Tin mới

Ý chí thoát nghèo của người dân vùng cao Đồng Phúc

(Mặt trận) -Đồng Phúc là một trong những xã thuộc diện khó khăn của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, giao thông không thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo cao. Điều ấn tượng nhất ở nơi đây chính là nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao đã quyết tâm xin thoát khỏi diện hộ nghèo.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

Cán bộ xã Đồng Phúc lên thôn Lủng Mình thăm nắm tình hình đời sống của người dân

Thoát nghèo từ nhận thức

Chúng tôi đến xã Đồng Phúc vào một ngày mưa. Vượt quãng đường hơn 30km từ trung tâm huyện Ba Bể, qua đỉnh Đồn Đèn sương phủ trắng tầm quan sát, qua xã Quảng Khê mới tới xã Đồng Phúc. Con đường chính chạy qua xã lầy lội do các phương tiện giao thông vận chuyển đất đá đi lại. Biết được ý định chúng tôi lên thôn vùng cao Lủng Mình để tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào, đặc biệt là các hộ tự nguyện xin được thoát nghèo, lãnh đạo xã cử hai cán bộ đi cùng. Đây cũng là công việc thường xuyên của cán bộ xã xuống thôn để thăm nắm tình hình mùa vụ của bà con.

Lủng Mình nằm cách trung tâm xã hơn 4km. Đường tới thôn phải qua khu vực nhà máy thủy điện Tà Làng rồi đi ngược lên núi. Thôn nằm ở lưng chừng núi, phía dưới là những thửa ruộng bậc thang, hai bên có những vạt rừng keo, mỡ xanh ngắt. Từ xa đã nhìn thấy những nếp nhà sàn của đồng bào bên sườn núi, thấp thoáng vài ngôi nhà mới xây theo lối kiến trúc hiện đại.

Qua trao đổi, trưởng thôn Triệu Xuân Phương cho biết, thôn Lủng Mình có 40 hộ đồng bào dân tộc Dao định cư ở đây từ lâu. Cả thôn có khoảng 300ha rừng sản xuất, diện tích đất trồng lúa 2 vụ có hơn 20ha. Hiện nay, hầu hết các hộ trong thôn đều trồng cây chè Shan tuyết. Đây là giống chè nổi tiếng ở vùng này, có cây chè cổ thụ cao hơn nóc nhà, mỗi khi thu hái phải dùng thang. Hương vị đặc biệt của giống chè này khó có thể lẫn được với các giống chè khác.

Năm 2019, qua rà soát thôn Lủng Mình có 23/40 hộ nghèo. Trong đó có 04 hộ đã tự nguyện xin được thoát nghèo, đó là các hộ ông Triệu Hữu Quan, Triệu Xuân Trình, Triệu Khải Sinh và hộ trưởng thôn Triệu Xuân Phương. Qua rà soát  theo các tiêu chí thì cả 4 hộ này đều thuộc hộ nghèo, tuy nhiên các hộ đã xin được lên hộ cận nghèo để mau chóng thoát nghèo.

Trưởng thôn Triệu Xuân Phương cho biết thêm: Thời gian qua, bà con trong thôn đã được Đảng ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. Qua đó nhiều hộ đã thay đổi được nhận thức, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực vươn lên. Thời gian tới thôn sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức trong xóa nghèo và phát triển kinh tế gia đình.

Những năm qua, thôn Lủng Mình đã nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua các nguồn vốn như Chương trình 30a; 135, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới...đã hỗ trợ thôn xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Hiện thôn đã có nhà họp thôn kiên cố, 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Bí thư Chi bộ thôn Lủng Mình Triệu Kim Vượng chia sẻ: Hiện chi bộ thôn Lủng Mình có 14 đảng viên. Hằng năm chi bộ đều tổ chức tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, đề ra Nghị quyết phấn đấu mỗi năm có 01 hộ trở lên thoát nghèo. Tính từ năm 2012 đến nay đã có 8 hộ thoát nghèo. Bản thân đồng chí Bí thư Chi bộ cũng tiên phong trong việc xin thoát nghèo.

Đến nay đời sống của các hộ dân trong thôn Lủng Mình đã có nhiều thay đổi. Cả thôn hiện có trên 10ha chè Shan tuyết; công tác trồng rừng, chăn nuôi được chú trọng. Bên cạnh đó, một số người trong thôn đã tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập; một số hộ đã đầu tư mua máy xao chè để chế biến sản phẩm. Có hộ sở hữu hơn 1.000m2 trồng chè, mỗi vụ thu hoạch được 30-40kg chè khô với giá bán hiện là 150.000 đồng/kg. Đến nay thu nhập bình quân được quy đổi sang lương thực của thôn là 600kg/người/năm. Từ các khoản thu nhập, hầu hết bà con đã có nhà cửa kiên cố chỉ còn 02 hộ ở nhà tạm.

Mục tiêu mà thôn Lủng Mình đề ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi tập trung, cụ thể là nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng và chăm sóc diện tích chè Shan tuyết; đồng thời vận động nhân dân góp sức thực hiện chương trình nông thôn mới. Trong năm qua, thôn đã có 38/40 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa. Đây chính là tiền đề quan trọng để bà con tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Có thể thấy đời sống của người dân ở thôn Lủng Mình đã có nhiều thay đổi, kể cả trong cách nghĩ về chuyện thoát nghèo.

Hộ ông Triệu Khải Sinh- một trong bốn hộ xin thoát nghèo của thôn Lủng Mình. Để có căn nhà khang trang trị giá vài trăm triệu đồng, gia đình ông đã phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng chè. Ông Sinh cho biết: "Thông qua tuyên truyền, vận động của Chi bộ, Ban MTTQ, các đoàn thể, gia đình tôi xin thoát nghèo để làm gương cho bà con trong thôn và địa phương. Từ đây tôi tiếp tục vận động các hộ khác không trông chờ, ỷ lại Nhà nước hỗ trợ nữa".

Tập trung mọi nguồn lực để giảm nghèo

Đồng chí Hoàng Văn Tuệ- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc cho biết: Trong năm qua công tác giảm nghèo của địa phương đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong đó, xã đã chú trọng tới công tác tuyên truyền cho các hộ dân. Tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2019 còn 38,7%, thông qua các nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm được hơn 2%.

Đặc biệt, trong năm qua trên địa bàn xã có 05 hộ dân xin thoát nghèo gồm có 04 hộ ở thôn Lủng Mình và 01 hộ ở thôn Nà Khâu. Đảng bộ, chính quyền xã ghi nhận và biểu dương tinh thần của các hộ này, đồng thời coi đây là những điển hình trong công cuộc giảm nghèo của địa phương cần được nhân rộng. Năm 2020, xã tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%, tương đương 28 hộ thoát nghèo.

Xã Đồng Phúc có 13 thôn, trong đó có 5 thôn vùng cao, đường giao thông đi lại còn khó khăn như Khưa Quang, Nà Bjoóc, Nà Thẩu, Lủng Mình, Nà Phạ, Cốc Phấy… Thực hiện giảm nghèo bền vững, trong năm qua xã đã phân bổ các nguồn vốn thuộc Chương trình 30a với các tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi lao động ngoài nước; dự án thuộc Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh các dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã đã được triển khai kịp thời. Thời gian qua, xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức được 02 lớp đào tạo ngắn hạn cho 60 học viên, giới thiệu và tạo việc làm cho 06 lao động ngoài nước và 96 lao động trong nước, 100% người nghèo trên địa bàn được hỗ trợ mua BHYT; giải ngân gần 8 triệu đồng hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ làm 01 nhà; tiến hành hỗ trợ tiền điện trên 80 triệu đồng; 271 hộ được hỗ trợ về nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Đồng Phúc luôn xác định việc thực hiện công tác giảm nghèo gắn với chương trình NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Theo đó, hàng năm xã đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí bình xét thi đua đối với cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu địa phương. Tuy nhiên, qua đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo của địa phương chưa thật sự sâu rộng, kịp thời. Còn nhiều hộ dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm trong công tác giảm nghèo. Việc động viên, khuyến khích người dân chủ động, tự vươn lên thoát nghèo chưa được quan tâm đúng mức nên một số ít người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; việc huy động nguồn lực của cộng đồng chưa được phát huy.

Để công tác giảm nghèo thật sự bền vững xã Đồng Phúc đề ra những giải pháp cụ thể như: Tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn, bản trong việc đề xuất, lựa chọn, thi công, quản lý, giám sát đầu tư, khai thác và sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Làm tốt công tác đối thoại giảm nghèo; Tổ chức xây dựng các quy định để khuyến khích sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo…

Đồng chí Hoàng Văn Hôn- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc cho biết: Để công tác giảm nghèo đạt kết quả và mang tính bền vững. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực của nhân dân thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ cấp xã đến thôn hết sức quan trọng. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư công trình cải tạo, nâng cấp đường Lủng Mình; cải tạo, nâng cấp đường Khưa Quang, xã Đồng Phúc thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - Chương trình 30a huyện Ba Bể, giai đoạn 2019 -2020. Đây thực sự là cơ hội để người dân ở các thôn vùng cao xã Đồng Phúc tiếp tục phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo./.

N.Q

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản