Tin mới

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ EU và Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU

(Mặt trận) - Chiều 17.6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier và Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU. Đây là cuộc tiếp Đại sứ EU và Đại sứ, đại biện các nước thành viên EU đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kể từ khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội Khóa XV. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu. Ảnh: Lâm Hiển 

Cùng dự cuộc tiếp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Ngoại giao... 

Đối thoại liên nghị viện thực chất, hiệu quả 

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng gặp Đại sứ EU, Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU trên cương vị mới. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, EU và các nước thành viên luôn là những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. 

Thay mặt Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier chúc mừng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội. 

Đại sứ Julien Guerrier khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung cũng như tại Đông Nam Á nói riêng; đồng thời nêu rõ, EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2045 và mục tiêu khí hậu đến năm 2050.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vui mừng nhận thấy, quan hệ Việt Nam - EU và quan hệ Việt Nam với các nước thành viên đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. 

Về chính trị - ngoại giao, việc tiếp xúc, trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao được tăng cường, hai bên đang triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận hợp tác và cơ chế đối thoại, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, y tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh, hợp tác phát triển, tư pháp, nông nghiệp... 

“Việc hai bên duy trì kênh đối thoại liên nghị viện thực chất, hiệu quả thông qua trao đổi đoàn và cơ chế hợp tác thúc đẩy việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), góp phần thúc đẩy các ưu tiên, giải tỏa các vướng mắc trong hợp tác”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Quang cảnh cuộc tiếp. Ảnh: Lâm Hiển 

Về kinh tế, EU hiện là đối tác kinh tế - phát triển rất quan trọng của Việt Nam, là đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất đối với Việt Nam; là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm và là nhà đầu tư lớn thứ sáu của Việt Nam. 

Hiệp định EVFTA đã mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – EU đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. 

Trong đó, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,5 tỷ USD; kim ngạch quý I.2024 đạt gần 16 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2023, trong đó xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 17,2%) và nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD (tăng 11,7%).

Tính đến ngày 20.5.2024, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU tại Việt Nam đạt 29,88 tỷ USD với 2.571 dự án, chiếm 6,21% tổng vốn đăng ký FDI tại Việt Nam. EU đứng thứ 6/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Từ các con số nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên đang có những dấu hiệu tích cực, tăng trưởng theo từng năm bên cạnh những dư địa rất lớn cần hợp tác thúc đẩy.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP) đang phát triển rất tốt đẹp. Hai bên đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam - EU và đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA với mục tiêu cao nhất là đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên. Trong khuôn khổ hợp tác nghị viện, các cơ chế/hình thức hợp tác, đối thoại liên nghị viện đang phát huy hiệu quả. 

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh việc Ủy ban Thương mại Quốc tế EP (INTA) đề xuất thành lập cơ chế hợp tác chung giữa Quốc hội Việt Nam và EP; đánh giá cao việc hai bên đã duy trì các cuộc đối thoại và trao đổi thường xuyên giữa các Nghị sĩ châu Âu và đại biểu Quốc hội Việt Nam nhằm thúc đẩy việc thực thi hiệu quả EVFTA, đóng góp chung vào sự phát triển quan hệ Việt Nam - EU.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc tiếp. Ảnh: Lâm Hiển 

Tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, tạo động lực cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực

Để đưa quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên phát triển hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là trao đổi đoàn cấp cao để tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, sự gần gũi và hiểu biết, tạo động lực cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. 

Hai bên tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại hiện có, nhất là kênh hợp tác nghị viện, nhằm triển khai tốt Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, EVFTA, cũng như các hiệp định khác giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên EU. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ/Đại biện là cầu nối thực tiễn, có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy Nghị viện các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). EU và các nước thành viên tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này, có tính đến những khó khăn, khác biệt về trình độ phát triển giữa hai bên về năng lực quản lý nghề cá và sinh kế của ngư dân Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, mới đây nhất, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao đã phối hợp với một số bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng và công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản”. “Điều này thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực phòng, chống khai thác IUU”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Hoan nghênh hợp tác với các nước, trong đó có các nước EU để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm hoạt động nghị viện, nhất là công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đại sứ EU, Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU tăng cường trao đổi, tiếp xúc, phối hợp với các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực; mong các Đại sứ, Đại biện sẽ luôn là cầu nối quan trọng, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với EU và các quốc gia thành viên. 

 

Chia sẻ đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về quan hệ Việt Nam – EU, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier khẳng định, quan hệ hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới như: phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp, dược phẩm, tư pháp, lao động, quốc phòng – an ninh, hợp tác phát triển trong thích ứng với biến đổi khí hậu; EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân bên cạnh các nguồn lực từ nhóm đối tác quốc tế IPG trong đó EU là điều phối viên... 

Đại sứ Julien Guerrier cũng cho biết, EU mong muốn tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh mạng. 

Phía EU cũng ghi nhận các đề xuất của Việt Nam đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA; cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc thúc đẩy gỡ thẻ vàng IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. 

Đại sứ Julien Guerrier nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong xây dựng luật pháp, giám sát và thúc đẩy thực hiện các dự án lớn, đặc biệt là các dự án hạ tầng. 

Các Đại sứ đánh giá cao thành tựu bảo đảm thực thi quyền con người tại Việt Nam, đặc biệt là các quyền liên quan tới trẻ em, phụ nữ; đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, đóng góp tích cực vào việc củng cố, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Nhấn mạnh EU đang triển khai mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến hợp tác với khu vực, nhất là Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu, kết nối hạ tầng, giao thông, năng lượng và hạ tầng số ở khu vực, trong đó có Việt Nam, Đại sứ Julien Guerrier cho biết, EU có kế hoạch triển khai một số dự án hợp tác với ASEAN và tại Việt Nam. 

Đại sứ Julien Guerrier bày tỏ tin tưởng, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước EU, giữa Quốc hội Việt Nam với EP và các nghị viện thành viên sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, đóng góp quan trọng cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Lãnh đạo nghị viện các nước EU đã chúc mừng nhân dịp được Quốc hội bầu giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; đồng thời, trân trọng mời Chủ tịch EP và Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nghị viện các nước thành viên thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất. 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản