|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện.
Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng như: nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế… Năm 2021, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vào khoảng 12,5 tỷ USD; dự báo tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà lưu niệm cho các đại diện đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tham dự toạ đàm |
Dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu Lạc Hồng của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức đồng bào ta ta ở nước ngoài sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư, làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước. Khẳng định điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, trong những năm qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, quán triệt tinh thần “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.
Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài. “Trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, Lãnh đạo Quốc hội đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại; ban hành nhiều chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Đánh giá cao Ủy ban Đối ngoại triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài” và tổ chức Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây là cơ sở để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn, kinh doanh và đầu tư tại quê hương, góp phần thu hút nguồn lực tri thức và kinh tế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra là “phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, hơn bao giờ hết, việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào ta ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.
Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu thảo luận thật sôi nổi, có nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Đề nghị Thường trực Ủy ban Đối ngoại và các cơ quan có liên quan cầu thị, nghiêm túc lắng nghe ý kiến góp ý, đồng thời trao đổi thấu đáo, thỏa đáng các vấn đề đại biểu nêu, sau tọa đàm có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả cuộc tọa đàm.
|
Đại diện Hội liên lạc Việt kiều ở Hải Phòng phát biểu tại toạ đàm |
|
Đại diện Hội người Việt Nam tại Ba Lan phát biểu tại toạ đàm |
Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao khái quát tình hình người Việt Nam ở nước ngoài; chính sách, pháp luật của Việt Nam về người Việt Nam ở nước ngoài; nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tóm tắt một số định hướng về nội dung xin ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Bộ phụ trách đối với người Việt Nam ở nước ngoài… Các đại diện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã trao đổi, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về người nước ngoài theo hướng thu hút, tạo điều kiện cho đồng bào ta ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương.
Đại diện đồng bào Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, trong đó có Quốc hội đã luôn quan tâm, tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; chủ động nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Một số ý kiến tại tọa đàm cũng nhấn mạnh, hiện nay, xu hướng người Việt Nam định cư ở nước ngoài mong muốn trở về Việt Nam để đóng góp cho quê hương, đất nước hoặc đơn giản là về thăm quê hương, họ hàng. Vì vậy, những ý kiến này mong muốn, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét có chính sách tạo thuận lợi hơn cho những người này trở về Việt Nam; nâng thời hạn thị thực đối với người người Việt Nam ở nước ngoài muốn về thăm quê hương.
Một số ý kiến đề nghị, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài nhập tịch Việt Nam; quy định cụ thể các điều kiện trường hợp đặc biệt người Việt Nam có thể có 2 quốc tịch; giảm bớt các điều kiện, thủ tục hành chính đối với những người Việt Nam từ bỏ quốc tịch do quy định của nước sở tại mong muốn xin cấp lại quốc tịch Việt Nam...
Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số ý kiến kiến nghị, dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng tạo điều kiện hơn cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sinh sống, sở hữu, sử dụng đất đai, nhà ở; bảo đảm quyền lợi của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài bình đẳng với công dân trong nước, trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc và đóng góp cho đất nước hiệu quả hơn. Có ý kiến đề nghị, cần sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng tạo điều kiện cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong thực hiện các giao dịch mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng… nhà ở nhằm bảo đảm tương thích với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại diện đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định, các vấn đề được đại biểu nêu đều rất sát sườn với người Việt Nam ở nước ngoài. Ủy ban Đối ngoại cũng như các cơ quan của Quốc hội sẽ coi đây là những nội dung trọng tâm để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quốc hội trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài. Ủy ban Đối ngoại cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu các chính sách khác nhằm góp xây dựng hình ảnh, nâng cao vị thế của người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Thanh Chi