Tin mới

Kiều bào trẻ hướng về Tổ quốc

(Mặt trận) - Với những thành tích đặc biệt trong học tập và nghiên cứu, trở về Tổ quốc qua chương trình Trại hè Việt Nam 2022, các bạn kiều bào trẻ đều có mong ước góp sức nhiều hơn nữa cho cộng đồng mình ở nước sở tại, cũng như cùng bạn bè kết nối các hoạt động hướng về quê hương Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

 

Nguyễn Phương Anh: Tôi khởi nghiệp từ việc làm từ thiện

Nguyễn Phương Anh là một cô gái nhỏ nhắn, thông minh và nói tiếng Việt rất sõi. Phương Anh sinh ra và lớn tại Cộng hòa Séc, bố mẹ cô đều là người Việt sinh sống tại Séc nhiều năm. Tuổi 21, cô có thành tích học tập rất đáng tự hào. Cô là học sinh giỏi suốt những năm học phổ thông, đặc biệt là giải nhất toàn quốc cuộc thi nghiên cứu về tế bào ung thư dành cho học sinh phổ thông, được Bộ Giáo dục Séc khen thưởng cao nhất ở lĩnh vực khoa học trẻ. Phương Anh hiện đang theo học ngành y tại Đức.

Được trở về thăm quê hương lần này, Phương Anh xúc động tâm sự: “7 năm rồi tôi mới được trở về Việt Nam. Lần này là theo chương trình Trại hè Việt Nam 2022 do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức, tôi thấy đất nước mình giàu đẹp hơn. Càng trưởng thành, tôi càng thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng máu Việt Nam trong mình”.

Cô tự hào kể, so với các cộng đồng khác tại Séc thì cộng đồng người Việt rất đoàn kết. Như trong đại dịch, cô và chị gái học ngành y nên đã giúp đỡ được rất nhiều cho cộng đồng. Cô và các bạn trẻ người Việt, lập nhóm để làm từ thiện khám bệnh miễn phí cho cộng đồng mình. Cô cũng xung phong vào các khoa bị quá tải bệnh nhân, thiếu y bác sĩ để giúp đỡ người bệnh mặc dù cô cũng rất sợ bị nhiễm Covid -19. Tuy nhiên, cô và bạn bè đã xác định học ngành y thì phải có trách nhiệm với người bệnh, với cộng đồng.

Cô nói: “Điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là giúp đỡ bệnh nhân, giúp đỡ cộng đồng. Hai là tôi thấy đây là cơ hội để kết nối các bạn trẻ trường y với nhau cùng làm những việc có ý nghĩa hơn trong đại dịch. Rất nhiều bệnh nhân người Việt ở Séc không biết tiếng Séc, họ lúng túng trong việc tiếp xúc với bác sĩ, nên chúng tôi đã ở đó để giúp đỡ họ phiên dịch, hướng dẫn họ quy trình khám bệnh”.

Từ khó khăn đó, Phương Anh và một số bạn người Việt học cùng ngành y tạo ra App phiên dịch tiếng Việt cho các bệnh nhân. Qua đó người Việt sẽ gọi video call kết nối bác sĩ với bệnh nhân. Hệ thống sẽ dịch tự động từ tiếng Việt ra tiếng Séc để bác sĩ hiểu, chẩn đoán bệnh bằng các triệu chứng lâm sàng và đặt lịch hẹn khám trực tiếp. Phương án này sẽ xóa bỏ được tâm lý sợ bệnh, sợ gặp bác sĩ và tiết kiệm tiền thuê phiên dịch của người Việt mình tại Séc.

Phương Anh cười hiền và nói: “Đây cũng có thể nói là một bước khởi nghiệp của chúng tôi, nhưng là khởi nghiệp để làm từ thiện”.

Thu rozy Viktoria Lyanh: Khao khát được góp sức xây dựng  quê hương

 

Viktoria Lyanh 20 tuổi, có bố là người Hungary, mẹ là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Budapest. Viktoria Lyanh từng được Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Hungary tặng giải thưởng “Học sinh xuất sắc, Vận động viên ưu tú Hungary”…

Từ nhỏ, Viktoria Lyanh đã tham gia biểu diễn trong các chương trình Tết Trung thu của cộng đồng người Việt ở Hungary. Và cô cũng tham gia giới thiệu về Tết cổ truyền Việt Nam trên truyền hình Hungary. Hiện nay cô đang là thành viên Ban lãnh đạo Câu lạc bộ bóng nước của Đại học Oxford.

Viktoria Lyanh được cha mẹ thường xuyên đưa về thăm quê ngoại nên cô có rất nhiều ký ức sâu đậm về Việt Nam. Năm nay, trở về quê ngoại trong khuôn khổ của chương trình Trại hè Việt Nam 2022, Viktoria Lyanh không giấu nổi những cảm xúc đặc biệt.

Những cuộc gặp gỡ sôi nổi, những cuộc trò chuyện thú vị với những người bạn mới, những cảnh vật đẹp tuyệt vời của đất nước Việt Nam khiến cho cô gái trở nên rất háo hức: “Trong chuyến trở về quê hương lần này tôi rất vui được gặp các bạn người Việt từ nhiều nước khác và chúng tôi được nói tiếng Việt nhiều. Tôi tin là sau Trại hè trình độ tiếng Việt của tôi sẽ tốt hơn. Một ấn tượng sâu sắc nữa là tôi được thăm Làng Sen, quê hương Bác, được biết thêm nhiều điều về Bác”.

Tâm sự về tương lai, cô gái 20 tuổi mang trong mình hai dòng máu Hungary và Việt Nam tự tin nói: “Tôi đang học sinh học và tôi muốn học về ngành sinh học biển. Việt Nam có bờ biển dài nên tôi muốn sau này được đóng góp cho Việt Nam trong lĩnh vực này”.

Trở về nước lần này, Viktoria Lyanh dự định ngay sau Trại hè Việt Nam sẽ tham gia một buổi gặp gỡ giao lưu với các bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM để chia sẻ kinh nghiệm học tập và cuộc sống sinh viên ở Oxford. Sau đó, cô có kế hoạch tới thăm và trao quà cho một bạn học sinh nghèo để giúp bạn vượt khó học tập.

Viktoria Lyanh hy vọng sau đợt tham gia Trại hè Việt Nam năm nay, cô cùng bạn bè có thể sẽ kết nối được với nhau từ nhiều nước và sẽ cùng nhau có các hoạt động hướng tới quê hương Việt Nam.

Đặng Phương Thảo: Tôi ao ước được thăm Trường Sa

 

Sinh ra và lớn lên ở Ba Lan trong một gia đình thuần Việt, Đặng Phương Thảo đã tham gia vào các hoạt động xã hội của cộng đồng người Việt ở Ba Lan và cũng được tạo môi trường tốt để hòa nhập với những người dân bản địa. Phương Thảo hiện là Chủ tịch Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng tự quản của trường Kopernik ở thành phố Warsaw.

Thời gian gần đây, cô đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động của cộng đồng, hỗ trợ người Việt Nam di tản trong cuộc khủng hoảng Ukraine - Nga.

Cha mẹ của Phương Thảo rất có ý thức để con mình sớm cảm nhận mối liên hệ chặt chẽ với quê hương. Thường cứ 2 -3 năm họ lại cho con gái mình về thăm quê một lần. Đây cũng là lần đầu tiên cô được tham gia Trại hè Việt Nam. Thảo nói: “Thật tuyệt vời là Trại hè Việt Nam năm nay lại diễn ra trên mảnh đất Nghệ An – nơi bố mẹ tôi được sinh ra”.

Ở tuổi 18, Phương Thảo quả quyết: “Tôi luôn sẵn sàng góp sức cho tổ quốc”. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Phương Thảo đã tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng.

Cô kể: “Đối với người Việt tại Ba Lan, quan trọng nhất là vấn đề thông tin. Những người không thạo tiếng Ba Lan sẽ nảy sinh tâm lý tự ti, ít giao tiếp nên việc khám chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế chúng tôi đã lập nên những nhóm tình nguyện người Việt trẻ để hướng dẫn, phiên dịch cho những người Việt không biết tiếng Ba Lan”.

Với vai trò là Chủ tịch Hội thanh niên sinh viên Việt Nam, Phương Thảo đã tổ chức nhiều hoạt động để các bạn trẻ Việt Nam tại Ba Lan gần gũi nhau hơn như các buổi dạy về tiếng Việt, Câu lạc bộ đọc sách tiếng Việt, tham gia các chương trình trại hè Vui cùng tiếng Việt, liên hệ với các anh chị học đại học hoặc đã đi làm để nói chuyện, tư vấn tuyển sinh cho các bạn trẻ sắp thi đại học.

Trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiều người Việt đã từ Ukraine sang Ba Lan. Họ không nhà cửa, không tiền bạc, không người thân thích nên rất cần giúp đỡ.

Phương Thảo kể: “Tôi và các bạn người Việt ở Ba Lan đã đến khu vực sát biên giới Ba Lan - Ukraine để hướng dẫn, mua vé tàu giúp họ đến chùa ở Warsaw nơi họ có chỗ ăn, chỗ ngủ. Nhà nước Việt Nam hỗ trợ họ vé máy bay để về Việt Nam, nên chúng tôi lại hướng dẫn họ đến sân bay. Chúng tôi đồng hành cùng họ suốt cả hành trình…”

Phương Thảo dự định sau khi trở lại Ba Lan, cô sẽ tổ chức một cuộc thi về biển đảo Việt Nam cho các bạn trẻ.

Cô nói: “Bố tôi đã được đi Trường Sa 2 lần và bố tôi đã kể rất nhiều về Trường Sa, về biển quê hương. Tới đây tôi sẽ tìm hiểu về biển đảo quê hương nhiều hơn, trong chuyên đi này tôi đã kết bạn được với nhiều bạn trẻ Việt Nam, tạo cầu nối giao lưu, để khi quay trở lại Ba Lan cùng với sự giúp đỡ của bố, tôi mong muốn sẽ tổ chức được một cuộc thi tìm hiểu về biển đảo quê hương mình. Tôi ao ước được đặt chân tới Trường Sa”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản