Tin mới

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ

(Mặt trận) - Sáng 4/1, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

5 nhóm nhiệm vụ, áp dụng 3 chính sách đặc thù

Tờ trình dự thảo Nghị quyết do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày và nêu rõ, mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng);  Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả, thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chương trình, nhất là trong bối cảnh yêu cầu cấp thiết, phạm vi cần tác động ngay, thời gian thực hiện ngắn, căn cứ tình hình thực tiễn, Chính phủ đã nghiên cứu, đánh giá và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, cụ thể:

Một là, tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua). Cho phép: (i) nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; (ii) tổng mức vay, trả nợ của NSTW có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt; (iii) kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm. Chấp thuận việc NSNN có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính-NSNN hàng năm hoặc các nguồn khác; Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Giao Chính phủ xây dựng phương án phân bổ dự toán NSNN và phương án bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã đủ thủ tục theo quy định. Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi Chính phủ phân bổ, giao bổ sung dự toán và bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán NSNN chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Hai là, tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi NSNN tương ứng (đã tính trong tổng số kiến nghị tăng bội chi 240 nghìn tỷ đồng tại mục 1 nêu trên).

Ba là, trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19 theo một trong 2 phương án:

Phương án 1: Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính. 

Phương án 2: Chỉ cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội dự Phiên khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bốn là, tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho vay ưu đãi trong 02 năm 2022-2023.

Năm là, cho phép bố trí NSNN để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2021-2023.

Sáu là, trong quá trình điều hành chính sách hỗ trợ đầu tư công, để bảo đảm thực hiện hiệu quả và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chương trình trong 2 năm 2022-2023, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án điều chỉnh, phân bổ vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Bảy là, về Danh mục các dự án đầu tư công, giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, quyết định điều chỉnh chủ trương theo thẩm quyền. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ và giao kế hoạch theo quy định của Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Tám là, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn trong phạm vi Chương trình, cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án; phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND một số địa phương thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn như đã trình bày ở trên (Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm các đoạn tuyến/dự án còn lại và tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước đoạn tuyến/dự án và phần vốn giao cho địa phương, nếu không sẽ tạo áp lực rất lớn cho Bộ Giao thông vận tải trong tổ chức thực hiện Chương trình).

Chín là, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ chi của Chương trình đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội để bảo đảm tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ nghiêm túc, khẩn trương tổ chức triển khai, ban hành nhanh các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ; phân công chi tiết nhiệm vụ cho các Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai; tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi, tránh lạm dụng chính sách, gắn với cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát thực hiện; huy động sự tham gia giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; kịp thời báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp có vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu một số tác động đến chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, an toàn tài chính quốc gia, vay và trả nợ công cần chú ý như: Bội chi NSNN bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50%GDP; nợ Chính phủ 45-46%GDP;  chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%; áp lực lạm phát.

Với yêu cầu huy động nguồn lực lớn cho Chương trình, dự báo tác động đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công nêu trên, Bộ trưởng nhấn mạnh “trong tổ chức thực hiện cần thận trọng, có phương án, giải pháp điều hành kịp thời, linh hoạt, phù hợp trong các tình huống xấu nhất để hạn chế tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình, phục hồi nền kinh tế trong thời gian ngắn nhất, tạo nền tảng để phát triển trong tương lai”.

Ảnh: Quang Khánh 

Nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai Chương trình

Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các quan điểm nêu tại Tờ trình, ngoài ra, đề nghị xác định rõ và bổ sung 3 quan điểm: Việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; Chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) để chi đầu tư phát triển; Nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai Chương trình (2022 – 2023).

Về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô hỗ trợ tổng thể của Chương trình. Đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ. Đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên.

Về tăng bội chi ngân sách nhà nước khi triển khai Chương trình, Ủy ban Kinh tế tán thành việc chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện Chương trình (2022-2023).

Về chính sách thuế: đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10% nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với chính sách cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến cho rằng vấn đề huy động xã hội hóa trong giai đoạn tới chưa được đánh giá kỹ lưỡng, việc tính toán chi phí thực tế được khấu trừ có nhiều rủi ro, do đó, đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số ý kiến tán thành với đề xuất nhưng đề nghị giới hạn đối với khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền.

Ngoài ra, đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn (chi phí tạo tài sản cố định trong 2 năm 2022 - 2023 và chi phí lao động năm 2022); tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.

Về chi trực tiếp từ NSNN cho đầu tư phát triển, Ủy ban Kinh tế thống nhất việc chi trực tiếp từ NSNN sử dụng để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công (các nội dung cụ thể nêu tại phần 4.2 của Báo cáo). Về nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021, đa số ý kiến nhất trí việc sử dụng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đề nghị cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, về chính sách hỗ trợ lãi suất, đa số ý kiến nhất trí, tuy nhiên cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng; chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua…; quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn; kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách.

Về tăng thêm hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình, tuy nhiên cần rà soát khả năng giải ngân, cân nhắc về mức tăng hạn mức cụ thể…

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế, đồng thời đề nghị xem xét thêm một số vấn đề sau: Chủ động sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất khoảng 0,5% đến 1%, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên. Việc tiếp tục tái cấp vốn và gia hạn vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động cần có giải pháp mang tính khả thi, tổ chức triển khai nhanh trong thực tế…

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản