Tin mới

Kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch

(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình Phiên họp sáng ngày 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2023.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái giám sát sâu từng lĩnh vực của đời sống

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thương tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển 

Bù đắp được số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế phục hồi tích cực sau dịch, kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2022 khả quan hơn so với báo cáo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Trong đó, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công.

Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; giảm bội chi NSNN so với dự toán và báo cáo Quốc hội, trong khi vẫn đảm bảo được nguồn lực cho chương trình phục hồi và bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho 05 dự án đường bộ cao tốc được chuyển từ vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN của VEC và VIDIFI theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nợ công giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo quy định tại Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công.

Bên cạnh những mặt đạt được, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, công tác triển khai dự toán chi NSNN một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm, phân bổ, kéo dài; triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân còn thấp; việc ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán, quyết toán một số khoản kinh phí, xử lý tài sản, viện trợ, tài trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn chậm…

Nguyên nhân của những hạn chế trên, theo đánh giá của Chính phủ là do trong quá trình điều hành tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng không thuận lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN (như áp lực tăng tỷ giá, lãi suất, lạm phát; nguyên nhiên liệu đầu vào...) khiến nhiều dự án bị chậm, tăng vốn, đội vốn...

Về tình hình phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, dự toán NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết định với: tổng số thu là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tổng số chi là 2.076,2 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN là 455,5 nghìn tỷ đồng (4,42%GDP).

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2023 đã được Quốc hội quyết định, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương triển khai các nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, trong đó tập trung thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đồng thời quyết liệt thực hiện công tác thu - chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Lập dự báo thu NSNN chưa sát thực tiễn

Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN năm 2022 vượt khá cao so với dự toán (tăng 28,6%), tăng 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội vào tháng 10 năm 2022, trong đó 3 khoản thu chủ yếu của NSNN là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ và giám sát thực tế, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 nổi lên một số vấn đề như: Công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2022 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2023 cũng như nhiều năm gần đây chưa sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư và số đánh giá bổ sung. Nhiều khoản thu tăng rất cao, có khoản khi báo cáo Quốc hội cơ bản đạt dự toán, nhưng khi đánh giá lại, vượt dự toán khá cao.

Tình trạng trên đã kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách tài chính và xây dựng dự toán năm 2023. Do vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu NSNN hằng năm.

Đánh giá thực hiện nhiệm vụ chi NSNN năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, ước thực hiện giải ngân về vốn đầu tư thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc giải ngân đầu tư phát triển năm 2022 ước đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó bao gồm cả giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao; nếu loại trừ khoản chi này, tỷ lệ giải ngân sẽ thấp hơn số Chính phủ báo cáo. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát để phản ánh đúng thực tế, vì số kế hoạch được địa phương giao thêm không nằm trong kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tình hình phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2023, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, đến hết tháng 4.2023, có 50/52 bộ, cơ quan trung ương có báo cáo gửi Bộ Tài chính với tổng vốn đầu tư phát triển đã phân bổ chi tiết đạt 94,29%. Số vốn kế hoạch chưa phân bổ chi tiết còn lại của 25 bộ, cơ quan trung ương là 11,09 nghìn tỷ đồng. Về kinh phí thường xuyên, các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ là 1,1 nghìn tỷ đồng; đồng thời hiện còn 6,4 nghìn tỷ đồng dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương Bộ Tài chính chưa thống nhất phân bổ do chưa đủ hồ sơ, thuyết minh căn cứ phân bổ.

Theo quy định, chậm nhất đến ngày 31.12.2022 phải thực hiện phân bổ và giao dự toán đến các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan đôn đốc việc phân bổ, khẩn trương giao số dự toán còn lại, tăng cường rà soát, kiểm tra việc phân bổ và giao dự toán theo đúng quy định của Luật NSNN.

Thưởng trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2023 để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số thu vào NSNN. Thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển. Triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách đã được ban hành. Kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản