Tin mới

Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Giang tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân

(Mặt trận) -Với vai trò, trách nhiệm của mình, trong những năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) đã thực hiện tốt công tác đối thoại với nhân dân. Qua đó nhân dân đã hiểu, nhận thức đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện, đồng thời giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ngay tại địa phương, đơn vị.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

 Người dân phường Ngọc Hà đối thoại với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đại biểu HĐND 3 cấp.

Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ thành phố Hà Giang đã chủ trì, phối hợp tổ chức 12 cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, 42 cuộc giữa đại biểu HĐND tỉnh và hàng trăm cuộc tiếp xúc giữa đại biểu HĐND cấp thành phố, xã, phường với cử tri. Qua các cuộc tiếp xúc đã thông tin kịp thời đến nhân dân tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; giới thiệu các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách mới của Quốc hội, HĐND các cấp; tạo diễn đàn dân chủ để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của mình với đại biểu Quốc hội và HĐND. Sau mỗi kỳ tiếp xúc tổng hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội, HĐND, các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý tháo gỡ các vướng mắc trong nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Giang cho biết: Với phương châm hướng về cơ sở để “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói”, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức 8 cuộc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với cán bộ Mặt trận thôn, tổ dân phố. MTTQ xã, phường tổ chức được 12 cuộc tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Qua tiếp xúc, đối thoại đã tổng hợp hơn 160 ý kiến của nhân dân phản ánh với cấp ủy, chính quyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, về hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở. Các ý kiến tập trung vào những vấn đề như: Việc thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố; điều kiện và kinh phí đảm bảo cho hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; vấn đề tham gia bảo hiểm y tế; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Quy định 124 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên đang công tác, sinh hoạt tại khu dân cư; hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và hoạt động của Ban Công tác mặt trận ở khu dân cư…

Cũng qua các hội nghị tiếp xúc đối thoại giữa MTTQ các cấp với nhân dân đã góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa MTTQ với nhân dân; nâng cao việc thực thi chính sách, pháp luật, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân, của tổ chức Mặt trận cơ sở. Đồng thời tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố trong sạch, vững mạnh. Điển hình như các xã, phường, tổ dân phố đã vận động nhân dân hiến đất mở đường làng, ngõ xóm để xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị văn minh; hàng tuần tổ chức phong trào “Dọn trước cửa, rửa vỉa hè”; phong trào vệ sinh môi trường ngày cuối tuần... Qua đó, góp phần để thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và xã Phương Thiện được công nhật đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Có thể thấy rằng, việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại và giám sát, phản biện của MTTQ trên địa bàn thành phố đã đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân vẫn còn hạn chế, tình trạng đơn thư kiến nghị, đề nghị của nhân dân vẫn còn diễn ra ở một số cơ sở chủ yếu trong lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Giang, Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết: Để thực hiện tốt hơn công tác tiếp xúc, đối thoại và Luật thực hiện dân chủ sở cơ sở, thời gian tới, MTTQ thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia đối thoại với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Đặc biệt, tăng cường hơn nữa vai trò giám sát việc giải quyết các kiến nghị sau hội nghị tiếp xúc đối thoại; phát huy vai trò giám sát tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác hoà giải cơ sở, vận động, thuyết phục nhân dân để giảm thiểu tình trạng đơn thư, kiến nghị không đúng hoặc đơn thư vượt cấp. Phát huy vai trò của nhân dân, của MTTQ trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội. Để Mặt trận là nơi người dân có thể phản ánh, kiến nghị tố giác tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... góp phần xây dựng tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh.

V.N

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản