Tin mới

Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã và đang có những chuyển biến tích cực, được đánh giá là ngày càng tiến bộ, hiệu quả và đi vào thực chất. Tuy nhiên, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện còn những khó khăn và hạn chế nhất định, trong đó có các điều kiện bảo đảm cho hoạt động này của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được tháo gỡ để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội diễn ra vào ngày 25/5/2022

Quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được chính thức ghi tại Điều 9 Hiến pháp năm 1992. Đến năm 1999 được cụ thể trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay đã tiến hành hoạt động được 23 năm. Quyền phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đến nay đã có một số vấn đề về khó khăn, hạn chế, cần có giải pháp về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Những khó khăn và hạn chế trong thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Thứ nhất, là rào cản về tâm lý và hạn chế về nhận thức của các chủ thể giám sát và phản biện xã hội và chủ thể được giám sát và phản biện xã hội; đồng thời trong hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn chưa nắm vững tính chất, mục đích, nguyên tắc, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc ở cấp địa phương. Do vậy, trong quá trình tổ chức và hoạt động giám sát và phản biện còn gặp trở ngại, khó khăn và vướng mắc.

Thứ hai, cơ chế pháp lý về giám sát và phản biện xã hội chưa được ban hành đầy đủ, chưa cụ thể, nhiều quy định còn mang tính khung. Chưa có đầy đủ quy trình, quy tắc thống nhất về giám sát và phản biện. Chưa có quy định đầy đủ về trách nhiệm của các chủ thể được giám sát và phản biện và chế tài xử lý trong việc trả lời kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, nên hoạt động giám sát và phản biện xã hội được thực hiện chưa đúng bản chất vốn có của nó.

Thứ ba, nguồn lực cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc chưa đủ mạnh và chuyên nghiệp, nhất là ở cấp tỉnh, biên chế chỉ có trên dưới 20 người, cấp huyện có 5-7 người và cấp xã chỉ có 2 chuyên trách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch.

Trình độ chuyên môn về pháp luật và các lĩnh vực kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa đồng đều về chất lượng. Chưa có cơ chế, chính sách thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, lực lượng báo chí và Nhân dân tham gia vào hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc.

Thứ tư, chưa có cơ chế pháp lý và quy định của Mặt trận Tổ quốc Trung ương về sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có liên quan, về phát huy tiềm năng trí tuệ và chất xám của các Hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Thứ năm, một số bảo đảm để Mặt trận thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện là thiếu thông tin trước và trong quá trình giám sát và phản biện xã hội, thiếu các văn bản pháp luật liên quan đến nội dung giám sát và phản biện xã hội, nhất là những thông tin về nội dung giám sát và phản biện xã hội, về chủ thể được giám sát và phản biện.

Thiếu cơ chế tự chủ về tài chính trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Kinh phí hoạt động hàng năm của Mặt trận Tổ quốc các cấp theo cơ chế của cơ quan hành chính Nhà nước. Ở Trung ương do Bộ Tài chính duyệt. Ở địa phương do Hội đồng nhân dân phân bổ và Ủy ban nhân dân cùng cấp chi cho hoạt động theo quy định của Bộ Tài chính. Địa phương nào ngân sách nhà nước bao cấp thì rất khó khăn và hạn hẹp về chi tiêu cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội; trong khi công tác và hoạt động của Mặt trận được xem là rất phong phú, đa dạng.

Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Một số giải pháp nhằm bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Một là, về nhận thức và tư tưởng, tiếp tục nâng cao nhận thức tư tưởng trong hệ thống chính trị, trong xã hội về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội trong giai đoạn hiện nay với tính chất là thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng thông qua các phương tiện truyền thông của Nhà nước các cấp, báo chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thông qua việc phát hành các ấn phẩm hỏi - đáp về công tác giám sát và phản biện xã hội; thông qua việc lồng ghép trong các cuộc vận động, các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các hội nghị nhân dân và trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư...

Xây dựng giáo trình, bài giảng, tài liệu về giám sát và phản biện xã hội. Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng thực hành đối với cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là đối với cán bộ chuyên trách về hoạt động giám sát và phản biện ở địa phương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong đoàn viên, hội viên về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, nội dung thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật về giám sát, phản biện để thống nhất về nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp thực hiện đồng bộ công tác giám sát và phản biện xã hội từ Trung ương đến cơ sở.

Hai là, về thể chế, kiến nghị Nhà nước ban hành Luật giám sát và phản biện xã hội. Luật giám sát của Nhân dân. Trong đó quy định mở rộng chủ thể của Mặt trận Tổ quốc là các tổ chức thành viên và Nhân dân tham gia giám sát.

Ban hành Quy trình giám sát và phản biện xã hội, trong đó quy định rõ thủ tục, trình tự tiến hành giám sát và phản biện xã hội; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Quy định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức đối với việc phản hồi các kiến nghị sau giám sát và phản biện. Có chế tài xử phạt đối với những vi phạm các quy định về giám sát, phản biện xã hội.

Ba là, về vai trò của các chủ thể, đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp: 1) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động, chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức, chính quyền xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương tập trung giám sát, phản biện xã hội những chính sách pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các chương trình, dự án, đề án về kinh tế, xã hội của địa phương; 2) Hoàn thiện cơ chế và giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, tổ tư vấn, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cá nhân tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; huy động sự tham gia của Nhân dân, đoàn viên, hội viên và các phóng viên của cơ quan truyền thông và báo chí trong các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; 3) Trong quá trình hoạt động giám sát và phản biện phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân để thực hiện tốt các quy định của quy chế, cơ chế giám sát, phản biện; phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân phản hồi ý kiến, kiến nghị sau giám sát; định kỳ ba tháng, sáu tháng và hàng năm báo cáo cấp ủy Đảng về tình hình giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; 4) Trong quá trình hoạt động giám sát, phải huy động sự tham gia của Nhân dân, đoàn viên, hội viên, phóng viên của các cơ quan truyền thông Nhà nước, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát; 5) Kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, am hiểu nhiều lĩnh vực công tác; năng lực nghiên cứu, phân tích, đánh giá vấn đề; kỹ năng thực hành công tác giám sát và phản biện xã hội.

Đối với cấp Ủy, tổ chức Đảng, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với việc xây dựng chương trình giám sát và phản biện xã hội hàng năm với cơ chế cụ thể.

Đối với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, thực hiện chế độ Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cấp ủy Đảng các cấp nghe báo cáo kết quả hoạt động giám sát, phản biện để có sự chỉ đạo, cơ quan, tổ chức thực hiện trách nhiệm giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

 

Bốn là, về nguồn nhân lực cán bộ chuyên trách của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, kiến nghị Đảng có chủ trương tăng cường số lượng cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận các cấp ở địa phương để bảo đảm có đủ cán bộ chuyên môn làm công tác giám sát và phản biện xã hội.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách để nâng cao kiến thức chuyên môn, khả năng nghiên cứu phân tích, đánh giá vấn đề; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và kỹ năng thực hành công tác giám sát và phản biện xã hội.

Hoàn thiện cơ chế và giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, tổ tư vấn, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cá nhân tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; huy động sự tham gia của Nhân dân, đoàn viên, hội viên và các phóng viên của cơ quan truyền thông và báo chí trong các hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Năm là, về kinh phí và điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, kiến nghị Đảng, Nhà nước về nguồn kinh phí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp do Quốc hội quyết định trên cơ sở dự trù hàng năm của Mặt trận Tổ quốc các cấp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Quốc hội, sau đó phân bổ cho Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, trong đó có nguồn kinh phí cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội hàng năm.

Kiến nghị Nhà nước thực hiện tốt chế độ công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan Nhà nước chủ động thông báo cho Mặt trận Tổ quốc những dự thảo văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc; những đề án, dự án về kinh tế - xã hội ở địa phương để Mặt trận Tổ quốc xây dựng kế hoạch phản biện xã hội hàng năm và để Nhân dân giám sát. Đồng thời, kiến nghị Nhà nước cần có các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan công quyền trong việc cung cấp thông tin cho người dân và Mặt trận Tổ quốc để thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội (trừ thông tin bí mật).

Đỗ Duy Thường

Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản