Tin mới

Xuân vùng giáo ở Thái Bình

(Mặt trận) -Đã thành thông lệ, sau lễ Noel, bà con giáo dân lại tưng bừng chuẩn bị đón tết Nguyên đán. Những vật dụng trang trí trong ngày Noel như cây thông, đèn điện, hang đá nhiều nơi vẫn được giữ nguyên đến tết Nguyên đán. Với đồng bào vùng giáo, tết cổ truyền cũng hết sức đặc biệt, đó là dấu mốc quan trọng báo hiệu một mùa xuân mới và cùng nhìn lại năm cũ đã qua đi. Năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn song bà con giáo dân luôn nêu cao truyền thống sống phúc âm trong lòng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo. 

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Một trong những giáo dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi, bà Trần Thị Phượng, thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) cho biết: Mặc dù làm cán bộ xã hàng chục năm nhưng chưa bao giờ tôi thôi làm nghề phụ. Đã từng lăn lộn với rất nhiều nghề song tới năm 2017 tôi mới chính thức mở xưởng sản xuất giày dép. Mới đầu còn khó khăn nên tôi chỉ mở 1 xưởng tại nhà với hơn 10 công nhân. Vừa làm chủ cơ sở vừa đào tạo thợ, lấy ngắn nuôi dài, dần dần tôi mở rộng quy mô, đầu tư mua thêm máy móc, tuyển thêm người và xây dựng nhà xưởng. Đến nay tôi đã có 11 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song xưởng sản xuất của tôi vẫn hoạt động ổn định, cho ra thị trường trên 10 vạn sản phẩm, thu nhập đạt gần 1 tỷ đồng. Với kết quả này, năm nay bà Phượng sẽ đón một cái tết đầm ấm, sung túc hơn mọi năm.

Ông Đặng Kim Song, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư cho biết: Toàn xã có 42 gia đình theo đạo Công giáo, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dân số của địa phương nhưng đã đóng góp đáng kể vào thành tích chung của xã. Nhờ sự năng động trong phát triển kinh tế nên đời sống của bà con giáo dân ngày càng nâng cao, đến nay không còn hộ nghèo, 100% gia đình giáo dân đạt gia đình văn hóa và không mắc tệ nạn xã hội.

 Về giáo xứ Sa Cát (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), ngoài chứng kiến sự sôi động của làng nghề trồng hoa, cây cảnh chúng tôi còn nhận thấy sự “thay da đổi thịt” ở khắp các giáo khu, giáo họ và đặc biệt là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của những vườn đào, vườn quất với đủ các thế do chính bàn tay của bà con giáo dân nơi đây làm ra. Đây là giáo xứ đầu tiên của phường đăng ký thực hiện cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm, đến nay có trên 100 hộ trồng đào, quất cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm. 

Ông Vũ Văn Tám, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Sa Cát khẳng định: Giáo xứ có 2.100 giáo dân với trên 660 hộ, bà con đều rất năng động phát triển kinh tế, người trồng đào, trồng quất, người đi làm công nhân, buôn bán, người thành lập doanh nghiệp nên đời sống tương đối khá giả. Giáo dân Lê Văn Phấn chia sẻ: Mỗi một mùa xuân về, tôi cũng như bà con giáo dân ở đây tất bật hơn bởi phải chăm sóc hàng trăm cây đào, quất để kịp cung cấp cho thị trường tết. Mỗi năm nhà tôi trồng trên 500 gốc đào, cho thuê trên 100 cây đào rừng với giá bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/cây, còn lại đào ta giá từ 300.000 - 1 triệu đồng/cây. Mặc dù làm vườn vất vả quanh năm song cứ mỗi độ tết đến xuân về tôi lại phấn khởi bởi có nguồn thu nhập lớn, bình quân trên 200 triệu đồng.

Niềm vui và sắc xuân cũng đã tràn ngập các giáo xứ của huyện Tiền Hải. Ở giáo xứ Hợp Châu, xã Nam Thịnh, bà con giáo dân luôn sống tốt đời, đẹp đạo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Chính vì thế, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm còn 2,2%, không còn hộ đói, không có nhà ở dột nát. Hàng năm, 85% gia đình Công giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa. 5 năm qua đã có 41 lượt xứ, họ đạo đạt danh hiệu “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”, giáo xứ Hợp Châu và 3 họ lẻ 3 năm liền đạt danh hiệu “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”.

Tới thăm giáo xứ An Lập, xã Hồng Giang (Đông Hưng), chúng tôi ấn tượng với cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp ở đây. Hình ảnh bê tông hóa đường nông thôn, khuôn viên nhà thờ, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh, công tác vệ sinh môi trường đã góp phần tô điểm cho vùng giáo luôn tươi đẹp. Điều đặc biệt là mỗi gia đình trong giáo xứ đều có một thùng chuyên để rác thải có thể tái tạo được. Hàng tháng, vào chủ nhật của đầu tháng, giới trẻ của giáo xứ tổ chức đi thu gom, phân loại, bán phế liệu, thu được từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này được dùng để mua quà tặng hộ nghèo, các cháu có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi nhân dịp tết Nguyên đán.

Có thể khẳng định, những năm qua các giáo xứ và bà con giáo dân trong toàn tỉnh Thái Bình đều hăng hái thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng xứ, họ đạo 4 gương mẫu. Hàng năm có khoảng 60 - 80% xứ, họ đạo đạt danh hiệu “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”. Kết quả này sẽ tạo thêm động lực để bà con giáo dân tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thu Thủy

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản