|
Thứ trưởng Đặng Minh Khôi. |
10 năm qua, lượng kiều hối gửi về Việt Nam luôn đứng trong top đầu của thế giới; cùng với đó là một nguồn lực quan trọng về chất xám của đội ngũ doanh nhân, nhà khoa học, trí thức trẻ luôn hướng về Tổ quốc để xây dựng Đất Mẹ hùng cường, phồn vinh. Vậy làm sao để khơi dậy phát huy được những nguồn lực quan trọng này, ông Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã dành cho Đại Đoàn Kết một cuộc trao đổi, nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9.
PV: Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình hiện nay?
Thứ trưởng Đặng Minh Khôi: Cộng đồng NVNONN luôn là bộ phận máu mủ, ruột thịt, gắn kết chặt với cả dân tộc. Hiện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng lớn mạnh và phát triển. Hiện nay có khoảng 5,3 triệu đồng bào sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ - điều đó thể hiện cộng đồng NVNONN hết sức lớn mạnh và đông đảo, hiện diện ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Luôn theo sát công tác NVNONN, tôi cảm thấy mừng là cộng đồng ta không ngừng lớn mạnh về số lượng mà còn cả chất lượng. Đa số cộng đồng NVNONN có mối lien hệ mật thiết với đất nước, luôn nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động từ thiện, nhân đạo, chia sẻ khó khăn với nhân dân trong nước như ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nạn nhân chất độc da cam, tham gia ủng hộ Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”.
Nhiều người đang đảm nhiệm vị trí vai trò quan trọng trong chính quyền của các nước. Nhiều nhà khoa học có nhiều đóng góp vào phát triển của khoa học trên thế giới. Chúng ta có một thế hệ trẻ NVNONN hết sức năng động, sáng tạo, có đóng góp với kinh tế thế giới, gắn bó với nước sở tại nhưng luôn hướng về quê hương đất nước. Từ đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới đã tác động trực tiếp và làm xáo trộn cuộc sống của bà con. Nhưng với tinh thần tương than tương ái, bà con luôn chung tay chia sẻ, hỗ trợ trong nước và ở nước sở tại phòng, chống dịch.
Tính đến nay, tổng số tiền quyên góp, ủng hộ của kiều bào đối với trong nước lên đến gần 35 tỷ đồng, cùng nhiều hiện vật, trang thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Người Việt tại nhiều nơi như Mỹ, Pháp, Đức, tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm, may khẩu trang tặng cộng đồng và bác sỹ, y tá ở nước sở tại, được bạn bè quốc tế và báo chí nước ngoài đánh giá tích cực. Năm nay chúng ta kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập nước, cộng đồng NVNONN cũng có bước phát triển rất mạnh mẽ. Đây là điều đáng ghi nhận và vui mừng.
Vậy ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của trí thức kiều bào trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay?
- Là người có nhiều năm công tác ở nước ngoài nên tôi hiểu được tâm tư, tình cảm của bà con ta. Dù đi đâu, về đâu, ra đi trong bất cứ hoàn cảnh nào nhưng chỉ cần nói 2 tiếng “Việt Nam” là bà con đều hướng về quê hương, đất nước. Cơ sở lớn nhất chính là chính sách đại đoàn kết dân tộc của ta. Chính tinh thần hướng về quê hương, đất nước với tinh thần đại đoàn kết và lòng yêu nước nên bà con luôn mong muốn đóng góp thiết thực
nhất với Tổ quốc.
Trong 3 đến 4 năm gần đây, lượng kiều hối gửi về đất nước luôn nằm trong top 10 nước có lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Tính từ khi đất nước đổi mới, theo nhiều nguồn khác nhau lượng kiều hối bà con gửi về đến nay tổng cộng khoảng 160 tỷ USD. Điều đó thấy rõ đóng góp hết sức quan trọng của bà con đối với sự phát triển của đất nước. Nhiều doanh nghiệp lớn có nguồn gốc là kiều bào đang ngày càng khẳng định trên thị trường Việt Nam như: Vingroup, Techcombank, Masan.
Bên cạnh đó là đóng góp của đội ngũ tri thức kiều bào; đặc biệt là các trí thức thế hệ trước và thế hệ trẻ vào sự nghiệp phát triển đất nước. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên ước khoảng 500.000 người, làm việc trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn trên thế giới.
Mỗi năm, có 300 đến 500 lượt trí thức kiều bào về hợp tác với trong nước, chủ yếu trên các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, giáo dục đào tạo và tư vấn chính sách; 4 trí thức được lựa chọn tham gia Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; 1 trí thức kiều bào tham gia Tổ Tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021. Có thể nói, đóng góp của kiều bào đối với sự phát triển kinh tế đất nước là toàn diện, có mặt trên tât cả các lĩnh vực.
Nhưng quan trọng nhất, chính là mỗi bà con là một “đại sứ”, kết nối giữa Việt Nam với các nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị của Việt Nam với các nước trên thế giới, góp phần mang văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đó là những đóng góp to lớn mà chúng ta không thể đánh giá hết được.
Xin ông cho biết, vậy chúng ta có kế hoạch thế nào để thu hút bà con đóng góp nhiều hơn cho quê hương?
- Công tác NVNONN luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm. Ngay từ khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến lĩnh vực này. Thời điểm năm 1946, Bác nói: “Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào như bố mẹ nhớ thương người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý. Đó là tình nghĩa một nhà”. Năm 1960, Bác Hồ đã xuống tận Hải Phòng để đón chuyến tàu đầu tiên chở kiều bào từ Thái Lan trở về nước. Đó là hình ảnh hết sức xúc động thể hiện sự quan tâm của Bác. Chính lòng nhân ái, nghĩa tình đồng bào của Bác đã đặt nền móng cho chúng ta triển khai công tác NVNONN hiện nay.
Trải qua nhiều thời kỳ, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, áp dụng nhiều chủ trương, chính sách đối với bà con kiều bào. Năm 1993, tại Nghị quyết 08, Bộ Chính trị đã coi bà con là một phần quan trọng của cộng đồng người Việt Nam. Đến năm 2004, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã coi cộng đồng NVNONN là bộ phận không thể tách rời, coi bà con là những “đại sứ” của Việt Nam ở các nước sở tại. Bây giờ bà con quay trở về nước, chúng ta đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về giấy tờ, thủ tục, hộ chiếu, giấy xác nhận nguồn gốc NVNONN, giấy miễn thị thực, miễn visa. Chúng ta cũng có những cơ chế để bà con an cư, lập nghiệp ở Việt Nam một cách dễ dàng, thuận lợi như mua, sở hữu tài sản. Đối với bên ngoài, chúng tôi luôn đưa nội dung về công tác NVNONN vào trong hoạt động của các lãnh đạo cấpcao,làm sao tạo điều kiện cho bà con hội nhập tốt nhất vào nước sở tại như tạo điều kiện khẳng định địa vị, cơ sở pháp lý, giấy tờ cho bà con.
Ông có nhiều năm công tác ở nước ngoài và chính ông cũng cảm nhận được, ở đâu còn tiếng Việt thì ở đó còn văn hóa Việt. Vậy, mỗi gia đình kiều bào chúng ta đã có cách làm thế nào để gìn giữ bản sắc văn hóa Việt, thưa ông?
- Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt luôn là thách thức lớn đối với bà con ta ở nước ngoài. Đây là thách thức lớn nhưng chúng tôi vui mừng khi thế hệ cũ hết sức tâm huyết, cố gắng duy trì gìn giữ tiếng Việt ngay trong từng gia đình, từng cộng đồng. Chúng ta có nhiều cách làm hay và tiếng Việt được thừa nhận ở một số nơi, được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc có một số trung tâm dạy tiếng Việt. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN. Văn hóa xuất phát từ gia đình. Bà con ta ở nước ngoài rất có ý thức trong giữ gìn truyền thống văn hóa. Cho nên quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân và mỗi gia đình phải giữ gìn văn hóa, làm sao để đất nước Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò vị thế ở nước ngoài.
Hiện đáng mừng là ngày càng đông bà con quay trở về quê hương, không chỉ thăm thân, tìm lại hình ảnh, kỷ niệm xưa, mà quay về để làm ăn kinh doanh phát triển. Chúng tôi tin tưởng tiếng Việt cũng như văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục được giữ gìn, lan truyền ra các nước trên thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Loan - Hoài Vũ