|
Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang thăm, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Long Xuyên. |
Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh An Giang công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang bước đầu đạt được những kết quả khả quan, đáng trân trọng.
Để chi trả gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp các ngành chức năng ở địa phương bước đầu thống kê số lượng đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 cần được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh An Giang theo Kế hoạch 229/KH-UBND là 317.706 đối tượng. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế đến nay, các đơn vị báo cáo còn 289.371 đối tượng.
Hiện nay các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã giải quyết xong 4 nhóm đối tượng đó là: Những hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, gia đình chính sách còn các nhóm đối tượng còn lại tỉnh cũng đã tiến hành thống kê, rà soát để nắm số lượng. Những đối tượng được kiểm tra chính xác rồi thì các địa phương tiến hành hỗ trợ. Còn những người có tên trong danh sách nhưng đang đi làm ăn xa ở các tỉnh như Bình Dương hoặc TP HCM, địa phương sẽ giữ lại để khi nào người dân quay trở về sẽ tiếp tục chi trả. Đối với những người đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương có thể đại diện gia đình hoặc người được ủy nhiệm lại sẽ được nhận thay. Tính đến thời điểm này về cơ bản tỉnh An Giang đã triển khai tốt các hoạt động chi trả gói hỗ trợ, không xảy ra khiếu nại, tố cáo.
Để địa phương có thêm nguồn lực để hỗ trợ công tác phòng dịch, ông Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, sau khi Trung ương phát động phong trào toàn dân phòng chống Covid-19, Tỉnh ủy An Giang chủ trương tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp để phát động toàn dân An Giang chống dịch Covid-19.
Tại đêm phát động các doanh nghiệp và các mạnh thường quân đã hỗ trợ được 13 tỷ đồng. Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hỗ trợ một ngày lương để chống Covid-19. Tính đến nay tỉnh An Giang đã vận động được trên 20 tỷ đồng tiền mặt. Còn lại là các nhu yếu phẩm như mì gói, bột ngọt, đường, dầu gạo...
Trước tình hình khó khăn mà người dân đang găp phải, nhất là đối với người dân nghèo, sau khi một số địa phương có sáng kiến hỗ trợ gạo cho người dân bằng máy ATM, tỉnh An Giang cũng hỗ trợ 30 máy ATM gạo ở các huyện. Riêng huyện Long Xuyên có 17 máy ATM. Ngoài ra còn ở huyện Cao Lãnh và một số địa phương khác. Hàng ngày những cây ATM phát gạo từ 8h đến 11h sáng. Chiều từ 1h đến 5h; với mỗi lần được phát từ 2 kg đến 5kg.
Trong quá trình đi vân động các Mạnh thường quân, các nhà hảo tâm chung tay cùng chính quyền địa phương vượt qua đại dịch, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh An Giang cũng tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà các tổ kiểm dịch ở các đường biên giới của Bộ đội Biên phòng. Với đặc thù là tỉnh có nhiều đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, với nhiều đường tiểu ngạch lớn nhỏ; tỉnh An Giang đã lập 136 tổ kiểm dịch dọc biên giới để không cho người qua lại hai bên.
Đến thời điểm này hàng hóa xuất - nhập cảnh bình thường nhưng người qua lại vẫn tiếp tục được quản lý nghiêm ngặt theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Hiện nay, các đoàn thể, các Mạnh thường quân vẫn hỗ trợ cho các tổ đóng chốt ở biên giới các vật dụng như đèn năng lượng, ghế nghỉ hoặc các bếp ăn, các nhu yếu phẩm để cho những người tuyến đầu trong phòng chống dịch tiếp tục làm việc.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh An Giang còn hai huyện biên giới là An Phú và huyện Tịnh Biên vẫn còn một số người phải cách ly tập trung 14 ngày theo đúng quy định của Bộ Y tế, nên công tác phòng, chống dịch vẫn được đề cao.
Trong thời gian tới, Mặt trận cùng các sở, ngành nhất là Sở LĐTBXH; Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ thành lập 3 đoàn giám sát để kiểm tra, giám sát và rà soát việc tổ chức chi trả. Đối với 4 đối tượng đã hoàn thành việc chi trả không xảy ra sai sót hay mất công bằng. Những đối tượng còn lại sẽ tiếp tục rà soát, triển khai.
“Trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ của Chính Phủ, các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, Nhà nước, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, sự tạo điều kiện thuận lợi cho MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, thông tin đến các đoàn viên, hội viên và nhân dân nhằm thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, đúng quy định của Nhà nước”, ông Nguyễn Tiếc Hùng nói.
Bước đầu qua thực hiện gói hỗ trợ cho thấy các đối tượng bị ảnh hưởng đều được tiếp cận gói hỗ trợ một cách kịp thời, đúng đối tượng. Trong quá trình giám sát MTTQ và các tổ chức thành viên còn quan tâm thăm hỏi, nắm bắt tình hình tư tưởng của người dân về gói hỗ trợ của Chính Phủ, tất cả người dân đều phấn khởi, vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong lúc bà con nhân dân gặp khó khăn, hoạn nạn.
Ông Nguyễn Tiếc Hùng cũng cho biết, đối với người dân ở các địa phương trong tỉnh, thời gian qua luôn chấp hành tốt quy định về giãn cách xã hội, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Bằng những hành động thiết thực, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh An Giang đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp, góp phần cùng với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: Phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí, hiến máu nhân đạo…
Những việc làm này không chỉ thể hiện trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong phòng, chống dịch bệnh, mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng. Những việc làm trên đã góp phần tăng thêm nguồn lực, tăng cường các biện pháp dự phòng, chữa bệnh tại các khu vực cách ly; đồng thời tỉnh An Giang cũng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của nhân dân.
Phương Tuyền