Tin mới

Yên Bái: Chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) -Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG), tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất và sẵn sàng triển khai hiệu quả Chương trình MTQG.

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

 Đồng bào các DTTS tỉnh Yên Bái kì vọng Chương trình MTQG sẽ giúp đời sống kinh tế- văn hóa- xã hội có nhiều khởi sắc. (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)

Nhiều kỳ vọng

Mỏ Vàng là xã thủ phủ cây quế của huyện Văn Yên, trong đó người Dao chiếm 62%, người Mông chiếm 22%, còn lại là người Kinh, Tày, Thái. Những năm qua, đồng bào các dân tộc tại xã Mỏ Vàng đã nhận được nhiều chương trình đầu tư của Nhà nước, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Năm 2016, Mỏ Vàng có 492 hộ nghèo (chiếm 53,7%) và 153 hộ cận nghèo (chiếm 16,68%); đến năm 2020, giảm còn 379 hộ nghèo (36,54%), cận nghèo 174 hộ (16,77%).

Theo Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng Trần Tuấn Anh, hiện nay xã còn nhiều khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế, xã hội như: còn 3 thôn và một số cụm dân cư chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, thiếu đường bê tông ở các khu dân cư tập trung; cơ sở vật chất hạ tầng còn nhiều thiếu thốn… Ông Trần Tuấn Anh kì vọng rằng, Chương trình MTQG sẽ giúp đời sống kinh tế, văn hóa của người dân xã Mỏ Vàng có nhiều khởi sắc.

Còn tại huyện Mù Cang Chải, có 13/14 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Nhờ chính sách giảm nghèo, sự đầu tư có trọng điểm của Nhà nước trong nhiều năm qua, nhất là hạ tầng giao thông, đến nay, bộ mặt nông thôn miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện giảm trên 8,6% trong giai đoạn 2016-2020. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa, bê tông hóa, bảo đảm tiêu chuẩn; 100% xã có trạm y tế đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 96% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hầu hết các chỉ tiêu giảm nghèo đều vượt so với mục tiêu kế hoạch của tỉnh giao và vượt so với mục tiêu đề ra.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 5,03%/năm. 

Riêng tại 2 huyện 30a của Yên Bái là Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Số xã ĐBKK giảm 26,3%, còn 59 xã; số thôn, bản ĐBKK giảm 16,9% còn 383 thôn, bản.

Sẵn sàng tâm thế

Cùng với việc triển khai hiệu quả lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với Chương trình giảm nghèo bền vững, Yên Bái đã từng bước thực hiện tốt chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ về nhà ở, mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người DTTS sống trong vùng ĐBKK. HIện nay, Yên Bái đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình MTQG trong giai đoạn 2021-2025 là 5.667.240 triệu đồng, trong đó: ngân sách Trung ương là 4.625.171 triệu đồng, ngân sách địa phương là 162.197 triệu đồng, vốn tín dụng là 601.495 triệu đồng, vốn huy động khác là 278.377 triệu đồng.

Yên Bái đã tăng cường, củng cố hệ thống tổ chức chỉ đạo thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình MTQG. Giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào DTTS&MN trong phạm vi quản lý của đơn vị chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa, chỉ đạo, triển khai thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tổng hợp, đánh giá kết quả và điều phối chung việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG trên phạm vi toàn tỉnh.

Ông Trần Xuân Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết: Mục tiêu đến 2025, Yên Bái phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp hai lần so với năm 2020; phấn đấu 40% xã, thôn thoát khỏi diện ĐBKK; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm trên 4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025. 

Phấn đấu đến năm 2025, huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo, ít nhất 40% xã ĐBKK của tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương...

Với tâm thế sẵn sàng, chủ động trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào vùng DTTS của Yên Bái hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc.

V.H

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản