|
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn ngày 15-11-2021.
Ảnh: PV |
Những đóng góp quan trọng trong phản biện dự án lớn
Ngày 5-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Hội nghị nghe 11 ý kiến phản biện có chất lượng về phương án quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.
Các ý kiến phản biện đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến dự án như: không nên định hướng quy hoạch và đầu tư các công trình kiến trúc phục vụ du lịch sát núi và ven sông Cổ Cò; nên có phương án quy hoạch để có không gian cảnh quan tự nhiên, liên tục. Song song đó, cần bảo tồn và tu bổ các công trình có giá trị trong khu vực danh thắng và quy hoạch các tuyến du lịch thăm quan các công trình tôn giáo - di tích ở đây.
Tiếp đó, ngày 15-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức thành công hội nghị phản biện xã hội đối với phương án điều chỉnh 2 dự án ven sông Hàn được dư luận đặc biệt quan tâm là Bến du thuyền - Marina Complex và Olalani. Tại hội nghị, có 12 ý kiến phát biểu trực tiếp của chuyên gia, nhà nghiên cứu… với những nội dung đa số đồng tình chủ trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch dự án để chủ đầu tư sớm triển khai dự án trên cơ sở đồng bộ về hạ tầng đô thị, hài hòa về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc của thành phố.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho biết, hằng năm, Mặt trận thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch phản biện xã hội, lựa chọn nội dung theo nhu cầu của chính quyền và những vấn đề mà nhân dân, xã hội quan tâm để phản biện.
Tập trung vào các đồ án quy hoạch thành phố, các đề án, kế hoạch liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; các vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng, bồi thường - hỗ trợ tái định cư, thoát nước đô thị, rác thải - ô nhiễm môi trường; an ninh trật tự.
Tại các hội nghị phản biện, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố mời các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Việt Nam cũng như của thành phố, các nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội, môi trường và đại diện các tầng lớp nhân dân nhằm có nhiều ý kiến phản biện chuyên môn, khách quan, khoa học một cách đầy đủ nhất.
“Sau phản biện, MTTQ thành phố tổng hợp các ý kiến gửi đến lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND thành phố. UBND thành phố tiếp thu toàn bộ các kiến nghị, đề xuất để điều chỉnh lại nhiều nội dung quan trọng trong thiết kế, quy hoạch các dự án, trong đó có việc tạm dừng thực hiện thu phí phương tiện cơ giới lưu thông đường bộ vào trung tâm thành phố...”, ông Ngô Xuân Thắng nhấn mạnh.
Phản biện các dự án dân sinh
Năm 2021, tình hình Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Mặt trận các cấp thành phố Đà Nẵng tập trung công tác chăm lo an sinh xã hội, giám sát phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn nỗ lực thực hiện công tác phản biện xã hội, tập trung vào các dự án dân sinh tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Huỳnh Sơn Hải cho biết, với tinh thần chủ động, linh hoạt, trong quý 1-2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức thành công 2 hội nghị phản biện xã hội đối với 2 đề án quan trọng trên địa bàn quận, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao. Đó là hội nghị phản biện đối với dự thảo đề án “Phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn quận Thanh Khê giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Có 9 chuyên gia, nhà tư vấn tham gia phản biện trực tiếp và 2 vị tham gia phản biện bằng văn bản với nhiều ý kiến sát thực (về kết cấu, bố cục và nội dung cụ thể của đề án) góp phần hoàn chỉnh và nâng cao tính khả thi của đề án. Đến nay, qua giám sát, UBND quận tiếp thu đối với các nội dung phản biện tại hội nghị và hoàn chỉnh để ban hành đề án.
Theo ông Hải, ngoài việc tổ chức các hội nghị phản biện, Mặt trận các cấp quận đã tham gia góp ý 49 nội dung, tham gia phản biện 71 văn bản. Các tổ chức chính trị - xã hội quận, phường tham gia phản biện 92 văn bản. “Do ảnh hưởng của Covid-19 nên phản biện xã hội chủ yếu được thực hiện bằng hình thức gửi dự thảo văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến”, ông Hải cho biết.
Năm 2021, Mặt trận huyện Hòa Vang cũng tổ chức 2 hội nghị phản biện đối với đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025” và phản biện dự thảo đề án “Xây dựng đời sống văn hóa huyện Hòa Vang đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Ngoài ra, tiến hành phản biện thông qua hình thức gửi văn bản đối với dự thảo đề án “Đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc bố trí con em đồng bào dân tộc thiểu số xã Hòa Bắc, Hòa Phú tham gia vào hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện Hòa Vang”.
Song song đó, Mặt trận các phường, xã cũng nỗ lực tổ chức các hội nghị phản biện xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) tổ chức phản biện xã hội về phương án bảo đảm an toàn trong phòng, chống Covid-19 trên địa bàn phường. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Bắc cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, các ý kiến của các đại biểu đã đánh giá sâu sắc, cụ thể tình hình và thực trạng hiện nay của công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn phường; đồng thời các ý kiến cũng đã bày tỏ quan điểm và hiến kế đóng góp cho chính quyền hoàn chỉnh phương án để công tác phòng, chống dịch tốt hơn.
Ông Ngô Xuân Thắng khẳng định, việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật mà cụ thể là tổ chức các hội nghị phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng thời gian qua, được xem là kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, với hình thức và phương pháp thực hiện khoa học, phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên. Các hoạt động phản biện của MTTQ Việt Nam thành phố góp phần tạo nên sự đồng thuận trong thực thi hoạt động cũng như xây dựng chính sách, pháp luật, tránh tình trạng nhiều dự án, dự thảo chính sách, pháp luật sau khi được đưa ra các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thảo luận thì mới nhận được phản ứng từ phía dư luận xã hội.
NGỌC PHÚ