Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp, một trong những nhiệm vụ giải pháp đó là yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của Nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò là tổ chức đại diện Nhân dân được Hiến định1 đã tích cực thực hiện hoạt động giám sát đối với các cơ quan Nhà nước nói chung và đối với các cơ quan hoạt động tư pháp nói riêng trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với các nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu Chỉ thị số 04-CT/TW, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 383/KH-MTTW-BTT ngày 13/12/2021 để triển khai, thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW và Kế hoạch số 406/KH-MTTW-BTT ngày 15/2/2022 để giám sát thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Đây là lần đầu tiên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện hoạt động giám sát với đối tượng giám sát là 252 cơ quan hoạt động tư pháp cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự và Công an), trong quá trình triển khai, thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được sự phối hợp và tham gia tích cực từ các cơ quan hoạt động tư pháp tại Trung ương là Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.
Sau quá trình giám sát đã đạt được một số nội dung kết quả2 đáng ghi nhận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa ra một số, đánh giá nhận xét cụ thể:
Một số ưu điểm: (1) Về nhận thức cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan đã được nâng lên sau khi Chỉ thị số 04-CT/TW được ban hành với những nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu cụ thể. (2) Về áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên, ngăn chặn tẩu tán tài sản trong khi giải quyết vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được tăng cường; (3) Về phối hợp giữa các ban, ngành với các cơ quan hoạt động tư pháp các cấp và các đơn vị có liên quan ngày càng thực chất, hiệu quả; (4) Về công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức được đẩy mạnh nhằm phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; (5) Về hoạt động tuyên truyền, động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra.
Một số mặt tồn tại: (1) Công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu đôi khi thiếu quyết tâm lãnh đạo, chưa chủ động, quyết liệt, đối với công tác phòng ngừa ban đầu chưa cao; còn tồn tại tư duy trách nhiệm theo đơn vị, cơ quan;
(2) Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản còn thấp trong quá trình giải quyết các vụ án. Tài sản để xử lý thi hành án chủ yếu do cơ quan điều tra áp dụng biện pháp bảo đảm, ngăn chặn ban đầu là chủ yếu, tại các giai đoạn truy tố và xét xử ít hoặc không bổ sung thêm các tài sản mới, mặt khác một số tài sản được các cơ quan tiến hành tố tụng kê biên theo hiện trạng trên giấy tờ pháp lý, chưa xác minh, ghi nhận hiện trạng thực tế tại thời điểm kê biên;
(3) Việc kiểm tra, giám sát chủ yếu lồng ghép vào việc thực hiện các nhiệm vụ thanh, kiểm tra, giám sát vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chung, có tính nghiệp vụ thường niên, ít chuyên đề cụ thể;
(4) Về tính thống nhất, liên thông và phối hợp giữa các cơ quan chức năng về cung cấp thông tin để giải quyết, thi hành án đối với các vụ án còn thụ động, hiệu quả chưa cao; chưa có sự liên thông thông tin, số liệu thống kê báo cáo thống nhất, tài liệu, chứng cứ để giải quyết, thu hồi tài sản được hiệu quả; phát sinh thêm các vụ án dân sự để xử lý tài sản từ các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhưng giữa các cơ quan hoạt động tố tụng chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết;
(5) Kết quả thi hành án để thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế mặc dù đã có nhiều cố gắng, đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn thấp, chỉ đạt 32,53%3 so với tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; một số vụ việc quá trình giải quyết vụ án và việc xử lý tài sản còn kéo dài, mất nhiều thời gian.
Có ba nguyên nhân chính cho những tồn tại trên là:
Thứ nhất, nhận thức về việc giải quyết, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế làm cho nguồn lực bị phân tán, thiếu tính phối hợp tổng thể; chưa quan tâm đúng mức đến việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ (cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bổ trợ tư pháp (cơ quan giám định, định giá) và các cơ quan tổ chức khác liên quan.
Thứ hai, về thể chế pháp luật: (1) Pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc; chưa thể chế cụ thể, chỉ rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Chưa có văn bản pháp luật riêng về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn;
(2) Chưa có các biện pháp, hướng dẫn, quy định cụ thể để truy tìm tài sản xác định “đường đi” của tài sản bị chiếm đoạt để làm rõ hành vi che giấu nguồn gốc4. Chưa có cơ chế về kiểm soát thu nhập cũng như luật đăng ký tài sản nên việc kê khai tài sản cũng làm ảnh hưởng đến công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án.
(3) Một số quy định vẫn chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, như pháp luật về đất đai (về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn không áp dụng đối với trường hợp xử lý quyền sử dụng đất đã được bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án, giao quyền sử dụng đất nông nghiệp không bán được cho người được thi hành án,...); kê biên xử lý tài sản là vốn góp, cổ phần của cá nhân, tổ chức phải thi hành án hiện chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, chưa quy định rõ đơn vị thẩm định tài sản của doanh nghiệp, giá trị còn lại của doanh nghiệp và giá trị phần vốn góp của người phải thi hành án và bán như thế nào5; nguồn tiền đầu tư và bị thua lỗ là tiền điện tử chưa được Nhà nước công nhận, được thực hiện trên mạng internet và không có cơ chế dẫn đến không thực hiện được việc thu hồi.
Thứ ba, về nguồn lực và phối hợp công tác: (1) Năng lực công tác, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, chức trách nhiệm vụ được giao, cá biệt một số cán bộ có vi phạm trong thi hành công vụ. Cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác đấu tranh, phát hiện xử lý các tội phạm tham nhũng, chức vụ, nhất là tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, đấu thầu, mua bán máy móc, thiết bị.
(2) Hầu hết các cơ quan hoạt động Tư pháp hiện đang bị quá tải công việc do khối lượng công việc ngày càng tăng; các vụ án lớn với số lượng bị cáo, bị hại lên đến hàng nghìn người, số tiền phải thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng và số tài sản phải xử lý lên đến hàng trăm, hàng nghìn tài sản mỗi vụ trong khi số lượng, chất lượng cán bộ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; việc áp dụng khoa học công nghệ còn chậm.
(3) Công tác phối hợp thiếu tính chủ động khi tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Tồn tại những quan điểm xử lý khác nhau giữa các cơ quan nên mất nhiều thời gian điều tra, thu thập chứng cứ, xem xét tiến độ giải quyết. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao, nhất là chưa quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát, trong thời gian tới cần có một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Phân công kiểm tra và giám sát việc thực hiện rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt; tháo gỡ “điểm nghẽn, nút thắt” trong các giai đoạn giải quyết, thu hồi tài sản của các cơ quan; hoàn thiện quy định về phòng, chống tham nhũng trong thu hồi tài sản. Chỉ đạo xem xét các nội dung về hoạt động tổ chức, biên chế công tác của các cơ quan hoạt động tư pháp trong tình hình mới để đảm bảo đồng bộ hoạt động.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu thể chế hóa các quy định của Đảng phù hợp với Hiến pháp 2013 và pháp luật về công tác thu hồi tài sản theo Chỉ thị số 04 (về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; thẩm quyền của thanh tra viên, kiểm toán viên áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế); rà soát các quy định pháp luật liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác giải quyết, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế nói riêng để đánh giá, có những sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo lập hành lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Nghiên cứu xây dựng quy định của luật cho phép Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm giữ, tạm ngừng giao dịch tài khoản, tạm thời kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong một thời hạn cụ thể trước khi áp dụng các quy định tại Điều 128, Điều 129 Bộ luật Hình sự hiện hành tương tự như các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự; xem xét nghiên cứu các nội dung, vấn đề bảo lưu trong Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng để có thể nội luật hóa trong thời điểm mới như việc hình sự hóa việc làm giàu bất chính trong Bộ luật Hình sự. Xem xét nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế từ giai đoạn xử lý tin báo, tố giác tội phạm đến giai đoạn thi hành án dân sự bảo đảm tính đặc thù. Nghiên cứu xây dựng quy định pháp luật để tăng cường áp dụng thanh toán, giao dịch tiền thông qua phương thức điện tử, tạo cơ chế hạn chế sử dụng tiền mặt cũng như xác định đường đi của tiền, tài sản. Tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề về việc giải quyết, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Xem xét nghiên cứu để giao số lượng biên chế tại các cơ quan, quy định chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đặc thù này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát và nghiên cứu xây dựng quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân tạo cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của Nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Ba là, Chính phủ tăng cường chỉ đạo sát sao các bộ ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp trong thực hiện nhiệm vụ và phối hợp công tác với các cơ quan hoạt động tư pháp về giải quyết, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa để giảm thiệt hại, thất thoát về tài sản tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước; thu hồi tài sản ở nước ngoài do phạm tội mà có. Xem xét nghiên cứu cơ chế khởi kiện đối với cá nhân, tổ chức gây ra thất thoát, thiệt hại tài sản đối với nhà nước để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự. Tăng cường thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành đối với việc thực hiện các hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án nói chung và việc giải quyết, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập tại nơi cư trú của người kê khai để Nhân dân giám sát; quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng có sự phân cấp quản lý theo cấp hành chính nhà nước, xác định cấp có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản thu nhập hàng năm nhằm nâng cao năng lực quản lý ở từng cấp và đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Bốn là, đối với các cơ quan hoạt động tư pháp, tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra về nghiệp vụ song song với công tác tập huấn, hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định pháp luật trong việc thu hồi hoặc cản trở việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Tăng cường chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn thống nhất thực hiện đối với các hoạt động nói chung và hoạt động về giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng liên quan theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, cải cách thủ tục, công nghệ số hóa hồ sơ vụ án để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết các vụ án nói chung và vụ án về tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Năm là, đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phát huy tích cực tính chủ động thực hiện giám sát, phối hợp với các cơ quan hữu quan để đảm bảo vai trò đại diện Nhân dân trong hoạt động kiểm soát quyền lực Nhà nước nói chung và trong hoạt động giải quyết và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo tính chất chuyên đề và đối tượng để nâng cao tầm hiểu biết pháp luật về quyền và trách nhiệm của Nhân dân trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chú thích:
1. Điều 9 Hiến pháp và Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Theo Báo cáo số 01/BC-MTTW-ĐGS ngày 29/11/2022: Cơ quan điều tra: Tổng vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: 1.516 vụ (Số vụ đang giải quyết: 364 vụ và số vụ đã giải quyết (đã có Kết luận điều tra hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ): 1.152 vụ (chiếm tỉ lệ gần 76%). Viện kiểm sát nhân dân: Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố và quyết định truy tố 6.606 vụ/12.919 bị can, đạt 82,9% so với tổng số vụ đã khởi tố. Toà án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý xét xử sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án tham nhũng: Tổng số thụ lý: 3.053 vụ án/8.467 bị can (bị cáo), trong đó đã giải quyết: 3.033 vụ án/8.131 bị can (bị cáo) chiếm hơn 99,3%. Thi hành án dân sự: - Về việc: Tổng số việc phải thi hành là 10.275 việc; số việc có điều kiện thi hành là 9.041 việc; số đã thi hành xong là 8.197 việc; số chuyển kỳ sau là 2.078 việc; - Về tiền: Tổng số tiền phải thi hành là trên 109.121 tỷ đồng; số tiền có điều kiện thi hành là trên 63.105 tỷ đồng; số tiền đã thi hành xong là trên 35.501 tỷ đồng; số tiền chuyển kỳ sau là trên 73.620 tỷ đồng.
3. Kết quả thi hành án đối với tài sản trong các vụ án hình sự và tham nhũng.
4. Cụ thể như một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định biện pháp tịch thu tài sản của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước (Điều 45 Bộ luật Hình sự) với phạm vi chỉ được áp dụng đối với những người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác mà Bộ luật Hình sự quy định; tại Điều 128 và Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định "chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định…"; "chỉ kê biên phần tài sản hoặc phong tỏa tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại", điều này thiếu khả thi do ban đầu chưa thể xác định được chính xác mức độ thiệt hại để có thể áp dụng việc kê biên, phong tỏa đúng quy định, dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn nếu phải thi hành phát mại, đấu giá đối với một phần tài sản trong tài sản là: căn hộ, biệt thự, quyền sử dụng đất…; việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa ra xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều không áp dụng là điều kiện để đối tượng vi phạm có thời gian tẩu tán tài sản trong giai đoạn tiền tố tụng (xác minh tin báo, tố giác tội phạm); trong 7 tội phạm về tham nhũng thì tịch thu tài sản chỉ được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tàn sản, dẫn đến Cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi tài sản tham nhũng; quy định pháp luật về giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính, thuế, định giá tài sản,... còn chưa thống nhất, chưa có thời hạn cụ thể dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết án, áp dụng các biện pháp ngăn chặn không kịp thời.
5. Luật Doanh nghiệp quy định phải chào bán cho thành viên góp vốn trong công ty trước, nếu không ai mua mới được bán ra ngoài, cách thức bán như thế nào, có thông qua bán đấu giá hay không.
Phan Ngọc Tùng - Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội,
cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam