Tin mới

Lào Cai: Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

(Mặt trận) -Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC), Lào Cai đã tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ sở, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Để Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Cán bộ giám sát phải bản lĩnh, tâm huyết

Hội thảo khoa học về việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam – Thực trạng và giải pháp

 Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của Lãnh đạo tỉnh Lào Cai với cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Bảo Thắng năm 2021

 Phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu ở cơ sở

Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ gắn với tình hình thực tế của tỉnh và chỉ đạo đạo cấp ủy các cấp tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Theo Ban Dân vận tỉnh ủy, thời gian qua cấp ủy các cấp trong tỉnh luôn xác định việc triển khai thực hiện QCDC là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng cá nhân, trước hết là cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng thể hiện sự cụ thể hóa và vận dụng, thực hiện tốt QCDC đó là phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong đối thoại trực tiếp với nhân dân. Trong những buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố: Lào Cai, Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Thắng…, các đồng chí bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện đã thể hiện rõ phong cách gần gũi, chân thành, cầu thị, cởi mở, chủ động khuyến khích đại biểu đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thảo luận, đặt câu hỏi, nêu ý kiến; qua đó nắm bắt chính xác, đầy đủ tình hình cơ sở.

Thực tế cho thấy, tại những buổi tiếp xúc, đối thoại cấp tỉnh, cấp huyện; lãnh đạo tỉnh, huyện đã yêu cầu đại diện các cấp, ngành liên quan có ý kiến giải trình, xem xét giải quyết những vấn đề người dân quan tâm. Các ý kiến của nhân dân đều được lắng nghe, tôn trọng, tiếp thu, giải quyết kịp thời, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận xã hội. Đây chính là một trong những hình thức đã và đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tích cực thực hiện, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Theo thống kê, trong 5 năm (2016-2020), toàn tỉnh đã tổ chức được 2.859 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân được thực hiện trên các lĩnh vực về đất đai; đền bù giải phóng mặt bằng; xây dựng đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường; kinh doanh, dịch vụ du lịch; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; an ninh - trật tự an toàn xã hội; thực hiện chế độ chính sách.

Riêng 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức 182 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với 01 cuộc cấp tỉnh, 12 cuộc cấp huyện và 169 cuộc cấp xã, phường, thị trấn. Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đã tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân huyện Bảo Thắng nghe tình hình quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội  Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII của Đảng; về vấn đề đạo đức công vụ của cán bộ, đặc biệt là hoạt động của bộ phận một cửa và một cửa liên thông; việc thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng; việc thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố và các nội dung khác cần giải quyết với 100% các ý kiến được giải đáp tại hội nghị.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiểu (Tổ 15, Phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai), việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng được cấp ủy, chính quyền quan tâm chú trọng. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân trước khi Hội đồng nhân dân các  cấp xem xét, quyết định đều được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến ở tổ dân phố để nhân dân trực tiếp đóng góp ý kiến. Chính quyền các cấp cũng thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch các lĩnh vực liên quan đến giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân; nhất là tham gia góp ý về kết quả cải cách thủ tục hành chính, thái độ, tác phong, tính chuyên nghiệp, phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở luôn được tỉnh Lào Cai chú trọng. Đồng chí Bàn Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: Trên cơ sở chương trình hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân; tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia trực tiếp vào việc thực hiện các chương trình đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới với cách làm sáng tạo ở địa phương đó là thông qua hoạt động mô hình tuyên vận, với trách nhiệm là thành viên Ban tuyên vận xã, tổ tuyên vận thôn; MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đã thực hiện được việc giám sát đến tận thôn, bản và tham gia ý kiến giải quyết các vụ việc ở cơ sở.

Chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện QCDC ở cơ sở. Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 217, Quyết định số 21 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân để kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền giải quyết, không để phát sinh điểm nóng.

Giai đoạn 2016-2020, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã thực hiện 43 cuộc giám sát về các lĩnh vực: an toàn vệ sinh thực phẩm, làm đường giao thông nông thôn; chính sách nông, lâm nghiệp; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chính sách đền bù, giải phòng mặt bằng, tái định cư; giám sát các chương trình hành động thực hiện của HĐND tỉnh; giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở…

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, MTTQ tỉnh đã tổ chức 14 hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 tại 14 đơn vị bầu cử trong tỉnh; tổ chức tiếp xúc trực tuyến với cử tri tại 152 điểm cầu các xã, phường, thị  trấn với sự tham gia của 4.155 cử tri. Tổ chức 12 hội nghị lấy ý kiến của cư tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc Hội khóa XV; 106 hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Các ý kiến đóng góp của cử tri đều cởi mở, dân chủ, đúng luật đối với những người ứng cử…

Thực tế cho thấy, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã tác động tích cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chuyển biến phương thức điều hành và lề lối làm việc của chính quyền, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa – xã hội, giữ vựng an ninh trật tự, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở theo Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), thời gian tới tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng trong việc chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; đặc biệt là tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công, phụ trách, chú trọng ở các địa bàn cơ sở thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu.

Gắn việc thực hiện QCDC với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở; thực hiện tốt Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp. Tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; công khai dân chủ trong việc giải quyết các nội dung có liên quan đến công dân. Tiếp tục tổ chức đánh giá sự hài lòng của nhân dân, coi đó là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan đơn vị.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân được bàn và tham gia các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của công dân; nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đòan thể chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm QCDC ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân. Huy động cả hệ thống chính trị tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Hồng Minh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản