|
Công dân Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn sau khi trở về từ Vũ Hán vào rạng sáng 10/2/2020. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN ) |
Vào cuộc ngay từ sớm
Ngày 25/01/2020, chỉ ba ngày sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân tại các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngay từ đầu, công tác bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột, từ công tác điều hành, chỉ đạo, sự phối hợp của các cơ quan trong và ngoài nước, cùng sự vào cuộc của truyền thông.
Trong những ngày tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã liên tục chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định số lượng công dân ở các khu vực có dịch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết; tích cực động viên, khuyến cáo công dân không về nước khi không thật sự cần thiết, chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch của sở tại; yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài rà soát, khẩn trương có kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay các nước; đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận tâm tư, nguyện vọng của những người dân Việt Nam đang sống xa Tổ quốc, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không trong nước, các cơ quan chức năng sở tại tiến hành đồng bộ, chủ động, tích cực, toàn diện công tác bảo hộ công dân. Với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra sự phong tỏa tại hàng loạt quốc gia, công tác bảo hộ công dân tại các cơ quan đại diện vẫn được ưu tiên hàng đầu, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đảm bảo sức khỏe cho bà con, đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở về quê hương.
Chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc về tình hình, ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, ổn định kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác tại trụ sở Trung ương Đảng ngày 23/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã đưa Việt Nam trở thành một "điểm sáng trên thế giới". Để có được kết quả như vậy đòi hỏi nỗ lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của tinh thần yêu nước và của mỗi người dân Việt Nam.
Những chỉ đạo quyết liệt và “thấu tình đạt lý”
Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam ở khắp các châu lục trên thế giới. Việc bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại hầu hết các văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: Hiến pháp năm 2013 (điều 17 khoản 3), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài số 33/2009/QH12 ngày 18/06/2009 (Điều 8 và Điều 9)…
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Nhà nước có trách nhiệm thỏa thuận với các nước hữu quan về khuôn khổ pháp lý để đồng bào ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế.
Việc đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch nước ngoài trở về nước là hành động vừa thể hiện tình cảm, song cũng là trách nhiệm của Nhà nước đối với những người con đang sống xa Tổ quốc. Vào thời điểm đại dịch COVID-19 đang len lỏi tới mọi ngõ ngách trên thế giới. Đối với những người Việt Nam ở nước ngoài, thì trên hết đó là sự lo lắng, mong muốn được thấu hiểu và giúp đỡ, đó là những “vòng tay dang rộng” từ quê hương, để đồng hành với họ vượt qua nỗi sợ hãi và chiến thắng đại dịch.
Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 được tổ chức vào sáng 18/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào!”.
Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 diễn ra tại trụ sở Chính phủ ngày 10/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức thêm các chuyến bay để đưa người Việt Nam về nước, vì “máu chảy ruột mềm”, khó khăn vất vả của bà con cũng là nỗi lo của Đảng, của Nhà nước, của đồng bào trong nước, việc đưa công dân Việt Nam trở về nước lúc này là một đòi hỏi cấp bách.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước, đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam ở nước ngoài và phù hợp với năng lực cách ly trong nước. Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện 55 chuyến bay với gần 14.000 người Việt Nam về nước an toàn, đáp ứng mong chờ, tháo gỡ khó khăn, bức xúc của bà con.
Trên cơ sở nguyện vọng của công dân Việt Nam và điều kiện cách ly tập trung của các địa phương trong nước, nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng sự chung sức đồng lòng của nhân dân đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước, trong đó nổi bật nhất là chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán trở về ngày 10/02/2020.
Trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo tốt nhất sự an toàn và cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh nhiều người Việt Nam “kẹt” tại các sân bay quốc tế, dù hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn, nguy cơ phơi nhiễm cao, một số đã phải tự cách ly, cán bộ các cơ quan đại diện đã kịp thời có mặt tại nhiều điểm nóng, kịp thời trấn an, hỗ trợ bà con, làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, các hãng hàng không, tìm ra những biện pháp thỏa đáng nhất cho bà con, đưa nhiều bà con về nước. Dù chưa thể đáp ứng được nguyện vọng của tất cả bà con đang sinh sống ở nước ngoài, song Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn nỗ lực hết sức mình để bảo vệ “một phần máu thịt không thể tách rời của tổ quốc”.
Từ ngày 10/4, khi Thủ tướng quyết định mở các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về nước, tới nay đã có 55 chuyến bay chuyên chở được hơn 13.000 kiều bào về nước. Hiện nay mỗi tuần có 4 chuyến bay đưa khoảng hơn 1.000 người trở về nước. Do một số quốc gia chỉ cấp phép cho hạn cho máy bay thương mại của Việt Nam sang đón công dân cùng với việc tăng cường khoảng cách trong phòng cách ly để tránh lây nhiễm, đồng thời các phi hành đoàn sau mỗi chuyến bay phải cách ly y tế 14 ngày…nên trong 3 tháng qua, chúng ta mới chỉ đáp ứng được 1/4 số người có nhu cầu về nước. Trong thời gian tới, công tác bảo hộ công dân sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet sẽ tiếp tục thực hiện hàng chục chuyến bay để “giải cứu” công dân Việt Nam từ Cuba, Hoa Kỳ, Canada, Bờ Biển Ngà, Myanmar, Indonesia, Philippines... về nước.
Việt Nam trở thành “điểm sáng” của dư luận thế giới
Mặc dù đối diện nhiều thách thức, khó khăn trong 6 tháng đầu năm, nhưng chúng ta đã đạt được một số kết quả, khi chúng ta thiết lập được trạng thái bình thường mới, chi phí thấp, không có ca tử vong và thực hiện mục tiêu kép như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, khâm phục”.
Những thành công trong cuộc chiến chống COVID -19 tại Việt Nam, trong đó có vai trò của công tác bảo hộ công dân đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của dư luận quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh chi phối mạnh mẽ dư luận quốc tế, những bài viết về công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam là “điểm sáng” trong tổng thể dư luận về Việt Nam. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin tưởng, sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Có lẽ chưa bao giờ hai tiếng "Việt Nam" được truyền thông và bạn bè quốc tế nhắc tới nhiều đến thế. Trong thời gian qua, các hãng truyền thông lớn trên thế giới như Reuters, CNN, Sputnik...liên tiếp có những bài viết, phóng sự truyền hình ca ngợi những nỗ lực, sáng kiến và giải mã thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Từ sáng kiến “cây ATM gạo”, sử dụng áp-phích tuyên truyền, sáng tác “Vũ điệu rửa tay” như một lời nhắc nhở gần gũi về các biện pháp giữ gìn an toàn trong mùa dịch, cho tới việc Việt Nam chữa khỏi cho bệnh nhân 91... đều nhận được sự quan tâm, ngưỡng mộ của bạn bè thế giới. Truyền thông quốc tế coi Việt Nam là hình mẫu trong việc phòng, chống dịch, trong đó sự minh bạch thông tin được đánh giá là một yếu tố quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân. Trang web của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có bài viết phân tích thành công của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, cho rằng Việt Nam có thể mang lại bài học cho các nước đang phát triển. Mở đầu bài viết, IMF dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Có bão giông mới sáng danh tùng bách" để ca ngợi sức mạnh và sự ổn định của Việt Nam trong ứng phó với "cơn bão" COVID-19. Các chuyên gia của tổ chức này cho rằng, Việt Nam đã trở thành một ví dụ điển hình và là bài học cho các nước đang phát triển trong việc chống lại đại dịch.
Những chiếc máy cung cấp gạo miễn phí cho người dân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 xuất hiện tại nhiều thành phố tại Việt Nam đã gây ấn tượng với truyền thông thế giới về tính nhân văn và sự sáng tạo. Tờ International Business Times cũng có bài viết bày tỏ sự ấn tượng về cây “ATM gạo” tại Việt Nam và ví đây là “một cách khéo léo” để hỗ trợ những người gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trang web tổng hợp tin tức YahooNews cũng đăng bài viết “Cây ATM gạo hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch”. Bài viết trên YahooNews đã nhận được hàng trăm lượt tương tác, với nhiều ý kiến ca ngợi, bày tỏ sự ủng hộ sáng kiến này của Việt Nam.
Qua cơn hoạn nạn càng thêm yêu Tổ quốc
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về các nỗ lực bảo hộ công dân của Việt Nam trong thời gian qua, Đại sứ Nauy tại Việt Nam - bà Grete Lochen bày tỏ: “Một trong những ưu tiên của bất kỳ Chính phủ nào khi xảy ra khủng hoảng như đại dịch COVID-19 là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Việt Nam đã rất xứng đáng khi được cộng đồng quốc tế ghi nhận về những biện pháp dự phòng hiệu quả, quyết đoán được áp dụng từ rất sớm để ngăn ngừa sự lây lan của virus”.
Đại sứ Nauy tại Việt Nam cho biết, bà cảm thấy “rất khích lệ” khi Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chủ động trong công tác lãnh sự để bảo hộ hàng triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống và học tập ở nước ngoài. Mặc dù số người mắc trên thế giới vẫn tiếp tục tăng nhưng Việt Nam đã trải qua 90 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và đã mở cửa trở lại nền kinh tế trong nước. Thành tích phòng, chống COVID-19 của Việt Nam sẽ nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.
Việc đưa các công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về nước được thực hiện đồng bộ, từ khâu hướng dẫn, tạo điều kiện làm thủ tục ở nước sở tại, đón tiếp tại sân bay theo đúng các quy định trong mùa dịch cho tới việc chăm sóc, cách ly đều diễn ra chu đáo, như đón những người "ruột thịt". Sự đùm bọc của đồng bào trong nước đã khiến mỗi người con Việt Nam từ nơi xa trở về cảm thấy ấm áp và được che chở. Du học sinh trở về từ Mỹ, bệnh nhân thứ 89 chia sẻ: "14 ngày điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi là quãng thời gian khó quên trong cuộc đời mình bởi em nhận được rất nhiều sự quan tâm từ y, bác sỹ...Hằng ngày bác sỹ đều kiểm tra sức khỏe cho em 2-3 lần, mang cơm đến cho em, hỏi thăm em ăn có được không, ngủ được không, ân cần như người trong gia đình. Thật tình em cảm kích sự nhiệt tâm của các y bác sỹ nơi đây".
Anh Thành Trần từ châu Âu về Việt Nam tránh dịch COVID-19 trên một trong các chuyến bay cuối cùng trước khi EU đóng cửa biên giới. Với lời nhắn gửi "Cảm ơn Tổ quốc đã dang tay", anh Thành chia sẻ anh rất hạnh phúc vì được trở về. Câu chuyện xúc động của anh đã nhận hàng ngàn lượt chia sẻ, yêu thích trên mạng. Anh Thành đã gọi chuyến bay của mình là chuyến bay nhân đạo khi chỉ có 18 hành khách trên máy bay 300 chỗ ngồi và vẫn được phục vụ chu đáo.
Với những gì đã làm được trong thời gian qua, nhân dân Việt Nam nói chung, đồng bào ta ở nước ngoài nói riêng càng thêm tự hào, tin tưởng vào sự dẫn dắt, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng bào ta càng thêm thấm thía rằng, Tổ quốc luôn là nơi để trở về, luôn dang rộng vòng tay chở che mọi công dân của mình trong cơn hoạn nạn. Những điều giản dị mà thiêng liêng, cao quý ấy đã tiếp thêm động lực để mỗi người con đất Việt dù ở bất cứ nơi đâu đều tin yêu và hướng về Tổ quốc./.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản