(Mặt trận) -Những ngày này, tại xã Yên Thuận, xã xa nhất của huyện Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang, các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đang được tích cực triển khai. Niềm phấn khởi hiện diện trên khuôn mặt của cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây.
|
Cán bộ, đảng viên thôn Bơi hiến đất mở tuyến đường nội thôn. |
Chúng tôi đến thôn Bơi khi tuyến đường vừa được đổ bây trước khi đổ bê tông. Ông Nông Văn Tư, Trưởng thôn hồ hởi: Người dân mong mỏi có một con đường kiên cố, giờ mới thành hiện thực. Khi triển khai giải phóng mặt bằng làm tuyến đường này, nhân dân phải hiến đất nhưng không có quá nhiều khó khăn.
Thôn Bơi được sáp nhập từ thôn Nà Khà và thôn Bơi từ năm 2019, khi đó chưa có tuyến đường nội thôn nối 2 khu dân cư với nhau. Người dân 2 khu dân cư trong 1 thôn đến với nhau phải đi đường vòng nên quãng đường xa xôi gấp đôi. Do đó, khi thôn triển khai chủ trương làm đường, người dân hưởng ứng nhiệt tình mà chẳng đắn đo. 21 hộ dân trong thôn đồng lòng hiến đất với tổng diện tích 7.500 m2. Là đảng viên, cán bộ chủ chốt của thôn, ông Nông Văn Tư hiến diện tích nhiều nhất với 2.400 m2. Các hộ dân Trần Văn Sáng, Trần Văn Chung, Trần Thị Tâm, Trần Văn Sáng, Trần Văn Bảo là anh em ruột đồng lòng hiến trên 3.500 m2. Trong đó có 3 hộ hiến từ 1.000 m2 trở lên.
Cũng như người dân thôn Bơi, người dân thôn Cầu Treo khi hiểu về tầm quan trọng của tuyến đường nội thôn và chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, 10 hộ dân đồng lòng hiến đất với tổng diện tích 2.350 m2. Đảng viên Vi Trung Lịch bày tỏ, là một trong những gia đình đảng viên có tuyến đường đi qua, chúng tôi hiến 300 m2 đất không hề đắn đo. Đồng thời tự nguyện giải phóng mặt bằng, vận động và giúp đỡ các hộ dân khác giải phóng mặt bằng, đảm bảo thời gian thi công.
Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết, cùng với công trình làm đường nội thôn của thôn Bơi, Cầu Treo, hiện nay các công trình làm tuyến đường Cao Đường - Nặm Húc, xây dựng bếp ăn và nhà bán trú 2 tầng của trường Tiểu học Bán trú Yên Thuận cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đây là các công trình thuộc Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia. Bước sang năm thứ 3 triển khai Chương trình, quá trình triển khai, thực hiện các Dự án, Tiểu Dự án đã từng bước thuận lợi hơn.
Theo UBND xã Yên Thuận, đến thời điểm này, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tại Yên Thuận đã được giải ngân cho 10 hộ trong diện được hỗ trợ nước sinh hoạt, 6 hộ được hỗ trợ nhà ở, 21 hộ được chi trả khoán bảo vệ rừng, 3 hộ vay vốn chuyển đổi nghề.
Là xã vùng sâu, vùng xa, kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ chốt, cấp ủy, chính quyền xã Yên Thuận cũng kỳ vọng vào Dự án 3 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương.
Xã Yên Thuận hiện có 5 HTX. Trong đó, HTX Chè xanh Thuận Thủy, thôn Sơn Thủy là 1 trong 5 HTX đủ điều kiện để được hỗ trợ theo Dự án 3. Ông Phạm Văn Bừng, Chủ nhiệm HTX bày tỏ: Những năm qua, HTX đã từng bước phát triển với 10 thành viên, đầu tư máy móc chế biến, sản xuất chè hiện đại, đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của thị trường. Sản phẩm chè của HTX đã đạt OCOP 3 sao. Ông Bừng kỳ vọng, trong thời gian tới, được sự quan tâm của các cấp, ngành, sản phẩm của HTX sẽ được nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, thu nhập và đời sống của các thành viên được nâng lên, đóng góp đắc lực vào sự phát triển chung của địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi là nguồn lực quý báu của xã đặc biệt khó khăn Yên Thuận nhằm tạo sự bứt phá về diện mạo, đời sống của địa phương và đồng bào DTTS nơi đây. Với sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, các dự án, tiểu dự án tại địa phương đang được triển khai đảm bảo yêu cầu đề ra, đúng đối tượng, phát huy dân chủ, xây dựng và củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước.
Bích Hằng