Tin mới

Đảng chịu sự giám sát của nhân dân - Gốc vững, cây bền, muôn sự đều nên: Chủ động, sáng tạo từ cơ sở, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

(Mặt trận) - Kiên trì thực hiện phương châm “dân là gốc”, nhiều địa phương có những cách làm chủ động, thiết thực trong thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Nhân dân giám sát công việc của Đảng từ cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là nơi cần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Quyết tâm hoàn thành tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra

Vai trò của tự quản trong cộng đồng xã hội và một số giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của tự quản trong cộng đồng dân cư ở Việt Nam

Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thực hiện giám sát tại công trình xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

Đảng chịu sự giám sát của nhân dân thể hiện trước hết từ chủ trương, chính sách của Đảng xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân từ cơ sở là phần việc quan trọng để nâng cao nhận thức về dân chủ và năng lực thực hành dân chủ, là khâu quan trọng, then chốt trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Nội dung và hình thức thực hiện quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở ngày càng được quy định cụ thể và khi triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, trực tiếp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, khơi nguồn sức mạnh sáng tạo của người dân.

Triển khai sâu rộng, đi vào nền nếp

Ngày 18/12/1998, Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đánh giá tình hình thực tế thời điểm đó, Chỉ thị số 30-CT/TW thẳng thắn chỉ ra rằng: “quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn đang phổ biến và nghiêm trọng mà chúng ta chưa đẩy lùi, ngăn chặn được”.

Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, khởi nguồn từ đòi hỏi của thực tiễn nên đã nhanh chóng được triển khai sâu rộng, từng bước vững chắc và thật sự đi vào cuộc sống. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ cơ sở được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển và yêu cầu của đất nước.

Kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương, đơn vị khẳng định những điểm chung cần được ghi nhận. Đó là, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng sát dân, trọng dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Cấp ủy đảng các cấp đều đưa việc thực hiện QCDC ở cơ sở vào chương trình, kế hoạch công tác. Nhiều địa phương đưa nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở thành một tiêu chí đánh giá thi đua; gắn việc kiểm tra thực hiện QCDC của địa phương, đơn vị với kiểm tra công tác của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Giai đoạn 2016-2020, 63 cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh, thành phố đã ban hành gần mười nghìn văn bản chỉ đạo (nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, hướng dẫn…) thực hiện QCDC ở cơ sở; tổ chức hơn 12 nghìn buổi tuyên truyền, tập huấn.

Các địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An… ban hành tài liệu về thực hiện QCDC ở cơ sở bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các địa phương sáng tạo nhiều mô hình xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin, tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp. Bạc Liêu có mô hình “Tổ tự quản dòng tộc”.

Bến Tre có phong trào “Ngày chủ nhật nông thôn mới”. Long An có phong trào “3 sát - sát dân, sát việc và sát địa bàn”. Lâm Đồng có “Câu lạc bộ pháp luật” ở địa bàn dân cư. Hội Nông dân Việt Nam có mô hình “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”. Bình Thuận ban hành hướng dẫn chấm điểm thực hiện QCDC ở các loại hình. Bắc Giang xây dựng phần mềm “Hệ thống quản lý thông tin QCDC”…

Sự ra đời của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 10/11/2022, gồm 6 chương, 91 điều, đã xác lập nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ. Kết quả thực tế tại các địa phương cho thấy, việc thực hiện pháp luật về dân chủ trên tất cả các lĩnh vực diễn ra ở cơ sở giúp cho pháp luật thật sự đi vào cuộc sống, nhân dân tự mình làm chủ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đồng thời góp phần giám sát và phản ánh chất lượng, tính khoa học, khả thi, gần dân đối với các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Phường Ba Đồn (thị xã Ba Đồn) là trung tâm kinh tế, thương mại phía bắc tỉnh Quảng Bình, sầm uất, sôi động từ nhiều thập kỷ. Quốc lộ 12A xuyên qua trung tâm thị xã nhưng không có vỉa hè, đường trong các khu phố vừa nhỏ, lại ngoằn ngoèo. Khi ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng khu đô thị văn minh, kiểu mẫu mà trong đó có nội dung quan trọng là mở rộng đường phố, Đảng bộ phường Ba Đồn xác định thực hiện nghiêm QCDC, làm cơ sở cho việc vận động người dân hiến đất, tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng. Bí thư Đảng ủy phường Ba Đồn Đinh Thiếu Sơn nhớ lại: Đảng ủy tổ chức nhiều cuộc họp với chi ủy, tổ dân phố, tổ công tác mặt trận và người dân để tuyên truyền, vận động; công khai, minh bạch làm mẫu một số tuyến đường để bà con thấy rõ hiệu quả. Mọi đóng góp dù nhỏ nhất của người dân đều được ghi bằng bảng lớn, niêm yết công khai. Việc lớn, việc nhỏ đều đưa ra nhân dân bàn bạc, thống nhất. Sau hơn một năm triển khai “nghị quyết mở đường”, hàng trăm người dân trong phường đã tự nguyện hiến gần 3.000 m2 đất cùng 1,2 km hàng rào, cây cối, nhà cửa... trị giá khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Có thể kể hàng ngàn câu chuyện về hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở tương tự như ở phường Ba Đồn. Năm 2023, hội viên Hội Nông dân trong cả nước đã hiến 4,6 triệu mét vuông đất, đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu ngày công lao động, sửa chữa, đổ bê-tông hơn 598.000 km đường giao thông nông thôn…

Đa dạng lĩnh vực, mô hình

Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa là điều kiện, vừa là yêu cầu nhằm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Ghi nhận của nhóm phóng viên, ở những địa phương thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phần lớn các tranh chấp, vướng mắc giữa người dân với nhau và với chính quyền được hòa giải, giải quyết ổn thỏa từ cơ sở, tạo không khí chan hòa, cởi mở trong cộng đồng, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Các xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ bản đầy đủ những nội dung công khai cho nhân dân biết, bàn, quyết định và giám sát bằng nhiều hình thức: niêm yết tại trụ sở làm việc, tổ chức họp thôn, bản, tổ dân phố; thông báo qua hệ thống loa truyền thanh… Nhân dân được phát huy quyền làm chủ trong việc bàn, quyết định các công việc của thôn, bản, tổ dân phố như chủ trương và mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng… Nhiều địa phương thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp đồng bộ, đạt hiệu quả.

Hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở phát huy quyền làm chủ và sự sáng tạo của nhân dân, khẳng định hiệu quả nhất là trong giám sát công trình, dự án có sự tham gia đóng góp trực tiếp của người dân, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng nơi được thụ hưởng dự án. Các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An có cách làm hay, sáng tạo; chủ động xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; hằng tháng có giao ban, tổng hợp ý kiến đề xuất gửi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

Tại Bắc Kạn, từ năm 2013-2023, Ban thanh tra nhân dân giám sát 2.382 cuộc, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết 147 vụ, việc; Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát 6.050 cuộc tại 4.823 công trình, dự án đầu tư, phát hiện 286 công trình có dấu hiệu sai phạm. Tại Bình Phước, từ năm 2018 đến nay, Ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn có 1.968 cuộc giám sát, kiến nghị thu hồi số tiền sai phạm hơn 300 triệu đồng. Các Ban giám sát đầu tư cộng đồng có 2.439 cuộc giám sát đối với 2.282 công trình; phát hiện và kiến nghị xử lý đối với 612 công trình có sai phạm, thu hồi số tiền, hiện vật sai phạm trị giá 259 triệu đồng…

Giám sát trực tiếp của nhân dân thông qua việc thực hiện dân chủ cơ sở góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tạo sự chuyển biến về nhận thức, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của người dân, có trách nhiệm với nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở mở rộng dân chủ, công khai các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, mô hình “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, giúp doanh nghiệp và người dân giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều địa phương xây dựng bộ Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính và hằng năm đều công khai kết quả đo lường.

Nhân dân trực tiếp giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, hoặc kiến nghị thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội để giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo. Thực hiện dân chủ cơ sở thúc đẩy cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối thoại, tiếp dân, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh, giải quyết kịp thời những phản ánh, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Theo số liệu thống kê của Ban Dân vận Trung ương, năm 2023, ở cấp xã, phường, thị trấn của 39 tỉnh, thành phố, tổ chức gần 54.500 cuộc tiếp dân và hơn 13 nghìn cuộc đối thoại của bí thư cấp ủy; gần 109 nghìn cuộc tiếp dân và hơn 22 nghìn cuộc đối thoại của chủ tịch UBND. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 23.735 vụ việc, tỷ lệ hơn 88%, qua đó kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 59,4 tỷ đồng và 0,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 190,8 tỷ đồng và 9,1 ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 28 tổ chức, 1.096 cá nhân…

Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức bảo đảm quyền làm chủ của người dân, theo hướng dân chủ trực tiếp, ngày 18/2/2019, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Theo đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn, thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, Tỉnh ủy ban hành 2 quy chế, 2 quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Tỉnh ủy định kỳ đưa nội dung này vào chương trình trọng tâm công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của bí thư cấp ủy cấp dưới đối với công tác này.

Từ chủ trương của Đảng được thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước, quá trình triển khai thực thi QCDC ở cơ sở là bài học thực tiễn được đúc kết trong quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới. Qua thực tế tại các địa phương, nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng nêu ra một số hạn chế hiện nay khi thực hiện QCDC ở cơ sở.

Trong khi nhiều nguồn lực được huy động, nhiều chương trình, dự án lớn được triển khai đang đặt ra những vấn đề phát sinh liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân thì hệ thống pháp luật của Nhà nước đang trong quá trình hoàn thiện, một số chính sách chưa thống nhất dẫn đến việc áp dụng khác nhau giữa các địa phương, đơn vị, gây thắc mắc trong nhân dân. Có nơi, có việc, thực hiện QCDC ở cơ sở còn hình thức.

Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở năng lực, trình độ yếu, chưa giải quyết kịp thời, thấu đáo, chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân. Thực hiện dân chủ có nơi chưa gắn với kỷ cương, pháp luật... Thực tế đó đặt ra yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò tích cực, chủ động của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, thực hiện có hiệu quả, thực chất QCDC ở cơ sở cũng như hoạt động giám sát và phản biện xã hội - là những hình thức phát huy dân chủ trực tiếp, giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn nữa các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu...”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản