|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Khampheuy Bouddavieng tại Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Lào – Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển năm 2022.
|
Nội dung thông cáo nêu rõ:
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vui mừng, tự hào về truyền thống của Mặt trận hai nước, về tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng các thế hệ lãnh đạo Mặt trận hai nước xây dựng, dày công vun đắp. Hoạt động của Mặt trận hai nước trong các giai đoạn lịch sử đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng của hai dân tộc. Được sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, các chương trình phối hợp giữa Mặt trận hai nước ngày càng có hiệu quả thiết thực. Sau hơn năm năm, do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và một số nguyên nhân khách quan đã làm cho việc thực hiện Thông cáo chung còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục đã được phân tích, đánh giá tại Hội nghị, tuy nhiên các nội dung được nêu trong Thông cáo chung tại Hội nghị xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển năm 2017 ở tỉnh Quảng Bình, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đạt được nhiều kết quả thiết thực, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước, sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, đóng góp quan trọng vào sự ổn định, phát triển của Việt Nam - Lào nói chung, của các tỉnh có chung đường biên giới hai nước nói riêng.
2. Với tinh thần hữu nghị, đoàn kết đặc biệt; hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm hai ngày lễ lịch sử Lào - Việt Nam năm 2022 như 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962 - 05/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Mặt trận hai bên thống nhất phương hướng, nhiệm vụ phối hợp xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển Lào - Việt Nam giai đoạn 2022-2025 với các nội dung trọng tâm sau:
2.1. Hai bên tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để mọi người dân, đặc biệt với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên của hai nước hiểu biết sâu sắc hơn, tự hào về lịch sử quan hệ tốt đẹp, trong sáng, mẫu mực, thủy chung, đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào, qua đó có trách nhiệm giữ gìn và vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ vô giá này; tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân vùng biên giới hai nước về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của hai Đảng, hai Nhà nước; phổ biến rộng rãi thông tin về các chương trình, hoạt động hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị nói riêng, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển của mỗi nước.Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nhân dân khu vực biên giới cảnh giác, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những âm mưu, hành động phá hoại, gây mất ổn định của các phần tử xấu, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
2.2. Mặt trận của 10 tỉnh có chung đường biên giới giữa hai nước đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân phát huy vai trò làm chủ đất nước, quê hương, tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo; chăm lo việc học tập của trẻ em trong độ tuổi đến trường, không để các cháu bị thất học; khắc phục tình trạng mê tín, cúng bái khi ốm đau, không để người ốm không được đến các cơ sở y tế thăm khám, chữa bệnh; tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân khu vực biên giới, kiến nghị thực hiện có hiệu quả các chương trình kết nghĩa giữa các đồn biên phòng, giữa các thôn, bản, xã, phường, huyện hai bên biên giới mà được cấp ủy, chính quyền địa phương phê duyệt.
2.3. Hai bên tiếp tục xây dựng tổ chức Mặt trận và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng biên giới, trong đó đặc biệt quan tâm việc xây dựng các khu dân cư, thôn, bản ổn định về chính trị, đảm bảo an ninh trật tự; phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc.
2.4. Hai bên tiếp tục vận động, khuyến khích và làm cầu nối cho các doanh nghiệp, doanh nhân hai nước đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, khu kinh tế, trung tâm thương mại tại các cửa khẩu, lối mở, các công trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch để khai thác tuyến du lịch giữa hai nước nhất là phát triển các tour du lịch tại các tỉnh biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, tạo công ăn, việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định cho nhân dân khu vực biên giới của hai nước. Đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam, hàng Lào chất lượng cao về khu vực biên giới để cung cấp cho nhân dân các thôn, bản, xã, phường, huyện của các tỉnh giáp biên giới nhằm đảm bảo sức khỏe và lợi ích kinh tế cho nhân dân vùng biên; định kỳ hằng năm tổ chức hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm chất lượng cao của hai nước tại khu vực biên giới có nhiều dân cư sinh sống.
2.5. Hai bên tiếp tục hướng dẫn Mặt trận các tỉnh có chung đường biên giới chọn các nội dung thiết thực, phù hợp với địa phương để Mặt trận các huyện, xã và các bản giáp biên ký kết thi đua, góp phần xây dựng khu dân cư, xã, bản, huyện khu vực biên giới đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; khuyến khích Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi, đặc biệt là 5 thành phố trực thuộc Trung ương Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng tăng cường hợp tác với Mặt trận Lào xây dựng đất nước 10 tỉnh biên giới của Lào nhằm chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận cũng như nghiên cứu, kiến nghị cấp ủy Đảng, Chính quyền mỗi bên quan tâm, hỗ trợ, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh.
2.6. Hai bên phối hợp với nhau trong việc theo dõi, nắm bắt thông tin và tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân hai nước Lào và Việt Nam để xây dựng đương biên giới Lào - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển; phối hợp với các cơ quan chức năng của mỗi bên tuyên truyền nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Hai bên tích cực trao đổi, phối hợp trợ giúp việc cấp giấy tờ cho người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước theo Thỏa thuận.
2.7. Mở rộng các hình thức giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận và các thành viên Mặt trận hai nước, cụ thể:
- Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận các tỉnh có chung đường biên giới tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao nhân ngày Quốc khánh, ngày lễ, tết cổ truyền của mỗi nước.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Mặt trận và đoàn thể, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận mỗi nước.
- Vận động các nguồn đóng góp, hỗ trợ, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhằm chia sẻ những khó khăn của nhân dân khu vực biên giới nhất là các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh và các sự cố rủi ro bất thường.
- Hằng năm, Mặt trận hai nước tổ chức các đoàn đại biểu thăm, trao đổi kinh nghiệm và thông báo cho nhau về tình hình thực hiện các nội dung của Thông cáo chung.
3. Hội nghị Quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giai đoạn 2022 - 2025 sẽ được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước phối hợp tổ chức tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
4. Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo với lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước để hướng dẫn Ủy ban Mặt trận các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước có trách nhiệm triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trên; thông báo với hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận của mỗi nước để phối hợp thực hiện Thông cáo chung Mặt trận hai nước về xây dựng đường biên giới Lào - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giai đoạn 2022 - 2025.
Bản Thông cáo chung này làm tại tỉnh Sa-vẳn-nà-khẹt, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 22/11/2022, bằng hai ngôn ngữ chính: tiếng Lào và tiếng Việt, các bản có giá trị như nhau và có hiệu lực kể từ ngày ký.