Tin mới

Người dân phải được thụ hưởng lợi ích từ quá trình chuyển dịch đất đai

(Mặt trận) - Chiều 7/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp hội nông dân cả nước trong lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Người dân sống ở nông thôn, nông dân (chiếm khoảng 60% dân số cả nước) đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

"Luật Đất đai có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội. Việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các đoàn kiểm tra công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở các địa phương trên cả nước. Kết quả cho thấy cách thức tổ chức bài bản, khoa học, thiết thực, tập trung trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng.

"Hoạt động lấy ý kiến dự thảo Luật lần này là thước đo đánh giá năng lực của Chính phủ, Quốc hội thực hiện thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đây là yêu cầu hết sức nghiêm túc, cụ thể. Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến lần này là kết quả, sản phẩm đóng góp trí tuệ, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn của các bộ, ban, ngành, ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội", Phó Thủ tướng nói. 

Phó Thủ tướng đánh giá hội nghị đã được chuẩn bị nghiên cứu kỹ lưỡng; đồng thời, mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân sống ở nông thôn, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đi kèm với đó là chuyển dịch về lực lượng lao động, chuyển dịch về tài nguyên đất đai. Cụ thể là các nhóm cơ chế, chính sách liên quan đến thu hồi, hỗ trợ, đền bù, tái định cư, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân… được thiết kế trong dự thảo Luật.

"Mục tiêu là bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân khu vực nông thôn và các chủ thể liên quan trong quá trình chuyển dịch đất đai. Người dân phải được thụ hưởng lợi ích từ quá trình phát triển", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị  

Đối với vấn đề tập trung đất đai, Phó Thủ tướng nêu rõ, dự thảo Luật quy định theo hướng tăng hạn mức tập trung đất đai theo nhiều hình thức khác nhau nhưng hạn chế chuyển nhượng chuyển quyền sử dụng đất nhằm theo kịp, phù hợp với mức độ chuyển đổi lực lượng sản xuất. "Đây là vấn đề cần lấy ý kiến của bà con nông dân, hội nông dân các cấp", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết các điều, khoản liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp dược thiết kế trong dự thảo Luật đã tính toán các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới… Theo đó, đất nông nghiệp có thể sử dụng đa mục đích, kết hợp với các loại hình kinh tế, dịch vụ có giá trị lớn hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.

"Đơn cử, đất trồng lúa không chỉ để trồng lúa mà có thể được chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn nhưng vẫn giữ được tính chất lý, hoá, để có thể chuyển sang trồng lúa khi có yêu cầu. Hoặc khi thực hiện bảo vệ, bảo tồn rừng tự nhiên có thể kết hợp với khai thác dưới tán rừng; phát triển nông nghiệp, thuỷ sản gắn với du lịch sinh thái…", Phó Thủ tướng phân tích thêm.

Để bảo đảm quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, miền núi, dự thảo Luật đã đưa ra nhiều hình thức giao đất sản xuất, đất nông lâm nghiệp, dịch vụ, thương mại, đi kèm với đó là chế độ chính sách đền bù linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi của lượng lao động, sản xuất; cơ chế cấp lại đất sản xuất, đất ở cho bà con đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

Dự thảo Luật cũng đã thể chế hoá, xác định rõ trách nhiệm, vai trò quản lý, phân bổ nguồn lực đất đai từ cấp Trung ương đến địa phương, cơ sở; tăng cường vai trò đại diện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia vào quá trình xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, kế hoạch sử dụng đất đai, thu hồi, đền bù, tái định cư…

Bảo đảm tối đa lợi ích của người dân khi thu hồi đất

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc Hội nghị.  

Tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đến nay, Hội Nông dân nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi đến toàn thể các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân như thành phố Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh... với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nông dân.

Trong đó nhiều tỉnh, thành hội đã tổng hợp được rất nhiều ý kiến như Tiền Giang (1.267 lượt ý kiến), Vĩnh Long (trên 2.300 lượt ý kiến)... Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều văn bản tham gia và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung.

Các ý kiến tại hội nghị tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Hội Nông dân các cấp) trong quản lý và sử dụng đất đai; lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Các đại biểu kiến nghị cần xác định giá đất theo cơ chế thị trường trước khi đền bù thu hồi đất và đảm bảo việc tái định cư cho người dân có điều kiện tốt nhất.

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội nông dân thành phố Hà Nội nêu thực tế, thời gian qua tại một số địa phương, các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện quá 3 năm theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được công bố nhưng chậm được rà soát, điều chỉnh, hủy bỏ và công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, tổ chức thuộc khu vực có dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

"Cần có những quy định cụ thể với người sử dụng đất trong vùng đã có quy hoạch, kế hoạch, nhất là liên quan đến vùng sản xuất đất nông nghiệp. Nhiều quy hoạch tầm nhìn đến 35 năm hay 50 năm thì cũng tránh cho người dân, đặc biệt là người nông dân bị ảnh hưởng tác động bởi quy hoạch liên quan đến quá trình sản xuất", bà Phạm Hải Hoa bày tỏ.

Nhiều ý kiến ở các địa phương đánh giá quy định "việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" có tính nhân văn, tiến bộ, là điểm mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nếu thực hiện tốt sẽ đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn dưới luật cần quy định chi tiết tiêu chuẩn đánh giá "điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" là như thế nào trong điều kiện cụ thể là hộ đông người, các hộ nông thôn.

Theo bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội nông dân TPHCM, thực hiện dự án tái định cư khi thu hồi đất không chỉ quan tâm đến chính sách hỗ trợ, bồi thường mà cần đảm bảo sinh kế và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ cho nông dân.

Chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định việc lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và công tác truyền thông về dự án Luật là rất quan trọng. Vì vậy cần phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tham gia vào dự thảo Luật, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về dự thảo Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đất nông nghiệp, đất nông lâm trường, đất rừng, thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, ngân hàng đất nông nghiệp…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ. Nguyên tắc xuyên suốt để hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai là không gây ách tắc trong thực hiện và không tạo lỗ hổng gây ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi triển khai; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập trước đây đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013. 

Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất như các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đại diện cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Các bộ, ngành hữu quan, các đại biểu tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản