Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, giám sát văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan nhà nước ban hành có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Từ sau khi có Hiến pháp năm 2013, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức phản biện xã hội đối với 11 dự án Luật, chủ yếu bằng hình thức hội nghị phản biện xã hội. Các dự án Luật được phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được Nhân dân quan tâm như dự thảo Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)... Nhìn chung, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức thành viên đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.
Thực hiện quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đã chủ trì hoặc phối hợp với các các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai nhiều chương trình, hoạt động giám sát; trong đó, tập trung vào giám sát việc các cơ quan nhà nước thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát văn bản đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong những năm gần đây. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản đối với 6 văn bản. Việc tổ chức giám sát được thực hiện bài bản theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017. Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều xây dựng báo cáo kết quả giám sát cũng như có kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội và các cơ quan chủ trì xây dựng văn bản.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì tính dân chủ trong các quy định của pháp luật, đặc biệt trong hoạt động lập pháp vẫn còn hình thức. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tuy được quy định trong Luật, nhưng vẫn chưa có cơ chế đủ cụ thể và hiệu lực để thực hiện hiệu quả; các cơ quan có thẩm quyền chưa coi trọng đúng mức ý kiến góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Chưa có cơ chế để Nhân dân tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật như yêu cầu.
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp
Thứ nhất, cần kết hợp phản biện xã hội với việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực hiện quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện trong thời gian cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản. Đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản biện thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật có hình thức, thời gian phù hợp công khai dự thảo các văn bản luật trên Cổng thông tin điện tử để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân sớm tiếp cận để nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với dự thảo văn bản.
Thứ hai, phản biện xã hội trong hoạt động lập pháp đặt trọng tâm vào những nội dung lập pháp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và về vấn đề quan trọng khác liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ ba, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo dõi sát, đôn đốc kịp thời việc tiếp thu, phản hồi ý kiến của các cơ quan, tổ chức được phản biện xã hội và kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. Tại các báo cáo định kỳ trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thông báo kết quả hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp về việc chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc lắng nghe, tiếp thu và phản hồi đối với các ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xem xét trách nhiệm đối với những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức được phản biện xã hội không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm lắng nghe, tiếp thu và phản hồi đối với các ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung phản biện xã hội một số dự thảo văn bản quan trọng như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn...
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện pháp luật
Một là, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, đánh giá lại kết quả các Chương trình phối hợp giám sát, qua đó lựa chọn triển khai một số nội dung giám sát thực sự thiết thực, thu hút sự quan tâm hoặc gây bức xúc trong Nhân dân.
Hai là, cần đa dạng hóa các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tăng cường giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở ý kiến của người dân, doanh nghiệp liên quan đến chủ trương, chính sách lớn, đây là hình thức tổ chức giám sát phù hợp, hiệu quả, ít tốn kém và có thể huy động các cấp Mặt trận có thể tham gia; cần tổ chức tập huấn sâu rộng về kỹ năng giám sát cho cán bộ Mặt trận các cấp; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương.
Ba là, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động xây dựng các báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sau giám sát để gửi đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung giám sát bằng hình thức xem xét, nghiên cứu văn bản đối với một số văn bản quy phạm pháp luật: Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Quy hoạch năm 2017...
Các bảo đảm cho việc thực hiện phản biện xã hội và giám sát quy trình lập pháp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nói đến Mặt trận là bao gồm nhiều lực lượng, nhưng để làm được nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong công tác xây dựng pháp luật, Mặt trận cần chọn và xây dựng cho được lực lượng nòng cốt để vừa làm chỗ dựa vừa làm nhiệm vụ tiên phong đột phá. Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng trong xây dựng chế độ dân chủ hiện đại, không thể có dân chủ trong một xã hội không có giám sát, phản biện xã hội và ngược lại. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở đó có sự lựa chọn, bố trí cán bộ và phân bổ nguồn kinh phí tương xứng.
Về mặt nhận thức, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong việc coi trọng sự tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các giới của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, coi đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Đối với nguồn lực về con người, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Cấp ủy các cấp cần quan tâm kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Song song với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có các biện pháp nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, có chính sách quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng, hợp lý của Nhân dân và có đủ năng lực phản biện. Cần phát huy tiềm năng của các thành viên rộng lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các cá nhân tiêu biểu, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng cộng tác viên và đoàn viên, hội viên là những chuyên gia trên các lĩnh vực. Đồng thời, thông qua hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên tổng hợp ý kiến, đề nghị, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, tập hợp dư luận xã hội là nguồn thông tin, tư liệu vô cùng phong phú về cả lý luận và thực tiễn để có cơ sở tổ chức phản biện xã hội.
Bảo đảm các điều kiện cần thiết về kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội nói chung và trong lĩnh vực xây dựng pháp luật nói riêng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nguồn kinh phí hoạt động của các cấp Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, do Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp phân bổ. Đây là cơ chế xin - cho nên rất khó bảo đảm được tính độc lập của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, quyết định, dự án, chương trình của chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp hoặc là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của chính các cơ quan đó. Vì vậy cần đổi mới cách phân bổ ngân sách này, theo đó hàng năm kinh phí cấp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nên do Quốc hội quyết định phân bổ trực tiếp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội sẽ chủ động phân bổ ngân sách cho các cấp theo hệ thống từ Trung ương xuống đến cơ sở của tổ chức mình theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước sát với yêu cầu thực tế của nhiệm vụ đặt ra ở mỗi cấp, mỗi địa bàn và từng thời kỳ.
Chú thích:
1. Phản biện Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật về Hội; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Đề án Đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài; dự thảo Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự thảo đề án Bộ tiêu chí đô thị văn minh và Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
2. Giám sát các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng đối với các doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ (cụ thể trường hợp kiến nghị của Công ty TNHH Minh Long 1); giám sát Nghị định 84/2015/NĐ-CP với các quy định về tổ chức và hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; giám sát Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; giám sát Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và giám sát Luật Đất đai năm 2013.
Thạc sĩ Phùng Thị Ngọc Yến, Ban Dân chủ - Pháp luật,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam