Tin mới

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

(Mặt trận) - Sáng 19/4, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã chủ trì Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt. 

Làm sâu sắc hơn thực trạng tổ chức, triển khai giám sát của Mặt trận

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, xác định giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên là hoạt động khó và dễ va chạm, MTTQ Việt Nam các cấp đã nỗ lực tổ chức triển khai hoạt động giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, so với yêu cầu thực tế đặt ra, hiệu quả giám sát chưa cao, vẫn còn một số hạn chế khó khăn nhất định như nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện; vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số kiến nghị của nhân dân kéo dài chưa được giải quyết; một số địa phương chưa triển khai thực hiện hoặc đã tổ chức triển khai thực hiện nhưng hiệu quả không cao, một số nơi tổ chức giám sát còn hình thức.... Việc thể chế các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm đúng mức, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên chủ yếu hiện thực hiện theo các quy định của Đảng.

"Từ các vấn đề trên, có thể nói, việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc nghiên cứu này sẽ tìm ra và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên của MTTQ Việt Nam", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm mục đích làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề về cơ sở lý luận, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực trạng việc tổ chức triển khai giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, các đại biểu tham dự Hội thảo cần quan tâm tập trung cho ý kiến về những vấn đề như những vấn đề lý luận, cơ sở chính trị, pháp lý để MTTQ Việt Nam triển khai giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; thực trạng việc triển khai thực hiện, những ưu điểm, hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện.

Không né tránh, không ngại va chạm

TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu. Ảnh: Tiến Đạt. 

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, việc triển khai giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú ở nhiều nơi chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Nội dung sinh hoạt của một số chi bộ còn mang tính hình thức, chưa cụ thể, thiết thực, chưa đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, nổi cộm đang diễn ra mà dư luận xã hội quan tâm. Mặt khác, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là ở cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực, trình độ, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng, còn biểu hiện nể nang, né tránh khi thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên về sinh hoạt ở nơi cư trú.

"MTTQ Việt Nam cần tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy đảng nơi đảng viên công tác và cấp ủy đảng nơi đảng viên cư trú trong việc quản lý, kiểm tra, đánh giá đảng viên. Đồng thời cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh, trình độ, kỹ năng, đặc biệt kỹ năng giám sát, kỹ năng thu thập xử lý, phân tích thông tin để kịp thời phản ánh, phối hợp xử lý những vấn đề bất cập, khó khăn ở địa phương, cơ sở, tiếp tục nâng cao vai trò của Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân trong tham gia giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú", TS Nguyễn Văn Hùng kiến nghị.

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu. Ảnh: Tiến Đạt. 

Nêu giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về giám sát của MTTQ Việt Nam đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đề xuất, các quy định của Đảng cần có nội dung là những định hướng, chỉ đạo trên các mặt nhận thức, trách nhiệm, định hướng nội dung, phương thức cơ bản về giám sát xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên nhằm tạo ra môi trường chính trị nâng cao trách nhiệm không chỉ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội mà còn đối với các tổ chức Đảng và toàn thể nhân dân.

Trên cơ sở đó, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, Bộ Chính trị cần ban hành một Nghị quyết chuyên đề quy định những nội dung nói trên. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết chuyên đề về "Tăng cường công tác giám sát xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên" của Bộ Chính trị, Nhà nước quy định chi tiết bằng một Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

TS Nguyễn Văn Pha - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu. Ảnh: Tiến Đạt. 

Đồng tình với ý kiến của GS.TS Trần Ngọc Đường, TS Nguyễn Văn Pha - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, vì thế cán bộ Mặt trận các cấp khi tiến hành giám sát phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, cần nêu cao ý thức trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, không né tránh, không ngại va chạm kể cả đó là người đứng đầu cấp ủy hay chính quyền.

"Các cấp Mặt trận phải dựa vào biên chế đã có để tổ chức hoạt động giám sát. Một trong những phương thức huy động lực lượng của Mặt trận đã được pháp luật quy định mà không phải cơ quan, tổ chức nào trong hệ thống chính trị cũng có được, đó là việc huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và nhân dân tham gia vào hoạt động giám sát", TS Nguyễn Văn Pha nêu giải pháp.

Ông Chu Văn Giáp - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng phát biểu. Ảnh: Tiến Đạt. 

Chia sẻ kinh nghiệm ở cơ sở, ông Chu Văn Giáp - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã thành lập 2 đoàn giám sát và tiến hành kiểm tra, giám sát 16 xã, thị trấn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; trọng tâm về công tác cán bộ trong thực hiện quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND xã, thị trấn; công tác tổ chức tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã vận động bầu cử...

"Trong quá trình giám sát, MTTQ các cấp huyện Đan Phượng chú trọng lựa chọn giám sát các nội dung phù hợp, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, đồng thời phát huy giám sát của nhân dân trong triển khai thực hiện", ông Chu Văn Giáp cho hay.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu sẽ làm cơ sở giúp Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” có những đề xuất, kiến nghị với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức triển khai hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ hiệu quả, thực chất hơn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản