|
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến lãnh đạo một số tổ chức thành viên và Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn về định hướng xây dựng báo cáo chính trị và sửa đổi điều lệ MTTQ Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029, tháng 6/2023. Ảnh Quang Vinh |
Quá trình hình thành và phát triển của Hội đồng tư vấn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Vấn đề thành lập các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra bàn thảo từ đầu những năm 1980. Ngày 24/8/1981, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Pháp chế - hình thức tổ chức Hội đồng tư vấn đầu tiên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ đó đến nay, qua các nhiệm kỳ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng bước quan tâm thành lập, củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương; hướng dẫn, thành lập và phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện ở các địa phương.
Tổ chức tư vấn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa I, nhiệm kỳ 1977 - 1983
Qua thực tiễn hoạt động, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thấy cần phải thành lập một tổ chức có tính chất tư vấn ở cấp Trung ương, để giúp Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực về lĩnh vực pháp chế. Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 13/3/1981 và Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 6 (khoá I), Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình về sự cần thiết phải thành lập Ban Pháp chế để làm nhiệm vụ tư vấn cho Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký trên lĩnh vực pháp chế; nhằm phát huy trí tuệ của các chuyên gia đóng góp cho hoạt động của Mặt trận trên lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn để tham gia ý kiến với Đảng, Nhà nước.
Được sự nhất trí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 24/8/1981, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-MTTW thành lập Ban Pháp chế. Đây là tổ chức tư vấn đầu tiên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do luật sư Phan Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam làm Trưởng ban và 5 uỷ viên. Tại thời điểm này các đơn vị chuyên môn chuyên trách của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gọi là Vụ, tổ chức tư vấn gọi là Ban. Vụ Pháp chế là cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ giúp việc cho hoạt động của Ban Pháp chế.
Tổ chức tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II, nhiệm kỳ 1983 - 1988
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, tuy Điều lệ đã quy định về việc thành lập tổ chức tư vấn, nhưng Ban Pháp chế được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá I thành lập vẫn tiếp tục hoạt động. Theo đề nghị của luật sư Phan Anh (Trưởng ban), ngày 2/12/1987 Đoàn Chủ tịch (khoá II) đã ra Quyết định số 14/QĐ-MTTW bổ sung thêm 6 thành viên mới để thay thế một số thành viên cũ đã nghỉ công tác.
Như vậy, hai nhiệm kỳ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá I và khoá II chỉ thành lập một tổ chức tư vấn đó là Ban Pháp chế hoạt động cho đến khi thành lập Ban Dân chủ - Pháp luật của khóa III.
Hoạt động chủ yếu của Ban Pháp chế là tham gia ý kiến vào các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến công tác Mặt trận hoặc liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân, do các cơ quan nhà nước soạn thảo chuyển đến để xin ý kiến của Mặt trận Trung ương trước khi trình Quốc hội thông qua.
Tổ chức tư vấn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 1988 - 1994
Trước yêu cầu đổi mới sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã xác định, đòi hỏi tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được đổi mới để đáp ứng giai đoạn mới của cách mạng.
Ngay sau Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá III, nhiệm kỳ 1988 - 1994 đã ra quyết định thành lập 3 tổ chức tư vấn là: Ban Dân chủ và Pháp luật; Ban Chính sách và Công tác văn hoá xã hội; Ban Chính sách kinh tế.
Tổ chức tư vấn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 1994 - 1999
Trên cơ sở tổng kết hoạt động của các tổ chức tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV đã quyết định tăng thêm về số lượng tổ chức và thay đổi tên gọi của các tổ chức tư vấn từ Ban thành Hội đồng để không trùng với tên gọi của các đơn vị chuyên trách cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 1989 đã đổi tên từ Vụ thành các Ban), mặt khác để phù hợp với tính chất của một tổ chức tư vấn; Ban lãnh đạo của các Hội đồng tư vấn được gọi là Ban Chủ nhiệm, với các chức danh Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm và các Ủy viên.
4 Hội đồng tư vấn đã được thành lập (Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Hội đồng tư vấn về Chính sách kinh tế, Hội đồng tư vấn về Chính sách Văn hoá - xã hội, Hội đồng tư vấn về Dân tộc) và tập hợp được 123 vị trong và ngoài Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia, bao gồm 14 vị trong Đoàn Chủ tịch, 85 vị Ủy viên Ủy ban Trung ương, 19 vị là chuyên gia trên các lĩnh vực và 5 cán bộ cấp vụ chuyên trách thuộc các đơn vị chuyên môn của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổ chức tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 1999 - 2004
Các Hội đồng tư vấn khoá V đã tập hợp được 202 vị trong và ngoài Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa V tham gia, bao gồm 20 vị trong Đoàn Chủ tịch, 113 vị uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 61 vị là chuyên gia trên các lĩnh vực, 3 vị uỷ viên chuyên trách và 5 cán bộ cấp Vụ chuyên trách thuộc các đơn vị chuyên môn của cơ quan Mặt trận Trung ương.
