(Mặt trận) -Với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống người dân, tỉnh Bắc Ninh đã sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Việc kích hoạt gói an sinh xã hội này được xem là phao cứu sinh kịp thời giúp nhiều lao động thu nhập thấp có thêm điều kiện vượt qua đại dịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh Vũ Hùng trao tặng gạo cho hội viên Hội Người mù nghèo huyện Lương Tài bị ảnh hưởng bởi Covid -19.
Theo thống kê, đến thời điểm này, tỉnh Bắc Ninh đã rà soát và hỗ trợ 4 đối tượng gồm người có công; bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo và người thuộc hộ cận nghèo. Tổng số đối tượng được chi trả hỗ trợ là 82.898 người với tổng số tiền là 101 tỷ 517 triệu đồng. Đối với các nhóm đối tượng khác được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp triển khai rà soát xong. Tuy nhiên nhằm đảm bảo minh bạch, không xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, hiện nay tỉnh đang thực hiện các bước để thẩm định chính xác
Ông Vũ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh cho biết, thực tế việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ này, khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Song với tinh thần sớm đưa nguồn lực trợ giúp đến với các đối tượng được thụ hưởng, các ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nghiêm túc, khẩn trương, công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng.
Ông Vũ Hùng khẳng định, ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và ban hành kế hoạch để giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19; đồng thời đề nghị các tổ chức thành viên và MTTQ cấp huyện, cấp xã căn cứ vào kế hoạch của MTTQ tỉnh và chức năng nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực cụ thể hóa các nội dung và thời gian giám sát.
Với vai trò là chủ thể giám sát xã hội. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã triển khai các giải pháp tuyên tuyền cụ thể đơn giản dễ hiểu để người dân nắm bắt và biết được mình có nằm trong đối tượng hỗ trợ hay không; đồng thời để người dân tham gia vào quá trình giám sát công khai, dân chủ từng khâu, từng đối tượng thụ hưởng chính sách
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh Vũ Hùng, qua thực tế vẫn còn những khó khăn trong việc giám sát ở khu dân cư. Như đối với nhóm đối tượng là lao động tự do và hộ kinh doanh phải lập danh sách từ khu dân cư, tổ dân phố sau đó mới rà soát, thẩm định, phê duyệt. Quá trình này mất nhiều thời gian và tiềm ẩn nhiều vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Hay như một số đối tượng là lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng ở địa bàn khác nên khó xác định đối tượng; một số doanh nghiệp có lao động làm việc nhưng không có hợp đồng lao động gây khó khăn cho việc điều tra, rà soát.
“Ngoài ra Quyết định 15 của Thủ tướng không quy định cụ thể việc người lao động bị mất việc làm từ bao nhiêu ngày trở lên mới được hỗ trợ. Nội dung này rất khó để xác định thụ hưởng chính sách. Qua giám sát cũng nhận thấy hiện nay ở khu dân cư còn rất nhiều nhóm lao động khác nhau làm nghề tự do bị giảm sâu về thu nhập nhưng không nằm trong khung hỗ trợ” - ông Vũ Hùng chia sẻ.
Nhằm tháo gỡ những nút thắt này, theo ông Hùng, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ phối hợp với đoàn kiểm tra của Trung ương kiểm tra việc giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã theo Hướng dẫn số 27 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Kế hoạch số 15 của Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh về giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cũng thành lập 4 đoàn kiểm tra cấp tỉnh để kiểm tra việc giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã từ đó tổng hợp những đề xuất, kiến nghị phản ánh đến cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Anh Vũ