Tin mới

Đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài: Lan tỏa tình yêu quê hương

(Mặt trận) - Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác vừa tổ chức giới thiệu Chương trình dạy tiếng Việt và bộ học liệu “Xin chào Việt Nam”. Sự ra đời những tài liệu với các phương pháp truyền đạt mới sẽ góp phần đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó giúp lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Thủ tướng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Qatar

Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhất trong bảo hộ công dân

 

Phong trào phát triển rộng khắp

Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, hiện đã trở thành một phong trào phát triển rộng khắp. Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), ở Mỹ có khoảng 200 trung tâm/cơ sở dạy tiếng Việt, Thái Lan có 39 lớp, Campuchia có 33 điểm trường/lớp, Lào có 13 trường/trung tâm dạy tiếng Việt. Ngoài ra, ở Pháp, Đức, Cộng hòa Czech, Nga… cũng tổ chức được hàng chục trung tâm dạy tiếng Việt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị nhận định, việc dạy và học tiếng Việt cũng như bảo tồn tiếng Việt là nguyện vọng chính đáng và nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua, Ủy ban đã tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt là kiều bào ở nhiều nước với hy vọng các thầy, cô giáo được nâng cao kiến thức sư phạm, hoàn thiện kỹ năng, có thêm kinh nghiệm, động lực để vượt qua những khó khăn trong sự nghiệp “gieo chữ” cho người Việt ở nước ngoài. Cô giáo Nguyễn Phương Dung (kiều bào Belarus) chia sẻ: "Những kiến thức thu được từ các khóa học và trải nghiệm từ hoạt động thực tế tại quê hương là động lực để các giáo viên kiều bào tiếp tục công việc giảng dạy tiếng Việt ở nước sở tại”.

Để hỗ trợ công tác này, những năm gần đây, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã cung cấp cho cộng đồng người Việt Nam ở các nước khoảng 70.000 bộ sách giáo khoa tiếng Việt gồm hai tập “Quê Việt” dành cho người lớn và “Tiếng Việt vui” dành cho trẻ em. Hai bộ sách đều xây dựng theo các chủ đề cụ thể, gần gũi với đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. So với thời điểm trước, khi việc dạy và học tiếng Việt ở các nước được hướng dẫn theo những bộ sách giáo khoa trong nước nên có nhiều điểm chưa phù hợp thì sự ra đời hai bộ sách trên là bước tiến lớn, giúp việc dạy tiếng Việt hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên bộ sách “Tiếng Việt vui”, đồng thời là người chủ trì xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, điều kiện dạy học ở mỗi cộng đồng kiều bào tại các nước có những điểm khác nhau, nên hai bộ sách trên chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo, linh hoạt sử dụng hoặc dựa vào đó biên soạn giáo án. Thực tế này đòi hỏi cần tiến hành nghiên cứu bổ sung để xây dựng một giáo trình hoàn chỉnh, chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của bà con kiều bào ở nhiều nước, trên nhiều địa bàn khác nhau. 

Nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt 

Với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt trong điều kiện mới, bộ học liệu "Xin chào Việt Nam" dành cho kiều bào ở nước ngoài cũng như người ngoại quốc có nhu cầu học tiếng Việt đã được hoàn thành. Bộ học liệu gồm 20 bài với các chủ đề khác nhau, thông qua những câu chuyện của nhân vật Hanna như gia đình, nghề nghiệp, thời tiết, đi bệnh viện, mua sắm, du lịch… để tạo nên những tình huống sinh động, gắn với cuộc sống.

Tại lễ ra mắt bộ học liệu, PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, học và dạy tiếng Việt là xu thế tất yếu khi Việt Nam có tới trên 5 triệu kiều bào tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có một giáo trình nào được xem là đáp ứng toàn diện nhu cầu chuyên môn. Thế nên, bộ học liệu "Xin chào Việt Nam" phù hợp với chủ trương của hội là tăng cường các giáo trình về dạy và học tiếng Việt dành cho bà con kiều bào. “Tôi hy vọng rằng, chương trình này cùng với những đề án khác đang được triển khai sẽ nâng cao phạm vi, chất lượng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, PGS.TS Nguyễn Lân Trung nói.

Thời gian qua, với nỗ lực của các cơ quan, tổ chức trong nước và những hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào đang được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp và chuẩn hóa. Thành quả này góp phần tích cực vào việc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ, tạo sợi dây gắn kết người Việt trẻ với quê hương, đất nước, nhất là trong bối cảnh các thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra và lớn lên ở nước ngoài; cũng như duy trì, phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản