Tin mới

Những ngày này, người Việt ở Nga…

(Mặt trận) - Theo thời gian, người Việt tại Liên bang Nga khá đông. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, bà con càng thêm đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn. Hiện có bao nhiêu người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19? Có ai gặp phải tai biến sau khi tiêm? TS Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga đã trao đổi với báo chí về điều này.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Thủ tướng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Qatar

Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhất trong bảo hộ công dân

 Chị Anna Ly và một số người Việt kinh doanh tại chợ Liublino ở Matxcơva tham gia tiêm chủng mũi thứ hai vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: TTXVN.

PV: Thưa ông, sau một thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, hiện sinh viên Việt Nam nằm trong số nhóm 25 nước “an toàn dịch tễ”, được phép trở lại Nga học tập?

Ông Đỗ Xuân Hoàng: Theo lệnh của Chính phủ Liên bang Nga ngày 16/3/2021, sinh viên nước ngoài, nghiên cứu sinh, bác sĩ nội trú, sinh viên các khoa dự bị được phép trở lại Nga để tiếp tục học tập. Danh sách các quốc gia mở cửa cho sinh viên nước ngoài được đăng tải trên trang web của trường đại học, cũng như thông qua các trang chính thức trên mạng xã hội và tin nhắn.

Trước khi đến Nga, sinh viên nước ngoài phải thông báo cho trường đại học bằng email trước ngày nhập cảnh vào Nga ít nhất 10 ngày. Sau khi gửi thư, sinh viên sẽ nhận được thông tin về chuyến đi qua email. Tuy nhiên, không sớm hơn 3 ngày theo lịch trước khi đến Nga, sinh viên phải làm xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR và nếu kết quả là âm tính, cần có chứng nhận tương ứng bằng tiếng Nga hoặc tiếng Anh tại quốc gia của mình.

Trong vòng 72 giờ sau khi vào lãnh thổ Nga, sinh viên nước ngoài phải làm kiểm tra PCR lần thứ 2. Trước khi nhận kết quả xét nghiệm phải thực hiện chế độ tự cách ly tại nơi cư trú. Trong thời gian cách ly, việc học diễn ra trực tuyến. Sinh viên nước ngoài không được phép học trực tiếp (đến trường) mà không qua test PCR lần thứ hai.

Nếu trong thời gian tự cách ly, sinh viên nước ngoài đến Nga xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh hô hấp cấp tính (sốt, đau họng, sổ mũi, ho) phải thông báo ngay cho trường đại học và gọi bác sĩ.

Số người nhiễm SARS-CoV-2 đã giảm. Thưa ông, có phải dịch Covid-19 tại Nga đang dần được kiểm soát?

-Số ca nhiễm SARS CoV2 ở Nga đã thuyên giảm nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân đang điều trị. Hiện tại Nga có 380 nghìn bệnh nhân được điều trị, trong đó có 103 nghìn người đang điều trị nội trú. Tại Nga không có sự lây lan hàng loạt các chủng coronavirus đột biến như đã tấn công các nước châu Âu.

Hiện nay tại Nga cuộc sống đã gần như trở lại bình thường. Đa số các biện pháp hạn chế gần như đã dỡ bỏ. Hiện chỉ còn các hạn chế như: Không tập trung các sự kiện đông người và hạn chế số người tại các sự kiện, địa điểm đông người như nhà hát, sân vận động… Đeo khẩu trang, đi găng tay khi vào những nơi công cộng. Nga cũng đang nối lại dần các đường bay quốc tế.

Được biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang được Nga đẩy nhanh. Vậy hiện nay có khoảng bao nhiêu người Việt ở Nga được tiêm phòng vaccine, thưa ông?

-Hiện 6,3 triệu người Nga đã được tiêm mũi đầu tiên của vaccine chống coronavirus, 4,3 triệu người đã được tiêm cả hai mũi vaccine này. Nga đã có 3 loại vaccine chống covid-19 được đăng ký. Không chỉ vaccine Sputnik V và EpiVacCorona sẽ sớm được sử dụng để tiêm chủng cho người dân, mà còn cả vaccine KoviVac - đang được chuẩn bị để đưa vào lưu hành dân sự, những lô vaccine đầu tiên của loại này đã được sản xuất.

Hiện nay trên phương diện chính thức, Nga vẫn chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người nước ngoài. Tuy nhiên Nga cho phép những người có quyền định cư, những người có bảo hiểm y tế được tiêm vaccine. Nga cũng mời các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Nga tiêm. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác người Việt tại Nga cũng đã được tiêm phòng khá nhiều. Tất cả các trường hợp nêu trên đều là tiêm miễn phí.

Nhưng vì trên phương diện chính thức, Nga chưa tiêm cho người nước ngoài nên không có con số thống kê về số người Việt đã tiêm phòng tại Nga. Nhưng nếu tổng hợp số người Việt đã tiêm từ các chợ (từ Ban quản trị chợ Liublino, chợ Chim) một số nhóm (nhóm của người Việt lập ra hỗ trợ người Việt tiêm phòng), một số các xưởng sản xuất người Việt thì con số người Việt đã tiêm vaccine tại Nga khoảng vài ngàn người.

Có trường hợp nào gặp những tai biến sau tiêm chủng không, thưa ông?

- Những phản ứng phụ của người dân Nga khi tiêm vaccine Sputnik V phổ biến là suy nhược nhẹ (cảm thấy người yếu đi), hơi nhức mỏi, dễ ngủ, buồn ngủ, nhiệt độ có thể tăng trong thời gian ngắn. Có thể kèm theo cảm giác ớn lạnh, mẩn ngứa, đau ở chỗ tiêm. Không có ai gặp tai biến nghiêm trọng.

Đối với người Việt sau khi tiêm cũng không gặp trường hợp nào bị tai biến nghiêm trọng. Nhiều người không có triệu chứng, phổ biến là có sốt nhẹ khoảng 1-2 ngày hết, người có cảm giác yếu hơn, đôi lúc ớn lạnh, đau ở chỗ tiêm. Các phản ứng phụ sau khi tiêm hiếm gặp hơn ở người Việt là sốt cao vài ngày (khoảng 38,5 độ, đau nhức cơ…). Có vài  trường hợp đã gọi bác sĩ đến nhà khám. Cho đến nay tất cả các trường hợp có phản ứng phụ sau khi tiêm đều đã bình thường.

Vậy hoạt động kinh doanh buôn bán của bà con người Việt đã trở lại bình thường chưa, thưa ông?

- Tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã vượt quá mức trước đại dịch và lần đầu tiên kể từ tháng 1/2020 bước vào vùng tăng trưởng. Một cuộc thăm dò với 1,8 nghìn công ty trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ghi nhận sự gia tăng trong tất cả các thành phần của chỉ số RSBI (bán hàng, đầu tư, nhân sự và khả năng tài chính).

Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh doanh buôn bán của người Việt tại Nga cũng bị ảnh hưởng nhiều do thu nhập của người dân Nga giảm sau 1một năm kinh tế sụt giảm và đình trệ nên sức mua kém đi, thói quen mua bán cũng có nhiều thay đổi. Các hình thức mua bán online trở nên phổ biến hơn, vẫn có những lo ngại ở một số nhóm nhất định về an toàn trong dịch bệnh. Vì thế nên hoạt động kinh doanh tại chợ, cũng như kinh doanh hàng ăn là mảng kinh doanh đang rất phát triển trước đại dịch trở nên chững lại, chỉ mang tính cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ở góc độ một doanh nhân, ông có nhận định gì về tình hình kinh tế của các doanh nghiệp, doanh nhân người Việt mình tại Nga thời gian sắp tới?

- Vẫn còn quá sớm để nói về sự phục hồi hoàn toàn của các doanh nghiệp. Nhưng theo những dự báo thận trọng về tăng trưởng của nền kinh tế Nga, việc phục hồi GDP thực tế lên mức của năm 2019 sẽ mất từ 1 năm đến 1,5 năm.

Còn đối với cộng đồng ta, các thách thức đã có từ trước dịch vẫn tồn tại, môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục xu hướng thay đổi như đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt vẫn là nhanh thích nghi với các yêu cầu của thị trường, tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới, phù hợp để trụ lại và phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản