Tin mới

Giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(Mặt trận) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) 

Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp thứ 3, xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét các báo cáo công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát để triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện, tăng cường các điều kiện đảm bảo để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết về nội dung giám sát theo yêu cầu; thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt các kiến nghị và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện.

Tại Nghị quyết số 18/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và phân công: Ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn; ông Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn thường trực; bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn; ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Ủy  ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn.

Các Ủy viên, đại biểu và chuyên gia mời tham gia Đoàn giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Phạm vi giám sát: việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước.

Đối tượng giám sát: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nội dung giám sát: đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Theo Nghị quyết, Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại phiên họp tháng 8/2022, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng ký ban hành Nghị quyết số 19/2021/QH15 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.”

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn; ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn thường trực; ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn.

Các Ủy viên, đại biểu và chuyên gia mời tham gia Đoàn giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Phạm vi giám sát: việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu thực thi hành trên phạm vi cả nước.

Đối tượng giám sát: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nội dung giám sát: đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức triển khai thực hiện.

Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại phiên họp tháng 4/2022, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì tham mưu Đoàn giám sát về những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội chủ trì tham mưu, phục vụ Đoàn giám sát về chương trình, kế hoạch, công tác bảo đảm các hoạt động của Đoàn giám sát.

Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề và gửi báo cáo kết quả theo yêu cầu của Đoàn giám sát./

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản