thời gian tới, UBĐKCG Việt Nam tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Công giáo, kịp thời phản ánh đến cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật nhà nước, các chính sách về tôn giáo…; vận động đồng bào giáo dân tích cực tham gia CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Anh Thơ – Hồng Nhung