Tổ chức tư vấn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2004 - 2009
Để tiếp tục phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động thực tiễn đối với công tác Mặt trận, một trong những nội dung được quan tâm đó là: Đẩy mạnh việc xây dựng các tổ chức tư vấn để thu hút đông đảo các chuyên gia trong và ngoài Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia. Trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch, Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2, khóa VI, họp từ ngày 13 - 15/1/2005 đã ra Nghị quyết số 04 NQ-MTTW, Quyết nghị về việc thành lập 8 tổ chức tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VI; Ngày 18/2/2005 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra các quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của từng Hội đồng, cử Ban Chủ nhiệm và các thành viên của Hội đồng của các Hội đồng tư vấn.
Các Hội đồng tư vấn được thành lập là: Hội đồng tư vấn về lĩnh vực Văn hóa; Hội đồng tư vấn về các vấn đề xã hội; Hội đồng tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào; Hội đồng tư vấn về Kinh tế; Hội đồng tư vấn về Dân tộc; Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục; Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật; Hội đồng tư vấn về Tôn giáo.
Tổ chức tư vấn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2009 - 2014
Từ những kinh nghiệm hoạt động của 8 Hội đồng tư vấn trong nhiệm kỳ Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VI, xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ mới, sau Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Quyết định số 262/QĐ-MTTW-ĐCT ngày 31/3/2010, thành lập 7 Hội đồng tư vấn.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách thành viên của 7 Hội đồng tư vấn. Mỗi Hội đồng có từ 22 - 25 vị, bao gồm Chủ nhiệm, từ 3 đến 4 Phó Chủ nhiệm và 1 Ủy viên Thường trực kiêm Thư ký Hội đồng (là Trưởng hoặc Phó ban chuyên môn) và các Ủy viên Hội đồng. Thực hiện Quyết định số 262/QĐ-MTTW-ĐCT của Đoàn Chủ tịch, ngày 6/4/2010 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Quy chế hoạt động của các Hội đồng tư vấn (ban hành kèm theo quyết định số 263/QĐ-MTTW-BTT ngày 6/4/2010, được sửa đổi bổ sung và ban hành kèm theo Quyết định số 1879/QĐ-MTTW-BTT ngày 26/4/2013).
Các Hội đồng tư vấn được thành lập gồm: Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật; Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội; Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục; Hội đồng tư vấn về Kinh tế; Hội đồng tư vấn về Dân tộc; Hội đồng tư vấn về Tôn giáo; Hội đồng tư vấn về Đối ngoại - Kiều bào.
Tổ chức tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019
Ngày 17/3/2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-MTTW-BTT, thành lập 7 Hội đồng tư vấn của nhiệm kỳ 2014 - 2019, với tổng số thành viên là 126 vị; số lượng thành viên của các Hội đồng từ 16 - 19 vị (các Hội đồng tư vấn có 19 thành viên gồm 2 Hội đồng là Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Dân tộc; Hội đồng tư vấn có 18 thành viên gồm 4 Hội đồng: Dân chủ và Pháp luật, Văn hóa và Xã hội, Tôn giáo, Đối ngoại và Kiều bào; Hội đồng tư vấn có số lượng thành viên ít nhất là Hội đồng Kinh tế: 16 vị). Thành phần tham gia các Hội đồng tư vấn là các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực (trong đó 13 vị là Giáo sư; 28 vị là Phó Giáo sư; 19 vị là Tiến sĩ; 4 vị là chức sắc tôn giáo...); mỗi Hội đồng có Ban Chủ nhiệm gồm 4 vị, trong đó, có 1 Chủ nhiệm, 3 Phó chủ nhiệm và có thêm 1 vị Ủy viên Thường trực kiêm thư ký hội đồng (là trưởng, phó các ban chuyên môn của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Tổ chức tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024
Theo Quyết định số 206/QĐ-MTTW-ĐCT ngày 6/2/2020 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành lập 7 Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX (2019-2024) gồm: Hội đồng tư vấn về Dân chủ và pháp luật; Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội; Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường; Hội đồng tư vấn về Kinh tế; Hội đồng tư vấn về Dân tộc; Hội đồng tư vấn về Tôn giáo; Hội đồng tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào, với tổng số thành viên là 144 vị.
Thành phần tham gia các Hội đồng tư vấn là các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực (trong đó có 23 Giáo sư, 26 Phó Giáo sư, 30 Tiến sĩ, 6 Luật sư và một số vị chức sắc tôn giáo...); Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn được thành lập gồm: 5 vị (trong đó, có 1 Chủ nhiệm là Ủy viên Đoàn Chủ tịch; từ 2 - 4 Phó Chủ nhiệm) và 1 vị Ủy viên Thường trực Hội đồng (là Trưởng hoặc Phó các Ban chuyên môn của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Ngày 14/4/2020 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-MTTW-BTT kèm theo Quy chế hoạt động các Hội đồng tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
|
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội phát biểu tại Hội nghị của Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội năm 2024 |
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự cần thiết cần tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn và lực lượng cộng tác viên
Một là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ngày càng được củng cố, mở rộng và tăng cường tính đại diện, tính tiêu biểu và tính thiết thực, trở thành hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở mỗi cấp. Đóng góp to lớn cho kết quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay phải kể đến đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tham mưu đề xuất, chỉ đạo hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác Mặt trận.
Hai là, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước muốn đi vào cuộc sống, cần phải hội tụ đủ các yếu tố, đó là: đúng ý Đảng, hợp lòng dân, sát yêu cầu thực tiễn. Để có được như vậy, một trong những đòi hỏi là phải phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc đã được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là từ Đại hội X trở lại đây. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nêu rõ: "Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội…". Đến Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: "Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội".
Tại Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: "Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Hiện nay, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 “Chỉ thị của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”. Đây là sự kiện quan trọng, tái khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay; là “kim chỉ nam” để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai các nhiệm vụ giám sát, phản biện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua còn không ít khó khăn, hạn chế. Để phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tiếp tục tạo cơ chế, quy định cụ thể và các điều kiện đảm bảo cần thiết. Đồng thời, bản thân Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với việc phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp, phải có nhiều phương thức thích hợp để tập hợp, phát huy trí tuệ, ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Một trong những phương thức có hiệu quả chính là phát huy vai trò, trí tuệ của các Hội đồng tư vấn, ban tư vấn.
Cần huy động đội ngũ các chuyên gia đầu ngành trong tổ chức của Mặt trận Tổ quốc trên nhiều lĩnh vực tham gia vào quá trình giám sát và phản biện xã hội bằng các hình thức như tư vấn, phản biện về quy trình và kết quả giám sát, hậu kiểm kết quả xử lý các kiến nghị giám sát… nhằm tạo được bước đột phá trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận.
Ba là, cùng với vai trò giám sát và phản biện xã hội nêu trên, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ngày càng được coi trọng và phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó đòi hỏi, Mặt trận các cấp phải tập hợp và phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, trong đó có sức mạnh về trí tuệ.
Bốn là, một trong những lý do để phát huy vai trò các tổ chức tư vấn, chính là xuất phát từ tính khách quan, độc lập (tương đối) của các Hội đồng tư vấn, ban tư vấn. Trên thực tế, các quy định, các chính sách thường có độ trễ hơn so với thực tiễn cuộc sống. Trong hoạt động của mình, mỗi khi đóng góp ý kiến, tư vấn về nội dung nào đó, do xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội, nên các thành viên Hội đồng tư vấn, ban tư vấn thường có cách nhìn nhận, phản ánh, phát biểu một cách thực tế hơn, khách quan hơn; góp phần giúp cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có được các thông tin mang tính khái quát hơn, khách quan hơn để tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, cũng như đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước được chính xác, thiết thực hơn.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về vai trò của các tổ chức tư vấn các cấp (Hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn) đối với việc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ hai, từ thực tiễn tổ chức và hoạt động các tổ chức tư vấn (Hội đồng tư vấn, ban tư vấn) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nói chung trong thời gian qua, sơ, tổng kết đánh giá những mặt được, những mặt hạn chế, tồn tại để từ đó tiếp tục kiện toàn về tổ chức theo hướng tinh gọn, thiết thực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tư vấn.
Thứ ba, trên cơ sở vai trò, vị trí chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, trên cơ sở các trọng tâm công tác Mặt trận trong từng giai đoạn thời gian, thời điểm cụ thể, cần tăng cường sự định hướng hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của các tổ chức tư vấn.
Thứ tư, quan tâm đảm bảo tốt hơn nữa các điều kiện cần thiết cho các tổ chức tư vấn hoạt động.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hết sức to lớn, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày một nhiều và quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi cùng với việc phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp, phải khơi dậy và phát huy công sức, nhất là trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Một trong những phương thức có hiệu quả để phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân đóng góp cho hoạt động của Mặt trận đó chính là thông qua công tác tư vấn của các tổ chức tư vấn ở Trung ương và địa phương (Hội đồng tư vấn, ban tư vấn…). Nói cách khác, phát huy vai trò các tổ chức tư vấn là một trong những phương thức có hiệu quả để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.
NGUYỄN BẮC BÌNH - Thạc sĩ, Ban Tổ chức - Cán bộ,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam