Tin mới

Phiên họp về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân trong tình hình mới

(Mặt trận) - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức Phiên họp chuyên đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân nhằm triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

 Quang cảnh phiên họp

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu chủ trì phiên họp với sự tham dự của Trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.

Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân kể từ Hội nghị Ngoại giao 30 đến nay (giai đoạn 2018-2021), xác định những thành tựu đạt được cũng như những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thích ứng trong tình hình mới.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm vừa qua vẫn tiếp tục phát triển, tăng về số lượng, đa dạng về thành phần và mở rộng về địa bàn. Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; đại bộ phận bà con đã có cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trên tất cả các lĩnh vực.

Cộng đồng ngày càng gắn bó với quê hương và trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, cuộc sống của một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn còn khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc. Tình hình phạm tội trong cộng đồng cũng có xu hướng gia tăng. Một bộ phận còn giữ định kiến, vẫn có những hoạt động đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc.

Cùng với sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao hết sức quan tâm. Các cơ quan đại diện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất biện pháp xứ lý phù hợp với từng khu vực trong tình hình mới.

Các cơ quan đại diện thường xuyên trao đổi với cơ quan chức năng sở tại để tìm giải pháp tối ưu cho công dân; vận động phía sở tại tạo thuận lợi cho công dân ta sinh sống, học tập, làm ăn hợp pháp, kịp thời bảo hộ công dân bị bắt do vi phạm pháp luật sở tại; vận động hội đoàn người Việt hỗ trợ tích cực cho công tác bảo hộ công dân; cử cán bộ trực số điện thoại đường dây nóng 24/7 để kịp thời có biện pháp bảo hộ trong trường hợp khủng hoảng.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện đã thực hiện bảo hộ 40.594 công dân gặp sự cố, bị bắt giam, bắt giữ ở nước ngoài; thực hiện bảo hộ đối với các trường hợp tàu cá của Việt Nam gặp sự cố trên biển; tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ, cứu hộ đối với 27 vụ/40 tàu/422 ngư dân gặp nạn trên biển; hỗ trợ thủ tục đưa 613 ngư dân về nước thông qua Quỹ Bảo hộ công dân; tổ chức đưa gần 200.000 công dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ hơn 60 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước.

Đại biểu thảo luận tại Hội nghị 

Hội nghị tập trung thảo luận những hạn chế cần khắc phục; những khó khăn, thách thức trong tình hình mới đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, an ninh thế giới, khu vực ngày càng diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến công tác này.

Thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát đặt ra nhiều khó khăn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài trong việc đi lại giữa các nước hoặc về Việt Nam bằng đường hàng không và đường bộ. Tại Hội nghị, các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn đặc thù của sở tại trong xử lý công tác này ở ngoài nước và có những đề xuất, giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác này thời gian tới.

Các đại biểu tham dự phiên họp thống nhất nhận định, kể từ Hội nghị Ngoại giao 30 đến nay, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân được triển khai tích cực, hiệu quả, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Các đồng chí trưởng cơ quan đại diện, trên cơ sở công tác thực tiễn, với những đánh giá khách quan và thực chất về những việc đã làm được, những việc còn chưa làm được, đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể.Để triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác về người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị.

Các đại biểu đã thống nhất đề ra các phương hướng, cần được triển khai tích cực trong thời gian tới. Thứ nhất là xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026; tiếp tục rà soát, kiến nghị ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ hai, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, linh hoạt trong biện pháp triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba, sớm hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ tư, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, hội nhập xã hội sở tại, tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài nhằm hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn.

Thứ năm, đẩy mạnh việc hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng.

Thứ sáu, đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin, trong đó chú trọng phát triển nội dung trên nền tảng số; tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhằm kịp thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các lực lượng thù địch.

Cuối cùng, tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn lực làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, công tác bảo hộ công dân cũng được đánh giá hết sức nổi bật trong triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước, tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp để thích ứng tình hình mới.

Trước hết là rà soát các cơ chế hợp tác song phương và đa phương về lãnh sự và bảo hộ công dân, đẩy mạnh tăng cường ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về lãnh sự tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Tiếp đó là tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời qua nhiều kênh liên lạc; Phát huy tinh thần dự báo, có phương án sớm xây dựng kịch bản ứng phó kịp thời để giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Chủ động thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan trong nước; giữa các cơ quan đại diện và cơ quan chức năng sở tại trong giải quyết các vấn đề khẩn cấp/khủng hoảng; phát huy hiệu quả việc sử dụng Quỹ Bảo hộ công dân để hỗ trợ công dân.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản