|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam dự toạ đàm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Trân trọng nghĩa cử cao đẹp của kiều bào
Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, với tinh thần chống dịch như chống giặc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều hành động đóng góp cụ thể, thiết thực hướng về đất nước.
Theo thống kê sơ bộ, đến nay, kiều bào đã quyên góp, ủng hộ trong nước với số tiền khoảng 35 tỷ đồng cho phòng, chống dịch COVID-19; hơn 13,8 tỷ đồng cho Quỹ vaccine và công tác phòng, chống dịch cùng nhiều vật tư, thiết bị y tế, nhân lực, vật lực khác. Một số kiều bào cũng chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch và đăng ký trực tiếp tham gia công tác chống dịch ở tuyến đầu. Với những đóng góp quý báu đó, cùng sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm và quyết tâm của người dân, Việt Nam đang nỗ lực từng bước ngăn chặn và khống chế dịch bệnh.
Thay mặt Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu ghi nhận, trân trọng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp, truyền thống yêu nước, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của bà con kiều bào, cùng với đồng bào cả nước quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trên cả nước; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước đòi hỏi cấp bách phải nhanh chóng tìm mọi cách ngăn chặn, khống chế, không để dịch bệnh lan rộng và bùng phát trong cộng đồng, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhằm huy động nguồn lực kiều bào hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch của đất nước, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp cùng với các cơ quan tổ chức chuỗi sự kiện “Kiều bào chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch".
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chuyên gia kiều bào chung sức chống dịch cùng Thành phố Hồ Chí Minh” là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động này.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu bày tỏ mong muốn, thông qua buổi tọa đàm, các bác sỹ, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài sẽ có những chia sẻ thẳng thắn dựa trên kinh nghiệm thực tiễn tình hình chống dịch tại các quốc gia, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất các giải pháp chống dịch phù hợp với tình hình của Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, thông qua sự đóng góp, hỗ trợ kịp thời của bà con, doanh nghiệp kiều bào, HĐND Thành phố đã cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh chuyển tới hỗ trợ người dân ở các địa phương, bệnh viện, khu cách ly, tặng các “Bếp nghĩa tình”, “Gian hàng 0 đồng”…
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh vừa phải bảo đảm chăm lo cho đời sống nhân dân, vừa phải tăng cường điều kiện bảo vệ, bảo đảm phương tiện, cơ sở vật chất, phòng hộ cho đội ngũ tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực, địa bàn trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.
“HĐND Thành phố đang kêu gọi thêm các nguồn lực và sẽ hỗ trợ tận tay người dân, nhất là những công nhân, người lao động ở các khu nhà trọ, các phần quà lương thực, thực phẩm thiết yếu. Chúng tôi trân trọng nghĩa cử cao đẹp của các doanh nghiệp, kiều bào đã cùng chung tay hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19”, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.
Đóng góp giải pháp chống dịch cho Thành phố Hồ Chí Minh
|
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, TP Hồ Chí Minh và các chuyên gia y tế trong và ngoài nước dự toạ đàm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Tại tọa đàm, nhiều bác sỹ, chuyên gia y tế Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ những kiến thức chuyên môn, bài học kinh nghiệm chống dịch của các quốc gia trên thế giới.
Bác sỹ Vũ Ngọc Khuê (kiều bào Mỹ) cho biết về chiến lược và kế hoạch khống chế dịch COVID-19 “4 tuần cho 4 cốt lõi và 4 mục tiêu”. Theo đó, ba chiến tuyến chống dịch bao gồm: Người dân tại nơi cư trú; lực lượng y tế, bác sỹ, y tá trong bệnh viện, cơ sở y tế hay khu cách ly điều trị bệnh nhân; quân đội, lực lượng vũ trang, dân quân…
Bác sỹ Khuê nhận định, 4 tuần là thời gian đủ để chấm dứt sự lan truyền dịch bệnh, khử trùng và thanh lọc môi trường. 2 tuần đầu là thời gian cần thiết để nhận ra bệnh nhân phát triệu chứng và thực hiện cách ly. 2 tuần tiếp theo để phát hiện các ca ủ bệnh dài và các ca rải rác, để bao trùm dịch lây lan. Những ca nặng cần nhiều thời gian hơn để điều trị và phục hồi trong bệnh viện hay khu cách ly.
“Phải đặt cả nước trong trạng thái chống dịch, mỗi địa phương phải ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sang địa bàn khác. Người dân cần nghiêm túc thực hiện việc giãn cách tại nhà, tạm dừng những hoạt động không cần thiết để tránh làm lây lan dịch bệnh. Huy động toàn bộ hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội để hỗ trợ người dân trong cuộc chiến chống COVID-19. Đội ngũ y tế phải được trang bị đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị cùng với môi trường an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế”, bác sỹ Khuê nêu ý kiến.
Chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch tại Paris và kiến nghị với Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ, bác sỹ Võ Toàn Trung (kiều bào Pháp) - bác sỹ các bệnh viện Paris cho rằng, công tác phòng, chống dịch hiện nay của Việt Nam phải tập trung xây dựng ngay tất cả các phương án với tình hình đặc biệt nguy hiểm khi tỷ lệ mắc bệnh vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống. Cần tổ chức lực lượng y tế theo phương pháp phân thành 3 nhóm. Các nhóm này sẽ lần lượt thay thế nhau để có thời gian nghỉ ngơi, tránh quá tải cho hệ thống y tế. Việc huấn luyện và đào tạo cấp tốc hệ thống này theo hình thức ba đội: Đội 1 làm việc thì đội 2 nghỉ ngơi, đội 3 là lực lượng dự bị sẽ được đưa vào những vùng khó khăn nhất.
Bên cạnh đó, cần tuyệt đối tuân thủ việc xét nghiệm loại trừ theo cơ chế ai có xét nghiệm âm tính thì được cấp mã số riêng để loại trừ; cho phép giảm giãn cách với những trường hợp đã được tiêm vaccine và có xét nghiệm âm tính dưới 5 ngày để những người này có thể được di chuyển nếu công việc thật sự cần thiết.
Kiến nghị những giải pháp chống dịch cụ thể cho Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ, bác sỹ Võ Toàn Trung khẳng định, cách ly toàn bộ khu công nghiệp để có thể đảm bảo sản xuất, các ngành khác làm việc trực tuyến 100%; đồng thời, tập trung toàn bộ vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, đào tạo gấp lực lượng tiêm vaccine để có thể triển khai tiêm trên diện rộng với tốc độ nhanh nhất có thể.
“Chỉ cần giãn cách tuyệt đối và làm đúng thì hạn chế rất nhiều thiệt hại về kinh tế. Trong thời gian giãn cách, ta tập trung tiêm vaccine và làm xét nghiệm hết cho người dân bằng test nhanh thì hoàn toàn có thể khống chế được dịch ở Thành phố”, Tiến sỹ, bác sỹ Võ Toàn Trung nêu quan điểm.
Bằng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, các đại biểu dự Tọa đàm đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất thiết thực, cấp bách để áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh như: Giải pháp của ngành y tế và chính quyền Hoa Kỳ trong công tác chống dịch qua từng giai đoạn; ưu và nhược điểm của chiến lược xử lý khủng hoảng y tế ở Hoa Kỳ trong bối cảnh quá tải của hệ thống y tế do dịch COVID-19; việc áp dụng xét nghiệm PCR siêu nhạy đối với tình hình thực tế tại Thành phố; những vấn đề cần quan tâm trong công tác triển khai xét nghiệm diện rộng; những khuyến cáo cho người dân trong trang bị máy thở; giới thiệu phác đồ điều trị tại các quốc gia…
Thu Phương (TTXVN)