(Mặt trận) -Ngày 15/6, Đoàn kiểm tra của UBTƯ MTTQ Việt Nam do bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn kiểm tra việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng tham dự có bà Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
Theo ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, để giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Ủy ban MTTQ thành phố đã hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 6 đoàn kiểm tra đối với Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã trong việc giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại 18 đơn vị quận, huyện, thị xã. Hiện nay các đơn vị mới đang triển khai xét duyệt hồ sơ đề nghị.
MTTQ cấp huyện cũng chủ động xây dựng thành lập 83 đoàn giám sát. MTTQ cấp xã cũng đã thành lập được 1.075 đoàn giám sát; giám sát việc công khai tiêu chuẩn, các ngành nghề được hỗ trợ theo các nhóm đối tượng.
Ngoài việc công khai danh sách tại trụ sở UBND, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số địa phương còn niêm yết danh sách hỗ trợ tại các khu dân cư, đầu ngõ, xóm, chợ thôn để nhân dân tham gia giám sát. Đây là cách làm sáng tạo đảm bảo công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng.
Chia sẻ về khó khăn, vướng mắc trong giám sát, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, vừa rồi đi kiểm tra công tác giám sát gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại huyện Ba Vì đã có 3 trưởng thôn xin từ chức vì áp lực quá lớn.
Ví như, đối tượng khó khăn nhất là lao động tự do. Hiện Hà Nội có tất cả hơn 34.000 hồ sơ không đủ yêu cầu theo những tiêu chí mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra. Cụ thể, đối tượng lao động tự do trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp gồm những đối tượng nào?. Rất khó thực hiện trong thực tế, ông Dân nói. “Việc cần làm lúc này là xác định đúng đối tượng để không bỏ sót, không trục lợi chính sách. Do đó, đề nghị Trung ương cố gắng có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn”.
Ở góc độ khác, ông Phùng Đình Thảo, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố chia sẻ, vai trò giám sát của các cấp Mặt trận từ xã tới huyện đã được thực hiện rất tốt. Có hơn một tuần lễ mà hệ thống văn bản của thành phố được thể hiện rõ ràng, đầy đủ. Theo ông Thảo, 3 đối tượng hỗ trợ trước đó đã hoàn thành. Tuy nhiên, 4 đối tượng bổ sung còn lại còn nhiều vấn đề do hướng dẫn không cụ thể. Nhiều lãnh đạo quận, huyện không dám ký hồ sơ vì không chuẩn.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền, các tổ chức thành viên trong việc phòng chống dịch Covid-19 nói chung và giám sát thực hiện chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng được phối hợp chặt chẽ. Mặc dù chủ trương gấp gáp nhưng đã được hệ thống Mặt trận vận hành chủ động, đồng bộ. Đây là nét nổi bật cho thấy kinh nghiệm trong phối hợp thực hiện của Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng đã bám sát các quy định, khơi dậy trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân để hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội; người lao động gặp khó khăn; giáo viên mầm non ngoài công lập... Việc hỗ trợ được hệ thống Mặt trận thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tạo được niềm tin của người dân vào công tác phòng dịch.
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, Hà Nội là trung tâm của cả nước. Hà Nội cũng là tâm điểm của đại dịch Covid-19 nhưng Hà Nội đã tổ chức triển khai nghiêm túc với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.
Qua việc giám sát cho thấy sự chuyển động của toàn bộ hệ thống cũng như sự chấp hành nghiêm chỉnh của các cấp lãnh đạo thành phố đã tạo ra bầu không khí, quyết tâm phòng chống dịch và lan tỏa ra cả nước.
Đánh giá kết quả giám sát, theo bà Bùi Thị Hòa, Hà Nội cũng đã chủ động ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện phòng dịch cũng như giám sát gói hỗ trợ.
Hà Nội đã triển khai giám sát, thành lập các đoàn, phân công từng phần việc cụ thể một cách nghiêm túc. Hiện, Hà Nội đã chi trả được gần 100% cho 4 nhóm đối tượng. Ba nhóm đối tượng còn lại đang tiếp tục rà soát thực hiện tiếp. Qua quá trình thực hiện không xuất hiện đơn thư khiếu nại, tố cáo. Việc này, thể thiện trách nhiệm của chính quyền chăm lo cho người dân.
“Lần đầu tiên có sự giám sát đồng bộ, sự phân cấp rõ ràng, khoa học thể hiện vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Qua giám sát chúng ta đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Thiết lập và xây dựng được cơ chế phối hợp đúng vai, đúng trách nhiệm”, bà Bùi Thị Hòa nói.
N. Phương