Tin mới

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào những vấn đề Nhân dân quan tâm. Phát huy vai trò là tổ chức liên minh chính trị, một thiết chế để kiểm soát quyền lực, tăng cường đoàn kết và đồng thuận trong Nhân dân, là cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đang ngày càng thực hiện tốt hơn, nâng cao hơn chất lượng giám sát, phản biện xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Kỳ Anh 

Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký kết ban hành ngày 15/6/2017 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết liên tịch số 403).

Sau 5 năm triển khai thi hành Nghị quyết liên tịch số 403, thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Kế hoạch số 672/KH-MTTW-BTT ngày 5/1/2023 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 703/KH-MTTW-BTT ngày 6/4/2023 về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, triển khai Kế hoạch và yêu cầu gửi báo cáo sơ kết theo đề cương báo cáo tới Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; gửi văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch 403.

Ban Thường trực đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 tại 4 tỉnh.

Trên cơ sở báo cáo kết quả 5 năm thi hành Nghị quyết liên tịch số 403 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; báo cáo của Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và kết quả kiểm tra, khảo sát, kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị.

Qua thực trạng 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, có thể thấy công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều ý kiến sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến cơ quan chức năng được xem xét, tiếp thu, giải trình, bổ sung; nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở đã được điều chỉnh phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách làm cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cơ sở; tạo đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cơ sở; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội của Nhân dân.

Thứ nhất, cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp có nhận thức đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội và các hình thức giám sát, phản biện xã hội theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403. Thường xuyên kết hợp việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời coi trọng tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc, phát huy có hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên trên các lĩnh vực.

Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết liên tịch số 403 tạo sự thống nhất về nhận thức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa và quy trình thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ ba, phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong hiệp thương, xây dựng kế hoạch, kết hợp linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của nội dung giám sát, phản biện xã hội. Lựa chọn mời thành viên tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực được giám sát. Tổ chức thực hiện nghiêm túc đầy đủ quy trình giám sát, phản biện xã hội.

Thứ tư, cấp uỷ các cấp thường xuyên quan tâm và làm tốt công tác lãnh đạo, chăm lo xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, nhất là cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội. Chính quyền bảo đảm các điều kiện cần thiết cho Mặt trận Tổ quốc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả thiết thực.

Thứ năm, hoạt động giám sát, phản biện xã hội được tiến hành theo đúng quy trình của Nghị quyết liên tịch số 403, phù hợp với khả năng của Mặt trận; đồng thời phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn, tranh thủ ý kiến những người có uy tín, kinh nghiệm trong công tác giám sát, phản biện xã hội... Không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng đa dạng hoá, mở rộng các hình thức tập hợp, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu giám sát, phản biện xã hội trong tình hình mới.

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 403 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn những hạn chế, như:

Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 và các quy chế, quy định của Đảng về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa thường xuyên;

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế, chưa đưa ra những kiến nghị cụ thể sau giám sát, chưa giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát;

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhiều nơi còn hạn chế, hình thức; Phản biện xã hội trong những năm qua chủ yếu chú trọng tới các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chưa thực hiện phản biện tới các chính sách, văn bản của các cấp ủy Đảng, các chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân do các cấp chính quyền địa phương ban hành.

Việc phản biện xã hội theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức soạn thảo văn bản chưa được thực hiện.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân do hạn chế trong quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết liên tịch số 403, còn có nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403.

Trong thời gian tới, để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và Nghị quyết liên tịch 403 nói riêng.

Một là, đối với cấp ủy các cấp, cần tiếp tục quan tâm, tập trung chỉ đạo, định hướng công tác giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tăng cường trách nhiệm trong việc cho ý kiến vào kế hoạch giám sát, phản biện hàng năm và báo cáo kết quả giám sát, phản biện hàng năm của Mặt trận Tổ quốc; tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc thực hiện có hiệu quả các hình thức giám sát, phản biện xã hội.

Tập trung triển khai đầy đủ, có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hai là, các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội; chủ động thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp phản biện xã hội trong quy trình xây dựng văn bản; xác định rõ và thực hiện đúng việc tiếp thu, giải trình và phản hồi đầy đủ ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc đối với dự thảo văn bản, đưa báo cáo phản biện và báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến phản biện vào hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản; gắn việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện của Mặt trận với đánh giá kết quả công tác, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức và đánh giá cán bộ, công chức, trách nhiệm của người đứng đầu.

Ba là, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)1 về vị trí, vai trò, thời điểm, nội dung, hình thức, giá trị pháp lý của phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp; nghiên cứu mở rộng phản biện xã hội xuyên suốt trong quy trình xây dựng pháp luật, gồm phản biện đối với các chính sách pháp luật trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng dự án, dự thảo; phản biện dự án, dự thảo văn bản trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành xem xét, quyết định việc trình, thông qua; phản biện khi nội dung, quy định của dự án, dự thảo được cử tri, Nhân dân, dư luận quan tâm, thảo luận, những nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân và các tầng lớp trong xã hội nhận được nhiều phản ứng trong quá trình soạn thảo...(Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể tổ chức phản biện xã hội nhiều lần đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và ở nhiều thời điểm, quy trình soạn thảo, trình ban hành văn bản);

Nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình, cơ quan thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản đối với phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp (nghiên cứu xây dựng một mục riêng về phản biện xã hội trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo lập cơ sở pháp lý chung và thống nhất, đồng bộ trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các nội dung cụ thể thuộc về trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện trong nội bộ hệ thống Mặt trận Tổ quốc được quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc và các văn bản hướng dẫn).

Bốn là, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 để đánh giá toàn diện việc thực hiện chương V về giám sát, chương VI về phản biện xã hội; cùng với các nội dung đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cho phù hợp, đồng bộ;

Nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản của tổ chức Đảng, các văn bản ban hành chính sách quan trọng, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân do các cơ quan, tổ chức ban hành.

Đồng thời, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các hình thức giám sát, phản biện phù hợp, thực chất, có hiệu quả và khả thi; bổ sung cơ chế, chính sách, quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của cả chủ thể và đối tượng giám sát, phản biện xã hội; tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các điều kiện bảo đảm thực hiện. Trên cơ sở đó, sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 403 đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm là, trong bối cảnh chưa sửa đổi các luật nêu trên, trong thời gian tới cần rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi một số nội dung bất cập, hạn chế nổi cộm của Nghị quyết liên tịch số 403 để đổi mới, tăng cường một bước công tác giám sát, phản biện xã hội.

Sáu là, tiếp tục tăng cường mở các lớp tập huấn chuyên đề, chuyên sâu về kỹ năng giám sát, phản biện xã hội và một số lĩnh vực có liên quan cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức các hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về công tác giám sát, phản biện xã hội ở các tỉnh để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu các quy định liên quan đến việc bảo đảm hoạt động công tác Mặt trận, phát hiện những bất cập về chế độ chính sách để các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm bảo đảm các nguồn lực về kinh phí, con người, cơ sở vật chất cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cơ sở.

Chú thích:

 1.  Kế hoạch số 81 triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị có nội dung nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản