(Mặt trận) -Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Bà Bố Thị Xuân Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận cùng với lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh chủ trì hội nghị.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” |
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các chuyên gia đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa VIII.
Phát biểu tại hội nghị, bà Bố Thị Xuân Linh – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Bình Thuận là một bước để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Để Bình Thuận tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa kinh tế - chính trị và phát huy vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và cả nước, cần thiết phải xây dựng các định hướng phát triển mới cho Bình Thuận trong thời gian tới. Đồng thời, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Vịnh đã báo cáo tóm tắt thuyết minh Dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, mục tiêu tổng quát và mô hình phát triển tỉnh Bình Thuận trong kỳ quy hoạch là không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi nhân dân, hướng tới phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: Dịch vụ với các loại hình du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, dịch vụ logistics; Công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp năng lượng sạch được tổ chức thành các cụm liên ngành; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.
Trong hội nghị, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trí tuệ góp phần cho dự thảo Quy hoạch tỉnh nhà được hoàn thiện hơn. Trong đó, tập trung các vấn đề về lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường). Cụ thể, phân tích dự báo các tiềm năng lợi thế đặc thù của tỉnh và các vấn đề đặt ra để phát huy lợi thế khắc phục hạn chế của tỉnh; quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế và tổ chức các hoạt động kinh tế, giải pháp thực hiện của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đại biểu đóng góp các phương án phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng mạng lưới y tế và chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh; phát triển giáo dục - đào tạo và cơ sở hạ tầng mạng lưới cơ sở giáo dục - đào tạo; phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, các khu, điểm, chuỗi phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh gắn với tổng thể du lịch của vùng và cả nước…
Theo Báo Bình Thuận