Tin mới

MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đổi mới hoạt động giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) -Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đã đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội theo hướng có trọng tâm, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Giám sát đồng bộ

Trong năm 2023, MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 2 cuộc giám sát về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 và giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. MTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì giám sát 10 cuộc, MTTQ cấp xã tổ chức 115 cuộc giám sát.

Trong quá trình giám sát, Đoàn làm việc trực tiếp với UBND huyện, UBND các xã, xuống trực tiếp khu dân cư và một số công trình để đánh giá thực trạng chất lượng, tác động của các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các công trình hạ tầng đối với đời sống Nhân dân.

 Hội nghị phản biện của Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đối với dự thảo Đề án của UBND tỉnh.

Đoàn giám sát đã thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế như: việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới để phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 có địa phương còn chậm nên gây khó khăn trong công tác quản lý và triển khai đầu tư hạ tầng cơ sở. Tại các đơn vị được giám sát tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân còn chậm so với kế hoạch vốn, đặc biệt là vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương; có đơn vị đến thời điểm giám sát chưa thực hiện giải ngân vốn năm 2023. UBND một số xã chưa chủ động, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Sau giám sát, Đoàn giám sát của MTTQ các cấp trong tỉnh có kết luận, kiến nghị cụ thể với UBND tỉnh, UBND huyện, UBND các xã, các cơ quan, đơn vị liên quan. Tiếp thu kiến nghị của các đoàn giám sát của MTTQ các cấp, UBND tỉnh, UBND các huyện, xã được giám sát đã có báo cáo với Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp về tiến độ khắc phục hạn chế được đoàn giám sát chỉ ra.

Tại cấp huyện, bám sát nội dung giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh, MTTQ cấp huyện cũng đã chú trọng tổ chức các cuộc giám sát có nội dung đồng bộ với nội dung giám sát của MTTQ tỉnh.

Đồng chí Hà Đình Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sơn Dương cho biết, trong năm 2023, trên cơ sở các nội dung giám sát của ủy ban MTTQ tỉnh, MTTQ huyện đã tổ chức 2 cuộc giám sát về rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm, quy trình xác định hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 tại 5 xã; giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã.

Tại cấp xã, MTTQ xã đã chủ trì giám sát 24 cuộc, phối hợp giám sát 51 cuộc. Các kiến nghị sau giám sát của MTTQ huyện đều được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, có báo cáo hàng tháng. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương cho biết, ngay sau giám sát, phòng Dân tộc đã ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các xã tăng cường phối hợp, triển khai thực hiện các dự án thực hiện Chương trình trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng kế hoạch phối hợp với ủy ban MTTQ huyện tổ chức tập huấn cho cán bộ thôn về kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình.

Tại cấp xã, Ủy ban MTTQ cấp xã cũng đã lựa chọn các nội dung giám sát có liên quan đến quyền lợi chính đáng, thiết thực của Nhân dân để giám sát như giám sát việc xã hội hóa trong Nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, làm nhà cho hộ nghèo, làm đường bê tông nông thôn, nhà văn hóa... Từ đó tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với vai trò giám sát của MTTQ.

Nhiều ý kiến phản biện có chất lượng

Trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức 5 Hội nghị phản biện xã hội đối với 5 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổ chức 13 hội nghị, cấp xã tổ chức 119 hội nghị phản biện xã hội. Qua giám sát, phản biện, đã góp ý nhiều nội dung quan trọng, có chất lượng, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và được đơn vị soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa.

Đối với dự thảo Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã ban hành văn bản tiếp thu, chỉnh sửa theo 10/11 ý kiến tại hội nghị phản biện.

 Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ xã Phúc Ninh (Yên Sơn) giám sát về kết quả làm đường bê tông nông thôn.

Đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, trên cơ sở ý kiến phản biện của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã ban hành tiếp thu, chỉnh sửa theo 19/20 ý kiến phản biện.

Đối với Dự thảo Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”, trên cơ sở ý kiến phản biện của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển  nông thôn đã ban hành văn bản tiếp thu, chỉnh sửa theo 35/46 ý kiến phản biện.

Tiếp thu ý kiến phản biện đối với dự thảo Nghị quyết Quy định về chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách và mức khoán kinh phí hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức phụ cấp, hỗ trợ theo nhóm nhiệm vụ; người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Sở Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã ban hành văn bản chỉnh sửa theo 5/11 ý kiến phản biện.

Hay như đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản (nhà, công trình xây dựng khác, cây trồng, vật nuôi) gắn liền với đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Sở Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến phản biện tại hội nghị phản biện của Ủy ban MTTQ tỉnh.

Giám sát, phản biện có trọng tâm, đồng bộ của MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đã tăng hiệu lực, hiệu quả, vai trò của MTTQ, từ đó góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân đối với các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Thanh Nga - Thủy Châu

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản