Tin mới

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội về thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng

(Mặt trận) -  Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện nghiêm, thực hiện tốt các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng góp phần hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, trong việc xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo, trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong công tác tổ chức, cán bộ, trong công tác kiểm tra, giám sát.

Thực trạng và giải pháp hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 15/9/2022

Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội về việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, tác động chi phối đến việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác của Đảng. Việc nhận thức và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng có ý nghĩa quan trọng, phát huy dân chủ, thống nhất ý chí và hành động, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Ngược lại, nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn, buông lỏng, hạ thấp vai trò, thậm chí cắt xén, bóp méo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến nguy cơ tan rã Đảng, mất vai trò lãnh đạo. Để việc thực thi tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng cần nhiều điều kiện, cơ chế bảo đảm, trong đó có hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong những năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị Khóa XI ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (kèm theo Quyết định số 217/QĐ/TW ngày 12/12/2013) đến nay đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Gần đây, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung, phương thức thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Trong quá trình giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phát hiện ra những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của cơ quan lãnh đạo của Đảng, của người đứng đầu cấp ủy Đảng.

Nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội về việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát xã hội đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát xã hội đối với tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành nghị quyết của Đảng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện góp ý hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu của các cấp Đảng bộ, trong đó có nội dung thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của cấp ủy các cấp. Nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ quy định: cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thông qua giám sát, phản biện xã hội lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, tiếp thu ý kiến phản ảnh của các thành viên, đoàn viên, hội viên, ý kiến của các chuyên gia và tổ chức khảo sát thực tế để có cơ sở phản biện, góp ý, kiến nghị với cơ quan Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền cùng cấp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thông qua giám sát, phản biện xã hội góp phần hoàn thiện các văn bản, quy định cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tiêu biểu như: Quy định giám sát trong Ðảng; Quy chế chất vấn trong Ðảng; Quy định về trách nhiệm nêu gương…

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát xã hội đối với các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát xã hội trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Trong cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm trình bày báo cáo tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến, phản ánh, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện các nhiệm vụ chính trị; đồng thời tiếp nhận, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Giải pháp phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội về việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng

Một là, các cấp uỷ, tổ chức đảng tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Hằng năm, Ban Thường vụ cấp uỷ cho ý kiến về chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Trong chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nội dung về giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ. Người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội, xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, một giải pháp căn bản để thực hiện hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Các cấp uỷ, tổ chức đảng cung cấp đầy đủ thông tin để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, phản biện về việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

Hai là, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân (giám sát trực tiếp và giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội). Trước mắt, những vấn đề cần thể chế: Dân giám sát, dân thụ hưởng; giám sát cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đại biểu dân cử, cách thức lắng nghe ý kiến và phương thức tiếp thu ý kiến Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Rà soát, đánh giá toàn diện, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội; kịp thời đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế nhằm đáp ứng yêu cầu, thực tiễn công tác giám sát, phản biện xã hội; ưu tiên sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức nghiên cứu xây dựng Luật Giám sát của Nhân dân, các đạo Luật riêng quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, quyền giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, chú trọng việc nghiên cứu ban hành các quy định về quy trình giám sát, phản biện xã hội; quyền và trách nhiệm cụ thể của các chủ thể trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội (như: trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện...) và về các điều kiện, bảo đảm cho việc thực hiện, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Quy định đầy đủ, chặt chẽ và cụ thể trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là đối với cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện nghiêm việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội nói chung, giám sát, phản biện đối với việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ nói riêng.

Ba là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức giám sát, phản biện xã hội và biện pháp tổ chức thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đổi mới hình thức giám sát, phản biện xã của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo định hướng bảo đảm phù hợp và phát huy hiệu quả nhất mọi năng lực giám sát, phản biện xã hội, thu hút được sự tham gia rộng khắp của mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội; huy động sự tham gia của của các cơ quan thông tin đại chúng tham gia vào các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Bảo đảm sự đồng bộ, phối hợp, hỗ trợ giữa giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc với các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm soát, góp ý, phản biện của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Thông qua nhiều hình thức giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với cơ quan lãnh đạo Đảng, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

Nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ là nhiệm vụ khó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có đủ năng lực thực hiện một cách linh hoạt các hình thức, phương pháp giám sát, phản biện xã hội. Do đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường hoạt động theo dõi, đôn đốc việc phản hồi của các cơ quan, tổ chức được giám sát, cơ quan tổ chức có văn bản được phản biện xã hội.

Bảo đảm kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về kinh phí giám sát, phản biện xã hội theo hướng mở rộng nội dung và nâng các mức chi phù hợp nhằm khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Năm là, thực hiện sơ kết, tổng kết về việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tăng cường các hoạt động sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện các quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và của đối tượng được giám sát, các cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội. Khen thưởng, động viên kịp thời, đúng đối tượng các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Kịp thời có biện pháp đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Thông qua sơ kết, tổng kết về việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để lựa chọn hình thức, phương pháp giám sát, phản biện thích hợp, hiệu quả đối với việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng

Lê Mậu Nhiệm

- Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQVN

Lê Minh Hà - Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản