(Mặt trận) - Sáng ngày 30/6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Hoàng Lâm, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thị Xuân Trang, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến nay đơn vị đã nhận được 9 bài tham luận phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho dự thảo quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo quy hoạch gồm 574 trang, với kết cấu 4 phần, mỗi phần được cụ thể hóa bằng các mục, tiểu mục khá hợp lý. Trong đó phần hiện trạng đã đề cập rõ ràng, cụ thể các số liệu, đồng thời có sự so sánh giữa các thời kỳ với nhau.
Đối với phần mục tiêu, phương hướng, trên cơ sở phân tích, đánh giá của các chuyên gia, dự thảo quy hoạch tỉnh xác định rõ 4 điểm nghẽn lớn của Bình Phước, gồm điểm nghẽn về hạ tầng giao thông; hạ tầng xã hội; chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng các chính sách. Từ đó, đơn vị tư vấn đã mạnh dạn đưa ra 3 đột phá chiến lược để khơi dậy khát vọng xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn, địa phương phát triển, chuyển từ nhóm “dự trữ” sang nhóm “động lực” trong khu vực Đông Nam Bộ…
Đánh giá cao sự làm việc nghiêm túc của đơn vị tư vấn lập quy hoạch trên cả 3 mặt gồm: khối lượng tư liệu được thu thập, khảo sát; kỹ năng phân tích, khảo sát và kế hoạch phác thảo tương lai. Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những ý kiến đóng góp tích cực cho dự thảo quy hoạch của tỉnh. Đồng thời mạnh dạn đưa ra một số kế sách để tiếp tục xây dựng Bình Phước ngày càng phát triển.
Đồng tình với dự thảo trong việc tập trung thu hút vốn đầu tư FDI vì dư địa phát triển của Bình Phước còn lớn, tốc độ tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D) kinh tế bền vững Huỳnh Thị Mỹ Nương, nền kinh tế của một địa phương quá phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất, nhập khẩu sẽ dẫn đến tình trạng phát triển thiếu bền vững.
Thạc sĩ Lương Thị Hồng Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước lưu ý, trong định hướng phát triển giáo dục cần xác định đào tạo nhân tài gắn với định hướng sử dụng nhân tài của tỉnh. Trong định hướng phát triển lĩnh vực văn hóa, nên xem xét quy hoạch một bảo tàng cao su tại tỉnh Bình Phước. Điều này vừa để lưu giữ, giáo dục truyền thống của ngành cao su, vừa tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh…
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững, đại diện nhóm chuyên gia phản biện đánh giá cao “cách tổ chức, tinh thần của sự kiện này, từ lãnh đạo tỉnh tới một số ban ngành, đặc biệt là Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc tổ chức hội nghị”. Đồng thời, yêu cầu nhóm tác giả nghiên cứu và bổ sung thêm 13 văn bản pháp lý mới có liên quan đến công trình và nhiều ý kiến tâm huyết khác. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất nhiều chương trình phát triển ấn tượng ở các tỉnh bạn mà Bình Phước có thể nghiên cứu, tham khảo để vận dụng phát triển tỉnh nhà trong những năm tới.
Đại diện nhóm soạn thảo văn bản có Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên và Nghiên cứu viên cao cấp của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Dự hội nghị trực tuyến tại Mỹ) tiếp thu, giải trình các ý kiến của chuyên gia phản biện tại hội nghị. Đồng thời, mong muốn Dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ được trình Trung ương sớm nhất có thể để có thể đi vào triển khai trong thực tế.
|
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thị Xuân Trang phát biểu tại hội nghị |
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thị Xuân Trang cảm ơn những ý kiến đóng góp tại hội nghị. Qua đó, đề nghị Nhóm tác giả tiếp thu đầy đủ các ý kiến, trên cơ sở đó xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế của tỉnh. Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” cần cập nhật kịp thời những văn bản mới liên quan đến công tác quy hoạch của trung ương và của tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
PV