Tin mới

Kiều bào xuất bản sách về Trường Sa, Hoàng Sa ở Pháp: Để con cháu hiểu được biển đảo quê hương

(Mặt trận) - Ông Nguyễn Thanh Tòng say sưa viết sách về biển đảo quê hương với mong muốn con cháu hiểu tường tận về Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.

Tấm lòng kiều bào hướng về quê hương

Quá trình phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta trong gần 40 năm đổi mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

Mặc dù, đến Trường Sa vào năm 2016 nhưng phải đến 4 năm sau ông Nguyễn Thanh Tòng mới chắp bút viết hai cuốn sách này. 

Tới năm 74 tuổi, ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Pháp mới lần đầu tiên đặt chân lên những vùng đảo xa của Việt Nam - nơi những nhà giàn ngày đêm sáng điện, nơi không lúc nào ngừng là biểu tượng của ý chí bảo vệ quê hương. Đã 59 năm kể từ khi rời quê hương tới Pháp sinh sống, cũng là chừng đó năm ý chí thôi thúc ông tìm về đất mẹ, để được cống hiến, để được gần gũi với đồng bào chung dòng máu. Đến nay, khi bước sang tuổi 81, điều hạnh phúc nhất, và cũng có lẽ đã thay đổi ý nghĩa sống lớn nhất trong cuộc đời, là ông đã làm được điều mình mong muốn: Gắn bó, cống hiến cho quê hương bằng việc viết sách và thiện nguyện.

“Tôi phải viết, viết bằng tất cả những gì mà tôi có để cho con em thế hệ thứ hai, kiều bào Pháp hiểu được Trường Sa là gì, Hoàng Sa gì?”, ông Tòng chia sẻ về hai cuốn sách “Biển đảo quê hương” và “Biển đảo lịch sử và pháp lý” của mình.

Ký ức chân thực về những ngày năm 2016 ở trên đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 tạo ra sự thay đổi trong ông. Sau chuyến đi, ông bắt tay vào viết sách, không chỉ đơn giản là về trải nghiệm thực tế của chính ông mà còn là lời khẳng định chủ quyền “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Cuốn “Biển đảo quê hương” tập trung vào những câu chuyện, hình ảnh đời thường, giản dị nhất về con người, cảnh vật ở Trường Sa và nhà giàn DK1. Đó có thể là hình ảnh, câu chuyện về người chiến sỹ làm nhiệm vụ canh gác đảo, những luống rau xanh giữa biển trời bao la hay những giọt nước ngọt “quý hơn vàng”… Cuốn sách cũng đưa ra nhiều tư liệu lịch sử minh chứng rằng Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam.

Trong khi đó, nội dung cuốn “Biển đảo lịch sử và pháp lý” phân tích, lập luận, cung cấp tư liệu, hình ảnh,… của nhiều nhà nghiên cứu về Biển Đông ở nước ngoại và trong nước để chứng minh cho phần lập luận ở cuốn sách thứ nhất. Những tư liệu này cũng góp phần chứng minh quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Người chiến sĩ có làn da sạm đen vì nắng trên đảo Đá Lớn là một trong những hình ảnh khiến ông Tòng nhớ mãi không quên. 

Chuyến đi Trường Sa

Chuyến đi Trường Sa đã đem đến cho ông Tòng những trải nghiệm mà trước kia ông chưa từng mường tượng đến.

Ông nhớ lại, khi vừa đặt chân đến Trường Sa Lớn, điều đầu tiên ông bắt gặp là những thau nước ngọt sáng trắng đặt ở cầu cảng. Ông và thành viên trong đoàn không nỡ sử dụng những thau nước đó bởi ông và mọi người hiểu rằng, các chiến sĩ và người dân trên đảo phải tiết kiệm từng giọt nước thế nào. Mỗi lần tắm, các anh xuống biển rồi quay về trại, ngồi trong thau nước tắm lại cho sạch, không bỏ sót giọt nước nào.

Thấy chúng tôi lưỡng lự, một chiến sĩ trẻ tươi cười: 'Có gì đâu các bác, xin đừng bận tâm. Đây là tấm lòng của đồng đội chúng cháu trên đảo đáp lại ân tình đất liền, với bà con người Việt của mình ở khắp bốn phương trời’. Chiến sĩ trẻ này còn bảo: ‘Các bác cứ yên tâm, chúng cháu vẫn sống khỏe, lạc quan lắm, luôn sẵn sàng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta’”, ông kể lại.

Ông Nguyễn Thanh Tòng còn nhớ rõ hình ảnh làn da người chiến sĩ sạm đen vì nắng, vì gió biển nhưng trên môi vẫn nở nụ cười sáng, hay màu xanh mướt của những chậu rau, màu hồng của luống hoa. Giữa biển lớn mênh mông, nước ngọt được “quý như vàng”. Nhìn những luống cây, hoa tươi tốt như vậy mới cảm nhận được sự vất vả, chắt chiu từng giọt nước của người chiến sĩ. Ở nơi biển đảo, con người vẫn gắng sức tăng gia sản xuất, chăm nuôi lợn, gà để cải thiện cuộc sống.

Những trải nghiệm đó là động lực để khi trở về đất liền, ông Nguyễn Thanh Tòng kêu gọi quyên góp máy lọc nước mặn, đem nước ngọt gửi về đảo. Ông cũng viết bài báo “Thau nước ngọt và nghĩa tình Trường Sa” sau này đạt giải Nhì cuộc thi “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” do báo Người Lao động tổ chức.

 Tác giả của cuốn sách "Biển đảo quê hương" (bên trái, đầu hàng thứ hai) chụp ảnh lưu niệm tại đảo Đá Lớn vào năm 2016.

Ký ức về Trường Sa luôn hiện hữu trong tâm trí ông Tòng. Năm 2020, ông bắt đầu viết sách. “Biển đảo quê hương” và “Biển đảo lịch sử và pháp lý” lần lượt ra đời, đúc kết những trải nghiệm khó quên và quá trình dày công nghiên cứu của ông. “Lúc đó tôi nghĩ, phải viết, viết bằng tất cả những gì mà tôi có, để cho con em thế hệ thứ hai, kiều bào Pháp hiểu được Trường Sa là gì, Hoàng Sa gì? Và đây cũng là món quà dành tặng sinh nhật cháu ngoại tôi”.

Với ông Nguyễn Thanh Tòng, khó khăn lớn nhất khi viết sách không nằm ở nội dung mà lại ở khâu xuất bản và tìm nhà tài trợ in ấn. Ở Pháp, chi phí in ấn sách rất đắt đỏ. Trong trường hợp không tìm được nhà tài trợ, ông Tòng có thể phải bỏ ra 4.000 euro để in ấn cho 200 cuốn sách. Rất may, ông nhận được sự hỗ trợ chi phí của Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp. Nhờ đó, ông Tòng có thể mang hai cuốn sách về biển đảo đến gần hơn với bạn đọc trong và ngoài nước.

Sau khi về đất liền, ông Tòng cùng các cộng sự của mình tiếp tục thực hiện nhiều dự án thiện nguyện tại vùng đảo thiêng liêng này. 

Bên cạnh đó, quá trình viết, ông Nguyễn Thanh Tòng cũng gặp không ít khó khăn trong khâu tìm kiếm tài liệu và biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Đặc biệt, đối với cuốn sách “Biển đảo lịch sử và pháp lý”, việc tìm kiếm thông tin mất nhiều thời gian, không có nhiều tài liệu có sẵn, tác giả phải tìm tòi, nghiên cứu từ những cuốn sách của Pháp viết về Biển Đông của Việt Nam. Việc chuyển ngữ sang tiếng Pháp cũng đòi hỏi ý tứ chặt chẽ, nhiều câu từ không thể diễn tả hết nội dung tiếng Việt. Do đó, ông Tòng phải nhờ đến sự hỗ trợ từ nhiều chuyên gia về ngôn ngữ, những người có kinh nghiệm trong dịch thuật.

Những trang sách trong cuốn “Biển đảo quê hương” là lời kể của ông về những câu chuyện, hình ảnh “mắt thấy, tai nghe” trong hành trình 10 ngày đêm trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong khi đó, cuốn “Biển đảo lịch sử và pháp lý” chính là cơ sở để khẳng định những gì ông đề cập ở cuốn sách thứ nhất.

Cuốn sách đã được độc giả đón nhận tích cực. Đặc biệt, cuốn “Biển đảo quê hương” đã đạt giải Ba, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII (năm 2022). Đây là điều đầy bất ngờ đối với chính tác giả. “Mình là người sống ở ngoại quốc, viết tiếng Việt sao mà so sánh được với những người phóng viên ở quê nhà. Ngày chị Lan Phương (phóng viên VOV5) báo tôi được giải ba, tôi còn nói chị đừng nói như vậy, chị giễu tôi hay sao. Hóa ra lại là thật”, ông kể.

“Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình” - câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là điều ông Nguyễn Thanh Tòng gửi gắm qua hai cuốn sách. Ông mong muốn thế hệ trẻ ngày nay hãy giữ lấy biển đảo chủ quyền, bảo vệ sự bình yên của đất nước mà cha ông ta đã xây dựng.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản