Tin mới

Nỗ lực vì mục tiêu vaccine cho toàn dân: Những đóng góp quý báu của kiều bào và bạn bè

(Mặt trận) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước, vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đại dịch. Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm để thực hiện chiến lược vaccine.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

 Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng tiếp nhận tượng trưng 2,6 triệu liều vaccine AstraZeneca từ Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner, ngày 27/9. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Để thực hiện mục tiêu tiêm chủng miễn phí toàn dân, không thể không kể đến những đóng góp quý báu cả về vật chất, tinh thần lẫn chất xám của bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới cũng như ủng hộ của bạn bè, tổ chức quốc tế.

Sự đóng góp của bà con kiều bào

Bước đi đầu tiên, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19, để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tính đến chiều 3/10/2021, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã nhận được gần 8.700 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới. Dù ở những đất nước xa xôi, dù đang trong hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng hàng nghìn kiều bào vẫn hướng về quê hương, đóng góp vào quỹ, cũng như nguồn lực chất xám về kỹ thuật công nghệ nghiên cứu sản xuất vaccine.

Đánh giá về đóng góp của kiều bào cho quê hương trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 trong nước, ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết, trong thời gian qua, kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới đã đồng hành, chia sẻ, ủng hộ cả vật chất và tinh thần trong cuộc chiến chống COVID-19 trong nước. Đến nay, kiều bào đã quyên góp ủng hộ trong nước hơn 60 tỷ đồng cho phòng, chống dịch, trong đó có khoảng 12 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 cùng với nhiều trang thiết bị y tế khác. Gần 30 tổ chức hội đoàn người Việt ở các nước đã phát động các chiến dịch hỗ trợ cho Việt Nam như "Chung tay vì Việt Nam", "10.000 liều vaccine cho Việt Nam".

Bên cạnh đó, kiều bào có vai trò quan trọng trong sứ mệnh đưa vaccine về với nhân dân Việt. Trong thời gian qua, nhiều tổ chức chuyên gia và doanh nhân kiều bào đã tích cực tìm cách tiếp cận các nhà sản xuất và cung cấp vaccine, là cầu nối quan trọng, kết nối các cơ quan đại diện ngoại giao ta tại nước ngoài tới các nguồn cung ứng vaccine.

Cùng với những đóng góp về vật lực, nhân lực, kiều bào ta đã có nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ kịp thời, tạo ra những hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng với đất nước trong đại dịch. Tiêu biểu có thể kể đến, Tiến sỹ Hồ Nhân, kiều bào Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen - đang triển khai dự án vaccine Nano Covax; ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Tập đoàn Metran (kiều bào Nhật Bản) đã chuyển giao công nghệ sản xuất 2.000 máy thở cho trong nước và đang chế tạo khẩu trang với màng lọc diệt virus, kết nối với thiết bị lọc khí, thuận tiện cho quá trình trao đổi khí trong phổi. Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ (kiều bào Nga) chế tạo thành công hệ thống khử khuẩn công nghệ plasma, đang kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế giới thiệu và xem xét khả năng ứng dụng hệ thống này trên diện rộng…

"Cùng với đó, nhiều cá nhân, hội đoàn của trí thức kiều bào như Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và "Sáng kiến Việt Nam" đang hoạt động tích cực, hỗ trợ tư vấn trong chiến lược phòng, chống dịch cũng như phục hồi phát triển kinh tế trong nước. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn vai trò của kiều bào trong việc thực hiện các chiến lược ngoại giao nói chung, đặc biệt ngoại giao vaccine nói riêng nhằm phục vụ phát triển để đóng góp cho mục tiêu phòng, chống dịch, khôi phục, phát triển kinh tế của đất nước", ông ngô Hướng Nam nhấn mạnh.

Sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và các tổ chức quốc tế

Cùng những nỗ lực của Chính phủ, nhân dân Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài trong việc tiếp cận nguồn vaccine, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được vaccine phòng COVID-19 từ cơ chế  COVAX. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã nhận được hơn 11,7 triệu liệu vaccine phòng COVID-19 qua COVAX. Trong tháng 10, COVAX sẽ tiếp tục phân bổ 85 triệu liều vaccine cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 rất tốt. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 43 triệu liều vaccine, trong đó có hơn 40 triệu người được tiêm mũi 1. Với sự nỗ lực của ngành Y tế Việt Nam, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng, đặc biệt sau mũi một, thấp hơn nhiều so với các nước khác. "Đến cuối năm nay, có những tín hiệu và số liệu rất khả quan để Việt Nam sẽ có đủ tất cả lượng vaccine cần thiết, khoảng 150 triệu liều", bà Rana Flowers cho biết.

Để đạt được mục tiêu tiêm chủng trong bối cảnh dịch bệnh, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng: "Ngoại giao vaccine của Việt Nam đang diễn ra thành công trên một số phương diện như phối hợp với các Chính phủ có lượng vaccine dư thừa trong và đưa về Việt Nam một cách kịp thời. Trong đó, Quỹ vaccine phòng COVID-19 là sáng kiến của Việt Nam. Các cá nhân và doanh nghiệp rất tích cực quyên góp, tạo điều kiện cho Chính phủ Việt Nam bố trí khoản tiền mua vaccine thuận lợi hơn. Chúng tôi rất vui mừng khi nhận thấy vaccine đang được triển khai tiêm miễn phí, bình đẳng để các địa phương đều được nhận vaccine, người dân được bảo vệ trước sự lây lan của virus".

Đồng quan điểm, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sỹ Kidong Park cho biết, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp, ngân sách nhà nước hạn chế nên việc huy động đầy đủ các nguồn lực cho y tế rất quan trọng, nhất là trong tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19. "Việc Việt Nam huy động nguồn lực từ các cá nhân và khối tư nhân thông qua việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là vô cùng độc đáo. Thông qua tự nguyện đóng góp vào Quỹ, người dân và doanh nghiệp đang thể hiện sự tin tưởng vào Chính phủ", ông Kidong Park nhấn mạnh.

Theo Tiến sỹ Kidong Park, virus sẽ tồn tại trong một thời gian và tiếp tục lây lan, gây nguy hiểm đến tính mạng của con người. Điều đó có nghĩa sẽ phải tìm cách để chung sống an toàn với virus này. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần phải có chiến lược cung cấp vaccine cho những người cần nhất, dựa trên các nhóm ưu tiên, phải bảo vệ nhân viên y tế và lực lượng chống dịch tuyến đầu, người cao tuổi, những người có bệnh nền và những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao.

Ngoài việc tiếp tục tăng tỷ lệ tiêm chủng, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, cần hạn chế sự lây lan của virus bằng việc áp dụng các biện pháp y tế đã được chứng minh có hiệu quả như 5K; xây dựng năng lực của hệ thống y tế để phát hiện, điều trị người bệnh và giảm tử vong... Từ đó, việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn các thiệt hại về kinh tế - xã hội và sức khỏe do đại dịch gây ra sẽ được triển khai hiệu quả, kịp thời nhằm hoàn toàn kiểm soát virus thay vì virus kiểm soát chúng ta.

Khi Việt Nam bắt đầu chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khuyến khích Chính phủ cần đẩy mạnh tiêm chủng "càng nhanh càng tốt" cho các nhóm được ưu tiên, đặc biệt nhân viên y tế, người cao tuổi, những người có bệnh nền… Bên cạnh đó, Việt Nam ưu tiên việc tiêm chủng cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, với hệ thống y tế yếu hơn và điều kiện phòng, chống dịch "mỏng hơn".

Tiến sỹ Kidong Park cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại gia đình, trường học, công sở… với các hành động tự bảo vệ bản thân và biện pháp y tế công cộng làm giảm sự lây truyền, kể cả khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường hơn nữa năng lực hệ thống y tế để quản lý bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tốt hơn, đồng thời đưa ra mô hình lộ trình chăm sóc phù hợp để tránh quá tải bệnh viện với các ca bệnh nhẹ và trung bình.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản