|
Quốc hội thảo luận trực tuyến Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Lo ngại mỗi nơi một chính sách
Thảo luận trực tuyến về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương nói trên vào sáng 27/10, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa ủng hộ với việc ban hành nghị quyết đặc thù. Bà cho biết 6 nhóm chính sách cho từng địa phương Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế cũng như 8 nhóm chính sách cho tỉnh Thanh Hóa thực chất là những chính sách bảo đảm được tính đặc thù và được xây dựng dựa trên những phân tích, nghiên cứu và đề xuất rất kỹ của các địa phương.
“Đây sẽ là cơ hội để cho các địa phương trên đột phá và phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng và tạo sức lan tỏa và sức kéo trong khu vực,” bà Hoa nói và cho rằng việc lựa chọn các địa phương đưa vào thí điểm lần này các tiêu chí đặc thù rất rõ.
Dẫn ví dụ, nữ đại biểu này cho rằng Nghệ An, Thanh Hóa là hai tỉnh có diện tích và dân số lớn. Do đó, khi tạo ra động lực cho hai tỉnh này phát triển thì sẽ tác động đến một lực lượng về dân số cũng như các điều kiện phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ...
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng Chính phủ cần tránh tình trạng địa phương lần lượt xin cơ chế đặc thù, ảnh hưởng tới phân bổ ngân sách. Vì thế, bà đề xuất Chính phủ tập trung thí điểm cho một địa phương nhằm tạo tiềm năng, động lực phát triển, tập trung chính sách đầu tư để sau 5 năm có thể điều chỉnh quy định pháp luật.
Tán thành với quy định tổng mức dư nợ vay của các tỉnh, thành phố theo dự thảo Nghị quyết, song để đảm bảo tính thuyết phục và minh bạch trong pháp luật, bà Thơ cho rằng cần bổ sung quy định về nguyên tắc vay, cơ chế chịu trách nhiệm của thành phố và các tỉnh như: Cam kết đảm bảo trả nợ vay, hiệu quả vốn vay, dự kiến nguồn trả, tính toán mức độ cần thiết phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) thì cho rằng không nên áp dụng dàn trải ở nhiều địa phương dẫn đến mỗi nơi một chính sách, mỗi thời điểm nhất định cần tập trung vào nơi có tiềm năng hiệu quả cao, sau khi địa phương phát triển thì mới đầu tư các địa phương khác, tránh đầu tư dàn trải.
Phải có bản lĩnh mới xin cơ chế đặc thù
Cho rằng việc thí điểm cơ chế đặc thù của các địa phương trên không phải là cơ chế xin cho, Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh địa phương phải có bản lĩnh mới dám xin thí điểm cơ chế đặc thù.
Ông Hạ kiến nghị cần có tiêu chí để mang tính đại diện thí điểm chính sách bởi nếu các tỉnh khác cũng xin cơ chế đặc thù thì tỉnh nào cho và không cho.
Đại biểu Phạm Trong Nhân (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đặt ra vấn đề nếu Dự thảo Nghị quyết này được thông qua sẽ có 7 tỉnh thành được áp dụng cơ chế đặc thù. Các địa phương được xem xét cơ chế đặc thù này đã đi liền với quy hoạch hay chưa? quy hoạch có trước hay cơ chế có trước, cái nào phụ thuộc cái nào? Cơ chế chính sách đặc thù này sẽ nằm ở đâu trong quy hoạch này?
“Khi ban hành đã tính đến sự liên kết quy hoạch giữa các tỉnh thành chưa? Có xác định vai trò của tỉnh thành này là trung tâm của vùng kinh tế và kết nối với các địa phương, tránh sự chồng lấn giữa các địa phương trong liên kết vùng,” Đại biểu Nhân góp ý.
Đại biểu Bùi Xuân Thống (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) lại bày tỏ lo ngại khi tạo cơ chế đặc thù có giảm nguồn thu ngân sách Trung ương, nếu có thì bù đắp từ nguồn nào? Nâng mức dư nợ cho vay có làm tăng trần nợ công hay không? Các địa phương chưa thực hiện hết dư nợ vay mà được tăng lên thì có hợp lý hay không? Khi xem xét ban hành cơ chế đặc thù này có khả thi và thống nhất giữa các địa phương hay không?
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn phát biểu |
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành các Nghị định chi tiết Nghị quyết của Quốc hội đảm bảo hiệu lực thi hành, làm tốt công tác kiểm tra giám sát ở các địa phương; hướng dẫn cơ chế đặc thù điều chỉnh quy hoạch của các tỉnh đảm bảo tính thống nhất liên tục kế thừa; nghiên cứu đột phá sáng tạo trong chính sách đầu tư tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính…
Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) băn khoăn với quy định cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hải phòng và Thanh Hóa được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật.
Để tránh việc chính quyền địa phương được điều chỉnh mức thu hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí quá mức gây khó khăn cho các đối tượng chịu tác động, theo đại biểu, cần bổ sung quy định về nguyên tắc, tỷ lệ phần trăm được điều chỉnh so với mức phí, lệ phí theo quy định của luật hiện hành…
Làm rõ hạn mức dư nợ vay
Tại phiên thảo luận, các nội dung liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; về phân cấp thẩm quyền quản lý đất đai và quy hoạch; về một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy, biên chế, ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính phù hợp với đặc thù của địa phương; ảnh hưởng, tác động của chính sách đối với người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.
Về chính sách dư nợ vay, dự thảo Nghị quyết quy định: Tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, thành phố do Quốc hội quyết định hằng năm.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phân tích, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20%. Tuy nhiên, thực tế các địa phương chưa sử dụng hết định mức hiện tại.
Ví dụ, tại tỉnh Thanh Hóa, năm 2021 mức dư nợ vay tối đa là 2636 tỷ đồng nhưng dư nợ vay cuối năm 2021 chỉ mới đạt được 27% dư nợ cho phép. Tính theo mức 60% được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết, mức dư nợ được phép vay là 7909 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với sử dụng hiện tại.
Tương tự, Nghệ An cũng chưa sử dụng hết mức trần theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tổng kết các địa phương đều cho thấy, mức dư nợ cho vay thực hiện đều thấp hơn mức Quốc hội cho phép.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần làm rõ cơ sở xây dựng, hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế, nguồn trả nợ vay, các khoản nợ vay theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công năm 2017 và Điều 11, 12 của Nghị định 93/NĐ-CP/2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương. Điều quan trọng là cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương.
Liên quan đến việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, dự thảo Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật.
Cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên các đại biểu đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc: Việc điều chỉnh, ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của tỉnh, thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự thảo Nghị quyết quy định: “Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế thu đầy đủ vào ngân sách Nhà nước... và ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn.”
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhu cầu vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế khá lớn nhưng ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được toàn bộ. Do vậy, để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương, đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích quốc gia, các đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, để bảo đảm tăng cường nguồn lực cho công tác trùng tu di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đề nghị bổ sung quy định “Khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa trung ương với địa phương và xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách cho ngân sách địa phương, tương tự như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ sổ xố kiến thiết”./.
PV