|
Giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư là nhiệm vụ quan trọng. |
Nhiều trường hợp bị kiến nghị xử lý
Ông Phạm Chánh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu phố 3, phường 10, quận 6 (TPHCM) cho biết, trên địa bàn có trên 100 đảng viên, sinh hoạt, đa số người dân còn lại là người dân lao động, thuộc đủ thành phần ngành nghề. Khu phố xác định, nhiệm vụ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên, nếu làm tốt sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, khu phố ông Chánh thường xuyên duy trì cơ chế họp Khu phố và họp Tổ dân phố mỗi tháng 1 lần để nắm bắt tình hình ở khu dân cư cũng như tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân. Đồng thời cung cấp số điện thoại của cấp ủy, Ban Điều hành, Mặt trận, đoàn thể khu phố đến tận các hộ dân để liên lạc khi cần.
Nhờ cách làm trên mà kết quả trong năm qua, lực lượng giám sát đã kiến nghị nhắc nhở 2 cán bộ công chức tiếp dân giải quyết chứng thư hành chính hẹn dân không đúng thời gian, để dân đi lại nhiều lần. Bên cạnh đó 2 cán bộ này còn giải thích và hướng dẫn cho người dân chưa rõ ràng; nhắc nhở một công chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phường chậm trả hồ sơ gia đình chính sách có công. Những lỗi trên đã được UBND phường tổ chức góp ý và phê bình trong Hội nghị cán bộ công chức. Song song đó, khu phố cũng tổ chức giám sát, kiến nghị cấp ủy nhắc nhở 5 cán bộ đảng viên có người thân kinh doanh không làm thủ tục đăng ký kinh doanh, nuôi súc vật thả rong phóng uế, gây ô nhiễm môi trường. Qua góp ý, các đảng viên đã rút kinh nghiệm, khắc phục và chấp hành tốt.
Địa bàn khu phố 4, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú (TPHCM) có 19 tổ dân phố, với gần 1.500 hộ dân, trong đó gần một nửa hộ tạm trú, đa phần là người dân khắp nơi về thuê trọ làm ăn sinh sống. Chính vì vậy, sự gắn bó của người dân đối với sinh hoạt cộng đồng không cao, lại thường xuyên xảy ra va chạm, dẫn đến khiếu kiện trong tranh chấp làm ăn và sinh hoạt hàng ngày.
Ông Đinh Xuân Đàm - Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 4 cho biết, để công tác giám sát có hiệu quả, đầu tiên khu phố tổ chức tuyên truyền cho nhân dân, trong đó chú trọng tuyên truyền miệng trực tiếp tới từng người dân.
Theo ông Đàm, phải cụ thể hóa nội dung tuyên truyền cho nhân dân sao cho ngắn gọn, dễ hiểu như nội dung giám sát những gì, giám sát những ai trên địa bàn tổ dân phố và phản ánh kết quả giám sát những ai trên địa bàn tổ dân phố ... “Đặc biệt cần xây dựng tính dân chủ khi bàn bạc, tính thống nhất cao trong giải quyết công việc. Trong thực hiện phải công tâm khách quan về việc nhận xét cho cán bộ, công chức, đảng viên căn cứ vào ưu khuyết điểm thực tế. Đối với những trường hợp có biểu hiện vi phạm khu phố đã kịp thời phản ánh kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết xử lý” - ông Đàm thông tin.
Báo cáo của các địa phương trên địa bàn TPHCM cho thấy, MTTQ cấp phường, xã thuộc các quận 2, 4, 6, 8, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức và huyện Củ Chi kiến nghị đảng ủy, chính quyền xem xét xử lý 26 trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức lối sống, sinh hoạt đảng, có biểu hiện bạo hành trong gia đình, có cử chỉ thiếu tôn trọng dân, có những vi phạm về quản lý và thu chi các nguồn vốn vay và chiếm dụng tiền bán bảo hiểm y tế, tiếp nhận hồ sơ hộ nghèo sai đối tượng và chậm giải quyết cho dân.
Giám sát nhưng không soi mói
Ông Lý Ngọc Thạch - Trưởng ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban MTTQ TPHCM đánh giá, qua giám sát, đa số cán bộ, công chức, đảng viên đang sinh hoạt, công tác tại phường, xã, thị trấn và ấp, khu phố có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, quan tâm gắn bó với nhân dân, tự giác phấn đấu rèn luyện giữ gìn phẩm chất của người cán bộ, công chức, đảng viên.
Ông Trịnh Xuân Lịch - Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 4, phường Hiệp Thành, quận 12 (TPHCM) cho rằng, thực tế vẫn còn cán bộ, công chức, đảng viên tại địa phương tính gương mẫu còn thấp, chưa gắn bó với dân, chia sẻ, giúp đỡ nhân dân, vì vậy việc giám sát ở đây rất được chú trọng. Trong đó, giám sát cần được thực hiện trên mọi lĩnh vực nhưng không mang tính soi mói, ảnh hưởng đến đời tư và công việc của cán bộ, công chức. Giám sát phải mang tính khách quan, tích cực phát hiện và chỉ ra những hạn chế của cán bộ, công chức, đảng viên để họ kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Ông Đinh Xuân Được - Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường 15, quận Bình Thạnh (TPHCM) kiến nghị, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên tại khu dân cư, khi phát hiện vi phạm, Mặt trận nên có công văn gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên đó, không chỉ góp ý. Làm như vậy mới tạo được tính chấp hành pháp luật của đối tượng giám sát, tránh trường hợp Mặt trận giám sát mà cho ý kiến nhận xét lại của Bí thư chi bộ khu phố, như vậy sẽ không đảm bảo tính khách quan. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, đồng loạt các đơn vị lập giấy giới thiệu đến cán bộ, công chức không là đảng viên về địa phương để khu phố giám sát, tránh trường hợp vào dịp nhận xét mới gửi công văn giới thiệu.
Theo bà Vũ Hoàng Oanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 15, quận Gò Vấp, để phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận khu phố, Mặt trận các cấp cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở ngang tầm, chủ động bồi dưỡng cán bộ Mặt trận thông qua hoạt động thực tiễn để đúc kết kinh nghiệm trong thực hiện công tác giám sát. Đồng thời quan tâm đề nghị cấp ủy đảng lãnh đạo cấp ủy khu phố tăng cường hướng dẫn các đoàn thể khu phố phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ do phường định hướng và hướng dẫn hoạt động.
QUỐC ĐỊNH