Tin mới

Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc khoá XV: Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Sáng 18/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432/447 tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, đạt tỷ lệ 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển 

Đổi mới các phương pháp định giá đất

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Việc hoàn thiện các nội dung cụ thể và các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và thực hiện theo đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo đó, các phương pháp định giá đất được thiết kế vừa có tính kế thừa, vừa có tính cụ thể hóa thực tiễn, có đổi mới nhưng cũng bảo đảm có tính bao quát để có thể áp dụng cho các trường hợp cụ thể, lâu dài. Cụ thể, các phương pháp định giá đất bao gồm: Phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá.

Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 03 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá.

Phương pháp thặng dư được quy định mang tính nguyên tắc, xác định rõ về nội hàm và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất thị trường;

Ngoài ra, Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác chưa được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 5 Điều 158 của Luật này sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 252. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 252 Luật này, Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2024. Theo khoản 3 Điều 252 Luật này, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Khoản 9, Điều 60 của Luật này có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 hết hiệu lực thi hành.

Nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (điểm b, khoản 1 và khoản 6 Điều 127), có ý kiến đề nghị mở rộng điều kiện được nhận chuyển nhượng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, bổ sung cụm từ “các loại đất khác” vào cuối đoạn nội dung nằm trong điểm b khoản 1 và khoản 6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là chính sách đã được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và biểu quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất khi xem xét sửa đổi Điều 23 Luật Nhà ở năm 2014 theo Luật số 03/2022/QH15. Trên cơ sở chính sách đã được thống nhất và báo cáo cơ quan có thẩm quyền đối với nội dung này khi thông qua Luật Nhà ở năm 2023 về kế thừa quy định tại Điều 23 Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi, bổ sung theo Luật số 03/2022/QH15, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này quy định: được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; được sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác. Trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), có ý kiến đề nghị bỏ khoản 32 Điều 79 dự thảo Luật, thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, quy định tại khoản 32 Điều 79 để dự kiến cho trường hợp thực sự cần thiết thu hồi đất phát sinh nhưng chưa có trong quy định của Luật này. Trên cơ sở trao đổi kỹ lưỡng và thống nhất giữa các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng, tiếp tục quy định rõ tại khoản 32 Điều 79 là trường hợp được Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn, tương tự quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư năm 2020 về sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

 
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản