Tin mới

An Giang nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) -Thời gian qua, UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện tốt các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, với nội dung, phương thức thực hiện ngày càng thực chất, tập trung những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và dư luận xã hội quan tâm. Qua đó, góp phần tăng cường sự đồng thuận của nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

 Người dân tham gia đóng góp ý kiến tại các buổi tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo địa phương

Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Trương Hoàng Trọng cho biết, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quy định của Đảng, nhà nước về giám sát, phản biện xã hội, nhất là Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. MTTQ các cấp tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên và ngành chức năng trao đổi kinh nghiệm, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận.

Cùng với đó, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ sớm, hướng về cơ sở, trọng tâm, trọng điểm; chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Đồng thời, định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội tại các địa phương.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh duy trì thường xuyên công tác hòa giải; tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức các cuộc đối thoại, lắng nghe bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, môi trường… Qua đó, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Cùng với triển khai các hoạt động giám sát, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tích cực thực hiện công tác phản biện xã hội, tham gia góp ý các dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, dự án, đề án và văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Đặc biệt, hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, góp phần thực hiện tốt việc nắm tình hình, thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến, phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở. Qua đó, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã lấy ý kiến góp ý dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tỉnh năm 2023. Theo đó, các nội dung giám sát về: Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên cấp huyện; giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân từ các sở, ngành, UBND các cấp, do MTTQ tập hợp phản ánh; xây dựng các dự án, công trình đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện một số điều về Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015; thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp sẽ được thực hiện tập trung vào các dự thảo nghị quyết, quyết định, đề án, dự án, chính sách, kế hoạch, quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được nhân dân quan tâm…

Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Trương Hoàng Trọng nhấn mạnh, UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân; tổ chức tốt công tác tiếp công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn thuộc UBMTTQVN các cấp; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội…

TRUNG HIẾU

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản