Tin mới

Những vấn đề đặt ra và điều kiện bảo đảm để MTTQ Việt Nam thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú

(Mặt trận) - Hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua đạt một số kết quả tích cực. Thông qua việc theo dõi, giám sát của Mặt trận đã giúp cho cấp ủy, chính quyền có đủ cơ sở để thực hiện đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên. Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động phản ánh những biểu hiện suy thoái, phát hiện sớm những dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên để cấp ủy kịp thời định hướng chỉ đạo giải quyết. Hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các quy định, phát huy tinh thần gương mẫu, đồng thời vận động Nhân dân cùng thực hiện nghiêm chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, 2 vụ việc

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng

 

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IX của Đảng (năm 2004), về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ “tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực hiện giám sát của nhân dân đối với công tác và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, đại biểu dân cử và các cơ quan Nhà nước”. Thực hiện tốt chủ trương này của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần giải quyết tình trạng tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ trong cán bộ, đảng viên là vấn đề rất nghiêm trọng cần phải đẩy lùi, cần có sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Mặt trận Tổ quốc đã tham mưu cho Đảng để ban hành Quy chế giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Sau khi được Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) nhất trí (theo Thông báo 161-TB/TƯ ngày 16/11/2004), ngày 21/4/2006 Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế giám sát cán bộ, công chức ở khu dân cư (số 05/2006/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 21/4/2006).

Căn cứ Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; trong đó quy định cơ chế, chính sách để thực hiện giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó chỉ rõ: “Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân đấu tranh đẩy lùi sự thoái hóa, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên”, đồng thời căn cứ Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/4/2016 về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành “Quy định về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” (số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018).

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội của Đảng đều đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên. Đại hội X của Đảng đề ra nội dung nâng cao chất lượng đảng viên về phẩm chất, đạo đức lối sống là: “Có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu đi đầu trong công tác xử lý hài hòa các lợi ích, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết. Liên hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật. Không quan liêu, tham nhũng lãng phí và kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác”1.

Đại hội XII của Đảng đề ra: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng… chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện’ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”2.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; nghiên cứu, ban hành cơ chế để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”3.

Về nội dung giám sát cán bộ, đảng viên, cụ thể hóa các chủ trương của các Đại hội Đảng nêu trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành các quy định về nội dung nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên về chính trị tư tưởng, về đạo đức, phong cách đó là:

- Các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; những biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với 18 điểm.

- Việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp của Đảng được quy định trong các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong những năm gần đây, trong đó có quy định trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, cụ thể là :

+ Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp.

+ Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

+ Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.

+ Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Trong đó có cả nội dung giám sát việc thực hiện chuẩn mức đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Luật cán bộ, công chức.

Như vậy, về nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đã bao hàm toàn bộ các nội dung nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên theo tinh thần các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Triển khai các quy định của Đảng về giám sát cán bộ, đảng viên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng ban hành Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT ngày 22/9/2020 về hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ. Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT hướng dẫn cụ thể về đối tượng và phạm vi, nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung vào những nội dung: Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; Giám sát về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú; Giám sát việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân ở nơi cư trú.

Tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 60/HD-MTTQ-BTT ngày 26/4/2018 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội về “Giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú, đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp”. Trung bình mỗi năm, Ban Công tác Mặt trận các thôn, khu dân cư đã gửi hơn 5.000 biên bản nhận xét đến các chi bộ để làm cơ sở đánh giá xếp loại đảng viên.

Công tác giám sát đảng viên nơi cư trú là hoạt động góp phần giúp đảng viên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, có sự chỉ đạo sát sao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng. Mặt trận đã phát huy được vai trò nòng cốt của Ban Công tác Mặt trận để thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát đảng viên nơi cư trú. Chính vì vậy, khi đánh giá cán bộ, đảng viên, biên bản nhận xét của các Ban Công tác Mặt trận các thôn, khu dân cư đều được gửi đến các chi bộ để làm cơ sở đánh giá xếp loại đảng viên.

Ở Ninh Bình, Mặt trận Tổ quốc đã xây dựng chương trình giám sát đối với cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW để triển khai giám sát; đặt hòm thư tiếp nhận phản ánh của Nhân dân ở 100% các khu dân cư, định kỳ mở 1 lần/tuần, lập sổ theo dõi việc mở hòm thư, tổng hợp, báo cáo kết quả tiếp nhận thông tin phản ánh của Nhân dân thông qua hòm thư và các kênh khác theo quy định; Chỉ đạo các khu dân cư trong toàn tỉnh thực hiện việc niêm yết 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa”, 19 điều quy định đảng viên không được làm tại nhà văn hóa thôn, phố, nơi sinh hoạt cộng đồng để tạo điều kiện cho Nhân dân biết, nhận diện và tham gia giám sát.

Cấp xã tổ chức giám sát các đồng chí lãnh đạo diện Ban Thường vụ các huyện, Thành ủy quản lý và một số cán bộ, công chức cấp xã, trong đó phân công mỗi tổ chức giám sát 1 đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp xã và 1 đến 2 đồng chí cán bộ, công chức cấp xã; chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận, các chi đoàn, chi hội và Nhân dân giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên đang công tác về sinh hoạt nơi cư trú ở khu dân cư ...

Qua giám sát, theo dõi nhận thấy đa số đảng viên chấp hành tốt chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú. Nhiều đảng viên còn phát huy tốt vai trò cùng với cấp ủy, chi bộ vận động Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng công trình công cộng; gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tích cực đóng góp quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa", "Vì người nghèo" hay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh…

Tuy nhiên, còn không ít cán bộ, đảng viên chưa tự giác tham gia các phong trào của địa phương, việc thực hiện trách nhiệm của đảng viên còn "mờ nhạt", chưa thực sự gần gũi với Nhân dân... Đây là một tình trạng khá phổ biến diễn ra trong khoảng thời gian khá dài cần được quan tâm, chấn chỉnh kịp thời. Bởi là cán bộ, đảng viên chỉ làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình chưa đủ, mà cần có trách nhiệm trước Nhân dân, với cộng đồng và xã hội. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Đảng đã ban hành nhiều quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đồng thời đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đề cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tham gia giám sát cán bộ, đảng viên.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.  

Một số giải pháp để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện hiệu quả công tác giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú

Nâng cao nhận thức trong cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, trong Nhân dân và xã hội về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giám sát cán bộ, đảng viên, trong đó có nội dung giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt.

Nhận thức theo pháp luật thì giám sát cán bộ, đảng viên là giám sát hành vi của người đó trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhưng trong hoạt động thực tiễn, giám sát cán bộ, đảng viên là giám sát con người cán bộ, đảng viên, vì thế còn nhiều nhận thức khác nhau về quyền của chủ thể giám sát là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là Nhân dân có quyền giám sát cán bộ, đảng viên.

Giám sát hành vi cán bộ, đảng viên, nhưng hành vi lại gắn với con người cụ thể, do vậy có những hạn chế nhất định, đó là: cán bộ, đảng viên đó là người lãnh đạo, quản lý; là người có thẩm quyền giải quyết công việc có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; là người thân, quen, cùng họ hàng thân thích, cùng chung sống ở khu dân cư, thôn, xóm… nên còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, còn khá phổ biến ở khu dân cư.

Do vậy, mỗi tổ chức Đảng, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cơ quan truyền thông đại chúng phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, tổ chức học tập để nâng cao nhận thức rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, quyền và trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân là nhằm nâng cao chất lượng đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên, góp phần tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục quan tâm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú. Định kỳ hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng của cán bộ, đảng viên để rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ sở, cụ thể cần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch 05 với cơ chế, chính sách như sau:

- Về chủ thể giám sát là Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, là Nhân dân trực tiếp giám sát và thông qua giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

- Về đối tượng giám sát là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên cư trú ở khu dân cư.

- Về nội dung giám sát, tập trung vào giám sát sự suy thoái đạo đức, lối sống, các nội dung về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.

- Về hình thức giám sát dựa vào 3 hình thức giám sát đầu tiên theo quy định tại Điều 27 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Về quyền và trách nhiệm của chủ thể giám sát và chủ thể được giám sát chọn lọc trong các quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy định 124 và trong Nghị quyết liên tịch 05.

- Về cơ chế trả lời phản ánh, phát hiện, kiến nghị của Nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc theo các quy định pháp luật hiện hành.

Phối hợp công tác giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính phủ.

Về tổ chức thực hiện

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo Ban Bí thư cho chủ trương tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú đối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cơ sở để kiến nghị là Nghị quyết liên tịch 05 đã được Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế. Qua 5 năm tổ chức triển khai, thực hiện, nhìn chung Nhân dân các địa phương được làm điểm rất phấn khởi, đồng tình, hưởng ứng thực hiện, tin tưởng vào chủ trương của Đảng và đã đạt được kết quả và hiệu quả rõ rệt; tuy còn những hạn chế, khó khăn có thể khắc phục được.

Cơ sở nữa là phù hợp với việc thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và Nhân dân nơi cư trú (Quy định số 213-QĐ/TW ngày 2/1/2020 thay thế Quy định 76/TW ngày 15/6/ 2000), trong đó có quy định “Định kỳ hằng năm, chi uỷ hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi uỷ) họp với Ban Công tác Mặt trận thôn, bản, khu dân cư để nhận xét từng đảng viên đang công tác thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú trên địa bàn mình theo phiếu nhận xét và gửi về đảng uỷ xã, phường, thị trấn”.

Một số công việc cần có giải pháp sớm thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức tập huấn nghiệp vụ giám sát thực hiện Quy định 124 cho cán bộ Mặt trận cấp huyện, để tập huấn cho cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Định kỳ hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức kiểm tra việc triển khai và thực hiện Quy định 124 ở Mặt trận các cấp đến cơ sở và khu dân cư.

Ban Thường trực cần chỉ đạo tổ chức khảo sát, nghiên cứu tình hình thực hiện việc nhận xét từng đảng viên đang công tác thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú trên địa bàn theo phiếu nhận xét và gửi về đảng uỷ xã, phường, thị trấn để ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Chú thích:

1.  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 300 - 301.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 202.

3.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 248-249.

Đỗ Duy Thường -  Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản