Tin mới

Mặt trận Tổ quốc thành phố Yên Bái phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) -Trong thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, đặc biệt tham mưu, đề xuất nội dung các đối thoại về giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực nhạy cảm, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Hà Giang: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát giữa Hội đồng nhân dân và MTTQ các cấp để xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả vì lợi ích chính đáng của Nhân dân

 Người dân phường Nguyễn Thái Học nêu ý kiến tại Đối thoại về giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn thành phố Yên Bái do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Yên Bái tổ chức tại địa phương

Buổi đối thoại về chủ đề "Đối thoại về giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn thành phố Yên Bái" do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Yên Bái tổ chức tại phường Nguyễn Thái Học vào cuối tháng 9/2023 đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là nội dung phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra "điểm nóng”, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và đời sống của người dân. 

Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, mong muốn làm rõ những băn khoăn, thắc mắc liên quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, người dân phường Nguyễn Thái Học nêu câu hỏi tập trung vào việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp pháp hóa quyền sử dụng đất; đăng ký tài sản gắn liền trên đất, những quy định về việc chia tách hộ khẩu hoặc xây dựng, cải tạo nhà ở đối với các hộ nằm trong diện quy hoạch thu hồi mở rộng công viên Yên Hòa, quy hoạch phân khu làm kè suối Ngòi Yên; các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cách tính thuế chuyển mục đích sử dụng đất…  

Bà Lương Thị Thể - tổ 3, phường Nguyễn Thái Học nêu câu hỏi: "Gia đình tôi có nhu cầu cấp đổi lại Giấy phép sử dụng đất. Ngày 22/6/2023, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố đã xuống đo tại thực địa nhưng gia đình có đất liền kề đã không ra thực địa chứng kiến giáp ranh. Vậy cho tôi hỏi, khi có kết quả diện tích và có nguồn gốc sử dụng đất rõ ràng, chủ sử dụng đất giáp ranh vẫn không ký giáp ranh thì gia đình nhà tôi có được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất không?". 

Sau khi tiếp nhận câu hỏi, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Cao Quý Duy trả lời: Căn cứ Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: đối với trường hợp đo đạc mà chủ sử dụng đất giáp ranh không ký thì đơn vị đo đạc phối hợp với UBND cấp xã, phường gửi bản mô tả ranh giới cho người sử dụng đất liền kề. Trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện có việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại, người dẫn đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do người sử dụng đất liền kề  không ký xác nhận vào phần ‘lý do không đồng ý” trong Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất. 

Như vậy, hết 10 ngày chủ giáp ranh không ký xác nhận ranh giới cũng như không có văn bản thể hiện việc tranh chấp hoặc không có lý do gì thì Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho hộ bà Lương Thị Thể theo quy định. 

Tiếp đó, ông Tạ Hoàng Dung – tổ 2, phường Nguyễn Thái Học nêu câu hỏi: "Do chỗ ở hiện tại của chúng tôi đang nằm trong vùng quy hoạch thu hồi mở rộng Công viên Yên Hòa nên rất khó khăn trong đăng ký thực hiện nhu cầu tách thửa đất, chia tách hộ khẩu hoặc xây dựng, cải tạo nhà ở (vì chỉ được cấp phép tạm). Đề nghị thành phố sớm xem xét, giải quyết". 

Trả lời câu hỏi này, ông Duy cho biết: Công trình mở rộng công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất tại Quyết định số 3487 ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Yên Bái. Ngày 8/7/2021, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1659/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thu hồi đất. Đồng thời, ngày 8/7/2021, UBND thành phố đã ban hành các thông báo thu hồi đất của các các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện công trình với 28 hộ bị thu hồi. 

UBND thành phố đang tiếp tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và ban hành thông báo thu hồi đất trong năm 2023 để tiếp tục triển khai dự án mở rộng. Do vậy, đề nghị các hộ gia đình, cá nhân giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất (không chia tách, chuyển nhượng, tặng cho và xây dựng cơi nới…) đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định. 

Đây chỉ là 2 trong 12 câu hỏi đưa ra tại buổi đối thoại đã được thành phố Yên Bái trả lời và chỉ đạo giải quyết cho người dân. "Nội dung tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn thành phố Yên Bái theo Quy chế số 05 ngày 10/4/2018 của Thành ủy là do MTTQ các cấp đã phối hợp tham mưu, đề xuất. Việc đối thoại tổ chức định kỳ 6 tháng/ lần đối với cấp thành phố và 1 quý/ lần đối với cấp xã, phường", Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Yên Bái Đỗ Minh Huấn cho biết.  

Kết quả, qua tham mưu, đề xuất của MTTQ thành phố, Thường trực Thành ủy đã tổ chức 9 cuộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức 4 cuộc đối thoại với đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ thành phố; Thường trực Đảng ủy các xã, phường tổ chức 255 buổi đối thoại với các chủ đề: hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai; hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính thiết yếu trong lĩnh vực đất đai cho người dân theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng tuyến đường điểm "Sáng, xanh, sạch, đẹp”; hỗ trợ phát triển kinh tế; triển khai phong trào "Dịch rào, hiến đất, mở rộng, nâng cấp đường giao thông”, chuyển đổi số… Thông qua hoạt động đối thoại đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai các chủ trương, chính sách của địa phương.

Đó là một trong những kết quả cụ thể từ công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội trong nhiệm kỳ qua.

Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân được MTTQ và các tổ chức thành viên từng bước cụ thể hóa. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước ngày càng có nhiều đổi mới. 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với HĐND tổ chức 105 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp ở 15/15 xã, phường, qua đó đã tổng hợp 1.550 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. 

MTTQ thành phố đã chủ trì 15 cuộc giám sát, phối hợp tham gia 50 cuộc giám sát. Nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. MTTQ các cấp chủ động lựa chọn, đề nghị cấp ủy, HĐND, UBND cùng cấp cung cấp dự thảo các văn bản, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức phản biện theo quy định của pháp luật đối với 93 dự thảo văn bản. 

Thông qua hoạt động phản biện xã hội, ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trong quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách, góp phần đảm bảo sự cần thiết, hợp lý, khả thi và hiệu quả của các chủ trương, chính sách sau khi ban hành. 

MTTQ cũng thường xuyên duy trì các kênh thông tin, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân về các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức và đảng viên để kiến nghị cấp ủy, chính quyền cùng cấp kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật; chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thực hiện đầy đủ các nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở; tích cực tham gia bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, công tác hòa giải ở cơ sở; vận động nhân dân tham gia xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thiết thực vào việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Bà Trần Thị Thanh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết: "5 năm qua, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng của xã đã giám sát 9 cuộc đối với công trình xây dựng đường giao thông nông thôn; 1 cuộc thanh tra việc đóng góp xây dựng đường giao thông và thu nộp các loại quỹ tại thôn Trấn Thanh. Qua công tác giám sát đã giúp cho việc thi công các công trình trên địa bàn đảm bảo chất lượng, đúng quy định; công tác thu, nộp các loại quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, không xảy ra bức xúc trong nhân dân". 

"Bên cạnh đó, MTTQ xã còn phối hợp giải quyết 113 đơn thư của công dân, duy trì hoạt động 5 tổ hòa giải cơ sở, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ địa bàn dân cư không để đơn thư vượt cấp; đã tổ chức hòa giải thành công 49/50 vụ mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở, đạt tỷ lệ 98%, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”, bà Thanh cho biết thêm.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Yên Bái Đỗ Minh Huấn cho biết: "Trong thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên, các cấp chính quyền đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Đặc biệt, MTTQ tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; phát huy hiệu quả vai trò của MTTQ trong công tác hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng dân phố nhiệm kỳ mới theo luật định”, 

Mạnh Cường

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản