Tin mới

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia công tác hòa giải ở cơ sở - Thực trạng và giải pháp

(Mặt trận) - Luật Mặt trận Tổ quốc Việt năm 2015, khẳng định vai trò “Mặt trận tham gia công tác hòa giải”, đặc biệt, Luật Hòa giải ở cơ sở cũng đã khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở. Trên cơ sở quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được pháp luật quy định liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở, s­­au 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã triển khai thực hiện quyền, trách nhiệm. Bài viết đưa ra một số giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Thực trạng và giải pháp hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh: Quang Vinh  
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết Trung ương 7/NQTW ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị đã khẳng định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động để thực sự là tổ chức tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, nơi thể hiện nguyện vọng và ý chí của các tầng lớp nhân dân; nơi thống nhất hành động giữa các thành viên, tham gia với chính quyền trong việc giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trong việc thực hiện dân chủ và đổi mới xã hội, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ chính quyền; tham gia quản lý xã hội, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng; góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước".

Tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở

Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở đến khu dân cư. Trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức được hàng ngàn hội nghị tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở; in ấn, phát hành hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên cổng thông tin của địa phương pháp luật về hòa giải ở cơ sở và một số luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, điển hình như: Cà Mau, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Tiền Giang; Sóc Trăng1...

Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động hướng dẫn lồng ghép tuyên truyền pháp luật hòa giải ở cơ sở trong các hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội nghị giao ban định kỳ, tọa đàm, gặp mặt các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; lồng ghép trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các phong trào thi đua “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”… nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải cơ sở thành một tiêu chí đánh giá thực hiện cuộc vận động và các phong trào thi đua góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với ngành tư pháp cùng cấp tăng cường tổ chức nhiều hội nghị tập huấn pháp luật và các hội nghị chuyên đề hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tổ chức hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hoà giải viên, cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều tài liệu tập huấn, nhiều văn bản pháp luật được cấp phát đến “nhóm nòng cốt”, “câu lạc bộ pháp luật”, địa bàn khu dân cư.

Đồng thời, nhiều địa phương đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; nhiều địa phương đã giám sát việc thực hiện luật, nghị định, thông tư, kịp thời kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp thực thi hiệu quả, phát hiện và giải quyết nhanh các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải, hòa giải viên, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở

Với phương châm phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ của lực lượng trí thức, cán bộ hưu trí, người có uy tín thường trú tại địa phương, nhất là đội ngũ luật gia, luật sư, cán bộ hưu trí đã từng làm công tác pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với chính quyền cùng cấp củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Theo báo cáo từ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay, toàn quốc có 86.201 tổ hoà giải với 543.090 hòa giải viên; có 106.085 hòa giải viên là cán bộ Mặt trận; 267.537 hòa giải viên là cán bộ tổ chức thành viên của Mặt trận. Bên cạnh đó, còn có hòa giải viên là già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, nguyên cán bộ làm công tác pháp luật nghỉ hưu, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành viên tổ hòa giải còn có đại diện là người dân tộc thiểu số… Địa phương có số lượng Tổ hòa giải, hòa giải viên nhiều nhất là thành phố Hà Nội; nơi có số lượng tổ hòa giải và hòa giải viên ít nhất là Ninh Thuận2.

Nhiều địa phương chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên thông qua các hội nghị tập huấn chuyên đề, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác hòa giải..., đồng thời, nhiều địa phương quan tâm cấp phát tài liệu, chuyên đề, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống thiết thực của Nhân dân trong địa bàn dân cư như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở luôn quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự giới thiệu bầu hòa giải viên. Đa số nhân sự được giới thiệu để bầu hòa giải viên đều có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên, nhiều hòa giải viên có trình độ đại học, chuyên môn luật, có kinh nghiệm về hòa giải, đặc biệt nhiều địa phương huy động được các chức sắc, tôn giáo, người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư tham gia. Định kỳ hàng năm, các hoà giải viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật về các lĩnh vực đất đai; hôn nhân gia đình; tiếp cận pháp luật; hình sự; phòng, chống tham nhũng; khiếu nại, tố cáo; an toàn giao thông…

Việc bầu, công nhận hoặc cho thôi làm nhiệm vụ hòa giải viên, bầu tổ trưởng tổ hòa giải được chuẩn bị kỹ, tiến hành dân chủ theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và dân chủ ở cơ sở. Hầu hết các nhân sự được giới thiệu để bầu hòa giải viên có trình độ trung cấp trở lên, nhiều hòa giải viên có trình độ đại học, chuyên môn luật, có uy tín, có kinh nghiệm về hòa giải; nhiều già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng Ban Công tác Mặt trận, người có uy tín, tiêu biểu tham gia làm hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải.

Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan tư pháp cùng cấp trong việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở

Sự phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan tư pháp cùng cấp từ Trung ương đến cơ sở đã có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết liên tịch số 01/2014/CP-UBTWMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở; chủ động tổ chức kiểm tra công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền tại một số địa phương trong đó có kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở do ngành Tư pháp chủ trì; Phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức tốt các hội thi toàn quốc tìm hiểu về luật hòa giải ở cơ sở; đặc biệt là phối hợp tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ II, lần thứ III, lần thứ IV, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức trao một số giải phụ cho hòa giải viên xuất sắc trong vòng chung kết Hội thi hòa giải viên giỏi.

Hội thi là đợt sinh hoạt pháp luật sâu rộng tại cộng đồng dân cư, đã thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia, là diễn đàn thiết thực và bổ ích để các hoà giải viên giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cơ sở, cũng là cơ hội nhằm biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở tại các địa phương nhìn chung được triển khai có hiệu quả. Theo báo cáo tổng hợp từ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đến nay các địa phương đã tiếp nhận tổng số 1.103.015 vụ việc, trong đó hòa giải thành: 907.604 vụ việc, hòa giải không thành: 195.411 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ 82,3%, nhiều địa phương có tỷ lệ hòa giải thành rất cao như: Hải Dương đạt 93.8%; Điện Biên đạt 91,3%; Lai Châu: 91,8%; Yên Bái: 90.6%; Lai Châu: 89,2%; An Giang: 89,0 % nhiều nơi tỷ lệ hòa giải viên thành thấp như: Bình Phước: 69.3%; Ninh Thuận: 71.6%; Lạng Sơn: 72,8%;...

Thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến rộng đến cộng đồng dân cư, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong sinh hoạt, tranh chấp trong đất đai được giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong Nhân dân. Đồng thời, qua đó đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan, ban, ngành đã nhân lên những giá trị đạo đức tốt đẹp tương thân, tương ái, kính trên, nhường dưới, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, vì cộng đồng, văn hóa xin lỗi... góp phần tích cực xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Có thể khẳng định rằng, sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp công tác hòa giải đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ở nhiều nơi, cấp ủy ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền và các đoàn thể chính trị ở địa phương tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp trong việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở có những chuyển biến tích cực, nhất là trong hoạt động củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải.

Việc tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, mạng lưới Tổ hòa giải được thành lập 100% khu dân cư, Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải, những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, hạn chế được đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, kinh phí của cơ quan Nhà nước và Nhân dân, tạo nên không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư; góp phần đưa các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đi vào chiều sâu, thiết thực, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Đội ngũ hoà giải viên ngày càng được củng cố, tăng cường, thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia. Chất lượng, số lượng đội ngũ hòa giải viên từng bước được đảm bảo, hầu hết hòa giải viên đều nêu cao tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, nhiều hòa giải viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác hòa giải còn có những tồn tại, hạn chế như cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, do đó thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở.

- Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm; việc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở có nơi chưa kịp thời, gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện. Một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác thống kê, kiểm tra, báo cáo theo dõi tình hình biến động về cơ cấu, tổ chức, chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở; chưa kịp thời cập nhật, theo dõi, thống kê các vụ việc tái mâu thuẫn, tranh chấp hoặc nộp đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết sau hòa giải.

- Về thể chế, chính sách liên quan đến hòa giải cơ sở còn nhiều bất cập. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua năm 2022 có nhiều quy định mới. Một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là quy trình bầu hòa giải viên còn hình thức, không khả thi, nhất là việc tổ chức họp dân hoặc phát phiếu lấy ý kiến hộ gia đình…

 - Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở ở một số nơi chưa thường xuyên, thiếu sự chủ động và chưa chặt chẽ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên một số nơi chưa nhận thức rõ vai trò nòng cốt của mình trong công tác hòa giải; chưa huy động được sự tham gia của các chuyên gia, đội ngũ luật gia, luật sư, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ nghỉ hưu am hiểu pháp luật, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư tham gia vào công tác hòa giải.

- Hoạt động hòa giải một số nơi còn mang tính hình thức, chiếu lệ hoặc bị hành chính hóa làm mất đi ý nghĩa và bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận của hoạt động hòa giải. Nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

- Đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động. Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, cung cấp tài liệu pháp luật cho hòa giải viên còn ít, chưa thường xuyên, kịp thời; Hòa giải viên thiếu sự phối kết hợp trong việc thảo luận để định hướng nội dung hòa giải.

- Năng lực hòa giải viên một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều hòa giải viên chưa có trình độ chuyên môn luật3, chưa chủ động, tích cực trong công tác hòa giải, ngại va chạm; kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật của hòa giải viên còn hạn chế ảnh hưởng đến kết quả hòa giải; một số vụ việc quá trình hoà giải chưa giải quyết triệt để dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài và phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng.

- Về kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, quy định mức chi thấp hơn văn bản hướng dẫn.

Một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên trong tham gia công tác hòa giải ở cơ sở

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, xác định công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tham mưu cho cấp ủy ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về hòa giải ở cơ sở, trong đó nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, trọng tâm nghiên cứu sửa đổi các quy định về mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế thành lập tổ hòa giải bảo đảm thuận lợi, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở; quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và cơ quan tổ chức có liên quan trong hoạt động hòa giải ở cơ sở nhất là việc đơn giản hóa các thủ tục bầu, cho thôi làm hòa giải viên.

Nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện của cán bộ, công chức và các cơ quan Nhà nước khi hòa giải viên muốn tìm hiểu, đề nghị cung cấp thông tin liên quan để giải quyết vụ việc hòa giải; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các ngành trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở. Xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, đội ngũ luật gia, luật sư, người am hiểu pháp luật, chức sắc, tôn giáo, người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.

Ba là, nghiên cứu đổi mới việc tổ chức triển khai công tác hòa giải ở cơ sở. Bộ Tư pháp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng Tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên, chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để được công nhận là hòa giải viên; định kỳ tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kỹ năng hòa giải thông qua tổ chức các lớp tập huấn, khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm.

Tiếp tục đầu tư cho việc khai thác, biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; khuyến khích xây dựng tủ sách pháp luật tại các khu dân cư. Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế các vụ việc tiêu cực và mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.

Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở, xây dựng, nhân rộng mô hình hòa giải hiệu quả. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong hoạt động hoà giải ở cơ sở. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là trong việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên cùng cấp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đơn giản các thủ tục thanh quyết toán và bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Chú thích:

1.    Cà Mau: Tổ chức tuyên truyền 30.087 cuộc với 860.135 lượt người tham dự; Đà Nẵng: tổ chức 148 hội nghị tập huấn, 476 hội nghị tuyên truyền, cấp phát 58.210 tờ rơi… Tuyên Quang: tổ chức 21.246 cuộc, phối hợp biên soạn cung cấp 9000 bộ đề cương tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở, 8300 cuốn hỏi đáp, 8300 cuốn sổ theo dõi công tác hòa giải ở cơ sở; Tiền Giang: tổ chức tuyên truyền 32.982 cuộc với 1.168.412 lượt người tham dự; Sóc Trăng: Trang bị 4202 cuốn Luật Hòa giải cho Tổ hòa giải, tổ chức 11 lớp tập huấn kỹ năng cho 1069 lượt người tham dự.

2.  Nhiều nhất là Hà Nội: 4950 Tổ hòa giải với 39.540 hòa giải viên; ít nhất là Ninh Thuận có 397 Tổ hòa giải với 2571 hòa giải viên.

3.  Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, trong số 9138 hòa giải viên chỉ có 296 hòa giải viên có chuyên môn luật chiếm 3,2%.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản