Tin mới

Nêu cao vai trò giám sát của nhân dân

(Mặt trận) -Những năm gần đây hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng tỉnh Phú Thọ đã trở thành kênh chống tiêu cực, tham nhũng, phát huy quyền làm chủ cũng như tham gia quản lý xã hội của người dân. Các vấn đề được giám sát đúng, trúng, được nhân dân quan tâm đã góp phân nâng cao chất lượng các công trình đầu tư cơ bản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Dân giám sát, dân thụ hưởng ở Tuyên Quang

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình

Đổi mới nội dung giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng các công trình.

Để mở rộng hành lang pháp lý trong đầu tư xây dựng cơ bản, phát huy dân chủ ở cơ sở, những năm qua, Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng đã trở thành cánh tay đắc lực cùng chính quyền, cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn nhiều sai phạm. Tại huyện Cẩm Khê các ban giám sát đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng các công trình.

Tuy nhiên, để tổ chức giám sát đúng, trúng vấn đề, từng bước khắc phục tình trạng yếu, thiếu về chuyên môn của các Ban giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận rà soát, lựa chọn những cá nhân có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm về đầu tư xây dựng cơ bản tham gia giám sát đầu tư của cộng đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức giám sát, ông Hà Như Khang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê cho biết, trong quá trình lựa chọn cán bộ tham gia Ban giám sát chúng tôi đều cân nhắc rất kỹ, đều “chọn mặt gửi vàng”. Trong đó, một trong những tiêu chí lựa chọn đó là họ phải có kiến thức về xây dựng cơ bản; biết đọc và phân tích các bản vẽ. Nhờ có sự lựa chọn kỹ càng nên các công trình Nhà nước và người dân đóng góp chất lượng được đảm bảo, các hoạt động thu-chi được thực hiện công khai, minh bạch.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của huyện, các công trình đầu tư xây dựng cơ bản ở huyện ngày một nhiều. Tốc độ đô thị hóa nhanh, các công trình xây dựng mọc lên đồng nghĩa với việc các Ban giám sát phải hoạt động nhiều hơn, hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Hải Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Khê cho biết, với đặc thù là địa bàn rộng, dân cư đông nên thời gian qua các Ban giám sát hoạt động rất vất vả. Toàn huyện hiện có 31 Ban TTND và 31 Ban GSĐT của cộng đồng. Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng đã xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, chi tiết trên các lĩnh vực.

Trong đó có giám sát mức thu - chi và sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tham gia giám sát hoạt động của UBND và HĐND cấp xã; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết…

Theo đó, trong 5 năm qua, các Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng trên địa bàn huyện đã giám sát được 463 vụ việc. Các vụ việc tập trung chủ yếu liên quan đến việc mua nguyên liệu xây dựng, nhà đầu tư không cung cấp bản thiết kế, một số hạng mục công trình chất lượng chưa đảm bảo… Trong quá trình giám sát, các Ban giám sát đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết được 175 vụ việc, góp phần làm minh bạch hóa việc quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí của các công trình, dự án đầu tư tại cộng đồng.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của các ban giám sát, ông Nguyễn Hải Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Khê cho biết, các Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng ở nhiều xã, thị trấn đã phát huy vai trò của mình, tham gia giám sát nhiều vụ việc có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng, hạn chế những sai sót, tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại địa phương.

Trong đó, các Ban GSĐT của cộng đồng xã Phú Khê, Sai Nga, Đồng Lương, Phương Xá... trong quá trình giám sát đã kịp thời phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các nội dung về quy hoạch xây dựng chi tiết, xử lý nước thải sinh hoạt, cấp điện, nước, bồi thường giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất dân cư dịch vụ và bảo vệ môi trường; phát hiện có một số công trình sử dụng vật liệu không đảm bảo đã kiến nghị để chủ đầu tư và đơn vị thi công kịp thời khắc phục.

Không riêng huyện Cẩm Khê, các hoạt động giám sát cộng đồng cũng được các địa phương khác trong huyện Đoan Hùng chú trọng thực hiện. Với thế mạnh là huyện đồng bằng, kinh tế ổn định, các xã trong huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, để được công nhận nông thôn mới, các tiêu chí cần phải được hoàn thiện. Ít ai biết rằng để hoàn thành được các tiêu chí đó như cứng hóa về giao thông, thủy lợi nội đồng luôn có sự đóng góp rất lớn của các Ban giám sát. Để xã được công nhận nông thôn mới rất cần được nhìn rộng ra từ nhiều phía, trong đó vai trò của Ban giám sát luôn được đánh giá cao.

Ông Trần Tất Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng cho biết, thời gian qua địa phương có dự án làm đường tránh lũ dài 22km với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng.

Qua theo dõi quá trình thi công và từ phản ánh của người dân, Ban giám sát thấy đoạn đường qua khu 12 có vị trí trũng, nhưng trong bản thiết kế lại không đặt cống thoát nước nên đã yêu cầu nhà thầu bổ sung thêm cống thoát nước để đảm bảo chất lượng công trình.

Cũng qua khảo sát, Ban giám sát phát hiện tại hai điểm thuộc khu 4 và khu 5 bố trí lắp đặt cống thoát nước có kích thước nhỏ, không phù hợp với nhu cầu thực tế nên đã kiến nghị đổi sang cống có kích thước lớn hơn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 225 Ban GSĐT của cộng đồng với 2.345 thành viên. 5 năm qua, các Ban tiến hành giám sát 4.203 cuộc, kiến nghị xử lý 1.349 vụ việc sai phạm, góp phần hạn chế lãng phí, thất thoát, tạo được lòng tin trong nhân dân, giảm tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ vững tình hình ANTT địa phương.

Theo ông Cầm Hà Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, với kiến thức và kỹ năng cần có, các hoạt động giám sát cộng đồng đã phát huy tác dụng.

Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý nghiêm, kịp thời những vi phạm từ cơ sở, không để tích tụ thành “điểm nóng”; đồng thời biểu dương kịp thời các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong các hoạt động giám sát.

PHƯƠNG NGUYÊN

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản