|
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dự họp mặt Người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ngày 12 tháng 8 năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kết luận của Bộ Chính trị số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó có nội dung về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”. Triển khai thực hiện Kết luận, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Thông tri số 12-TT/TU ngày 28 tháng 7 năm 2022 về lãnh đạo thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới tại Thành phố. Trong đó, nêu cụ thể: “…đa dạng hóa các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để tăng cường các hoạt động xúc tiến mời gọi, thu hút nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đầu tư, đóng góp phát triển đất nước, thành phố”.
HIỆU QUẢ THU HÚT ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC KIỀU BÀO
Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các kế hoạch hành động triển khai thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn Thành phố với các đề tài, dự án, phần việc cụ thể.
Vào năm 2001, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyển chọn gần 800 học viên tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trẻ, đưa đi đào tạo làm nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ. Đến năm 2014, Thành phố ban hành Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị, trong đó có Ban quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP).
Tháng 11/2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 4 tháng 7 năm 2019 quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2022. Theo đó, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với 14 vị trí có mức hỗ trợ ban đầu là 100 triệu đồng/người và các ưu đãi về thưởng, lương, tiền thuê nhà ở... Các chuyên gia và nhà khoa học được chi trả lương hằng tháng theo mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp. Đối với giáo sư, phó giáo sư, được hưởng hệ số 9,4; các trường hợp còn lại hưởng hệ số 8,8. Về nhà ở, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà không quá 7 triệu đồng/tháng và phương tiện đi lại tùy theo khả năng của cơ quan, đơn vị tuyển dụng. Mười bốn vị trí thuộc các cơ quan, đơn vị gồm: 1 vị trị tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; 3 vị trí tại Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao; 5 vị trí tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (5 vị trí); 5 vị trí tại Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
Trong những năm qua, đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn tại Thành phố Hồ Chí Minh và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, Khu Công nghệ cao, các bệnh viện...
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thuộc SHTP có 5 chuyên gia đã và đang làm việc theo chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh.
TS. Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm R&D thuộc Khu Công nghệ cao (KCNC) Thành phố cho biết, trong vài năm trở lại đây, Trung tâm đã nắm bắt rất nhanh những công nghệ tiên tiến và phát triển được những ứng dụng thiết thực mà chưa nơi nào trong nước làm được để ứng dụng vào việc triển khai Đề án Đô thị thông minh của Thành phố. Trung tâm đã hình thành mạng lưới kết nối hợp tác quốc tế với các nước tiên tiến về công nghệ, trong đó TS. Hoàng Thế Bân là người kết nối với mạng lưới các vườn ươm quốc tế. TS. Hoàng Thế Bân đã tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đang được ươm tạo tại Vườn ươm của SHTP về lĩnh vực nano qua mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm và thương mại hoá đổi mới sản phẩm sáng tạo. Nhờ đó, KCNC dần trở thành trung tâm kết nối để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Công nghệ của khu vực.
Thành phố đã hình thành được đội ngũ nhân sự có chuyên môn kỹ thuật cao. Trong vài năm trở lại đây, nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế, chỉ riêng lĩnh vực vi cơ điện tử của Trung tâm R&D thuộc SHTP đã có gần 20 nghiên cứu sinh được đào tạo chuyển giao, làm chủ công nghệ tiên tiến, vận hành được những thiết bị hiện đại của Trung tâm, tiếp cận công nghệ mới để nhanh chóng phát triển những sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu hình thành Smart City (Thành phố thông minh) của Thành phố.
Đánh giá về các chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học của Thành phố Hồ Chí Minh, GS. Đặng Lương Mô, một nhà khoa học người Việt có uy tín trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới đã sớm trở về Thành phố Hồ Chí Minh làm việc từ năm 2002, cho rằng, chính sách thu hút những chuyên gia quốc tế, trong đó có Việt kiều vào một số vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh là rất đúng và trúng chủ trương như đã được thể hiện qua Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2004. Tuy nhiên, việc thu hút mới chỉ là bước đầu, sự đãi ngộ xứng đáng và môi trường hoạt động thích hợp, thuận lợi, là vấn đề được kỳ vọng.
Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đang triển khai rất tốt việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Hiện nay, có một mạng lưới kiều bào trẻ gồm các chuyên gia, trí thức đang cộng tác thường xuyên với các sở ngành của Thành phố, họ đầu tư nhiều dự án lớn, tiêu biểu là dự án in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam của vợ chồng doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang và Vũ Xuân Sơn.
CẦN SỰ CHUNG TAY, CHIA SẺ KINH NGHIỆM CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC, KIỀU BÀO
Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước cũng như tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc thu hút, trọng dụng nhân tài, trí thức, chuyên gia kiều bào vẫn còn có nhiều hạn chế bất cập, cụ thể:
Một là, nhận thức cũng như việc triển khai các chính sách thu hút nhân tài trên thực tế của nhiều Bộ, Ngành, địa phương chưa sâu sát, chưa thống nhất, đồng bộ, mỗi nơi triển khai một kiểu hoặc không triển khai chiếu lệ. Khả năng tiếp cận thông tin từ chính quyền các cấp vẫn bị hạn chế; giữa các nhà khoa học trong nước với các nhà khoa học nước ngoài vẫn mang tâm lý dè dặt, thiếu sự phối hợp, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài chưa được đơn vị sử dụng tiếp nhận.
Hai là, có nhiều cơ chế, chính sách được đưa ra nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước, đóng góp nhiều hơn, như liên quan đến đãi ngộ đối với gia đình các nhà khoa học còn nhiều hạn chế. Môi trường nghiên cứu, học thuật chưa được thuận lợi, chưa chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phương thức đóng góp khác, không nhất thiết phải trở về nước hay làm việc ở trong nước mới cống hiến được cho đất nước. Hiện có nhiều trí thức trẻ người Việt đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia, trên các cương vị công tác khác nhau nhưng vẫn cống hiến rất hiệu quả cho đất nước. Tại các quốc gia phát triển, các nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt có môi trường nghiên cứu khoa học, có điều kiện sáng tạo phát triển tốt hơn, đặc biệt là ở những lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, chuyển đổi số, kinh tế số… Họ rất tâm huyết muốn góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, chúng ta có thể đưa ra những “đặt hàng” cụ thể, để họ biết cần phải làm gì có thể đóng góp qua hình thức online là chủ yếu, do đó, không cần những chính sách quá cụ thể và rườm rà như đang thực hiện.
Điều quan trọng hơn cả là cần đánh giá đúng tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích được những chuyên gia, trí thức đó đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước, là nơi cung cấp các công nghệ mới, công nghệ nguồn cho các tỉnh, thành để phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Nhằm phát huy được tất cả các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và người dân, Thành phố rất cần sự chung tay, chia sẻ kinh nghiệm của trí thức, chuyên gia kiều bào. Những vấn đề mới, chưa có tiền lệ mà Thành phố có ý tưởng mới nhưng chưa có cơ quan tham mưu thì sẽ mời gọi chuyên gia, trí thức kiều bào xây dựng.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn có sự hợp tác hoặc nhận được sự kết nối của các chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các dự án, các “bài toán lớn” trong một số lĩnh vực mà thành phố quan tâm. Ví dụ, nghiên cứu các giải pháp để quản trị, điều hành xã hội và phát triển các nền tảng số trong lĩnh vực y tế, giáo dục; các kỹ thuật, giải pháp, quy trình khoa học công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm để nâng cao chất lượng dự phòng, chẩn đoán, điều trị, nâng cao sức khỏe người dân thành phố; phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao,…
Về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có sự hợp tác, kết nối, tư vấn và chia sẻ từ các chuyên gia, trí thức và kiều bào về các mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường đại học, phát triển các start-up từ trường đại học,…; mô hình phòng thí nghiệm đô thị tại một địa phương cụ thể về xây dựng hạ tầng, nguyên tắc và yêu cầu đối với sản phẩm thử nghiệm,…; việc xây dựng nền tảng trực tuyến để phát triển hệ sinh thái trong một số ngành và lĩnh vực trọng điểm; vấn đề hợp tác công tư trong việc phát triển hệ sinh thái sáng tạo.
Có thể khẳng định, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Cùng với đội ngũ chuyên gia trong nước, trí thức kiều bào đã góp phần thu hẹp khoảng cách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam với các nước phát triển.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cùng với đội ngũ trí thức thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thu hút nguồn lực từ trí thức, kiều bào qua đó đóng góp có hiệu quả nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố./.
Góp phần vào các giải pháp thu hút hiệu quả nguồn trí thức trong và ngoài nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minhđang trong tiến trình thành lập Trung tâm Kết nối Khoa học & Kỹ thuật - Công nghiệp toàn cầu (Global Science - Tecnology – Industry Cooperation Contac Center). Với vai trò của trung tâm là kết nối các nhà khoa học - kỹ thuật tại các Trường/Viện/Hội trong và ngoài nước (bao gồm trí thức là kiều bào) với các doanh nghiệp (chủ yếu vừa và nhỏ, khởi nghiệp) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm có mục tiêu chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất của thế giới vào ứng dụng tại các doanh nghiệp của nước ta nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, năng suất cao… đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng theo kịp tiến bộ của thế giới. Global STIC sẽ có 5 hoạt động chính: 1) Chuyển giao và thương mại hóa công nghệ. 2) Thực hiện các chương trình đào tạo công nghệ. 3) Phát triển và hỗ trợ các hoạt động (R&D). 4) Hỗ trợ hợp tác khởi nghiệp kinh doanh. 5) Dịch vụ kinh doanh và tư vấn công nghệ.
|
GS. TS. Nguyễn Văn Phước
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh