|
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển |
Kết quả thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản thống nhất với nội dung của Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã tập trung đánh giá, nêu rõ những kết quả và chỉ ra những hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, kèm theo các phụ lục thống kê chi tiết, bài bản, khoa học.
Các ĐBQH cũng ghi nhận các cơ quan của Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nhất là Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quan tâm, cố gắng nỗ lực, cầu thị, tích cực, chủ động trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri. Nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cử tri, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, tránh tình trạng trả lời chung chung. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành.
Nhấn mạnh những kết quả đạt được thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, việc tiếp nhận, chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thời gian qua cũng được Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH quan tâm, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy vậy, đại biểu Siu Hương cũng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành vẫn còn 5 kiến nghị chưa giải quyết, trả lời và vẫn chưa nêu rõ lý do chưa trả lời, giải quyết để cử tri biết, theo dõi dù các kiến nghị này đã quá thời gian trả lời theo quy định. Trong đó, Văn phòng Chính phủ chưa trả lời 1 kiến nghị, Bộ Tài chính chưa trả lời 4 kiến nghị. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành sớm có giải pháp giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Nêu kiến nghị cụ thể, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trương cần sớm ban hành quy chuẩn phù hợp hơn trong đánh giá tác động môi trường đối với nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đại biểu, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong đó có quy định các cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc diện phải đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, từ trước đến nay do chưa có quy định riêng nên việc đánh giá tác động môi trường đối với các vùng nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cũng nêu thực tế, chất lượng nước thải trong quy trình nuôi thủy sản có sự khác biệt đáng kể so với những thông số trong Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT về sử dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước thải công nghiệp để quản lý nước thải nuôi trồng thủy sản là không phù hợp, dẫn đến những bất cập trong quá trình quản lý; đồng thời gây khó khăn, lãng phí cho doanh nghiệp cũng như xã hội.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay đánh giá tác động môi trường trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đang thực hiện theo Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng quy chuẩn mới, trong đó làm rõ yêu cầu về các chỉ tiêu, tiêu chí về nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản. Với bộ tiêu chuẩn mới này, Bộ đang xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương để tiếp tục hoàn thiện và sớm ban hành.
Tránh tình trạng tiếp thu chung chung, không có giải pháp cụ thể
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian tới, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có nhiều hình thức hơn nữa trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, rà soát các ý kiến đã hứa tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết để tiếp tục đôn đốc, giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng tiếp thu chung chung, không có giải pháp, hướng giải quyết cụ thể. Nên công khai, minh bạch việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp xem xét, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo đúng quy định. Cần có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri riêng cho mỗi tỉnh, thành phố, không nên trả lời chung tại một văn bản, gây khó khăn trong quá trình theo dõi, cập nhật, thống kê, thông tin đến cử tri.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm quan tâm triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tra cứu việc tiếp nhận, giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri; kết nối liên thông từ Trung ương đến địa phương. Điều này cũng góp phần thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận, phân loại kiến nghị của cử tri, tránh tình trạng chuyển đơn trùng lắp; tăng tính công khai, minh bạch giúp ĐBQH và cử tri nắm được việc xử lý các kiến nghị.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản trả lời và giải quyết đối với các kiến nghị chưa được trả lời, khắc phục việc trả lời chỉ dừng lại ở cung cấp thông tin, viện dẫn văn bản, giải thích chính sách, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần rà soát và có giải pháp quyết liệt để hoàn thành việc giải quyết trong thời gian sớm; đồng thời, phải bảo đảm chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, đặc biệt là xác định công việc, lộ trình giải quyết đối với 43 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết.
Những nội dung cụ thể đã được các bộ trưởng, trưởng ngành, Trưởng Ban Dân nguyện tiếp thu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành có văn bản tiếp thu, báo cáo Chính phủ chuyển cho Ban Dân nguyện, Tổng Thư ký Quốc hội để đưa vào nghị quyết của kỳ họp.
TTXVN